Zing trích dịch bài đăng trên South China Morning Post, đề cập đến chuyện phụ nữ trẻ Trung Quốc học theo hình tượng các nhân vật giàu có trên phim để xây dựng hình ảnh sang chảnh, thành đạt cho bản thân.
“Hãy cất túi xách của bạn ra chỗ khác nếu nó không phải là túi hiệu Hermès".
Trong một cảnh thuộc phim truyền hình Nothing But Thirty của Trung Quốc, một trong các nhân vật chính bị cắt ra khỏi bức ảnh chụp chung giữa một nhóm những bà nội trợ giàu có.
Lý do là cô chỉ xách một chiếc túi hiệu Chanel có giá khoảng 4.800 USD, trong khi những người còn lại xách túi Hermès với mức giá thấp nhất từ 10.000 USD.
Phân cảnh trong phim Nothing But Thirty, khi một phụ nữ trong nhóm bị những người còn lại khinh rẻ vì xách túi hiệu không cùng đẳng cấp. Ảnh: Sina. |
Cuối cùng, nhân vật này cũng được những người bạn khác chấp nhận, cho nhập hội sau khi mua một chiếc túi Hermès Birkin da đà điểu màu xanh.
Sau khi cảnh phim này được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội ở Trung Quốc, người dùng mạng có cuộc tranh luận sôi nổi về độ sành điệu khi sở hữu Chanel và Hermès, hai thương hiệu vốn được coi là đẳng cấp bậc nhất trong làng thời trang.
Học theo phong cách sống trên phim
Một nghiên cứu gần đây của công ty nghiên cứu Bernstein chỉ ra các chương trình truyền hình Trung Quốc đã tác động mạnh đến thói quen tiêu dùng của khách hàng nữ tại nước này.
“Phim truyền hình phát triển như một tấm gương phản chiếu nền kinh tế tăng trưởng nhanh của Trung Quốc trong những thập kỷ qua. Của cải, tiền bạc, sự giàu có và lối sống phô trương xuất hiện nhiều hơn", nghiên cứu viết.
Phụ nữ trẻ ở Trung Quốc nhìn những hình mẫu xuất hiện trên phim truyền hình để học theo thời trang, phong cách sống. Ảnh: Reuters. |
Năm 2018, phụ nữ Trung Quốc bắt đầu chiếm lĩnh thị trường trong nước khi 71% mặt hàng xa xỉ do nhóm này tiêu thụ. Trong đó, phụ nữ 26-35 tuổi được coi là những khách hàng tiềm năng nhất.
Theo chuyên gia tiêu dùng Wendy Liu, lực lượng phụ nữ trong độ tuổi 20-40 đã và đang tạo ra một “nền kinh tế chị em” năng động, thu hút sự chú ý ở đất nước tỷ dân.
Các nhà nghiên cứu phân tích điều này bắt nguồn từ việc tỷ lệ phụ nữ tăng lên trong lực lượng lao động ở Trung Quốc. Sức mua của họ tỷ lệ thuận với trình độ và thu nhập.
Nói cách khác, nhóm phụ nữ trẻ sẵn sàng mua sắm bạo tay như cách tự thưởng cho sự chăm chỉ và thành công sự nghiệp.
“Thương hiệu xa xỉ là cách một cá nhân giúp bản thân nổi bật giữa đám đông. Người tiêu dùng sắm hàng hiệu vì cảm thấy họ đang nâng tầm bản thân khi sở hữu thứ gì đó đặc biệt, độc quyền và đáng mơ ước", nghiên cứu chỉ ra.
Không chỉ thời trang, nhóm phụ nữ trẻ còn học theo thái độ sống, cách xây dựng sự nghiệp từ các nhân vật trong phim truyền hình.
Khi ý thức được vị trí của mình, các cô gái ở Trung Quốc vung tiền nhiều hơn cho bản thân. Ảnh: SCMP. |
Chủ nghĩa vật chất lên ngôi
Các nhà nghiên cứu quan sát thấy rằng các bộ phim truyền hình trong những năm gần đây khai thác nhiều hơn hơn vào sự giàu có hoặc chủ nghĩa vật chất.
Điều này xuất phát từ quan niệm về người phụ nữ thành đạt đã thay đổi, từ "lấy được một người chồng tốt" sang "tự gây dựng thành công cho mình".
Những hình mẫu phụ nữ xuất hiện trên tivi ở xứ tỷ dân hầu hết đều có một mẫu số chung: trẻ trung, xinh đẹp, có học thức và độc lập về tài chính.
Cô gái ấy thường độc thân, giữ chức vụ cao trong công việc, được trả lương cao và sở hữu nhiều tài sản có giá trị. Về diện mạo, nhân vật sẽ thường khoác lên mình trang phục đến từ các nhà mốt xa xỉ và có lối sống phương Tây như thích tập gym, ăn salad.
Nhưng đồng thời, phụ nữ Trung Quốc dần đối mặt với áp lực lớn khi họ cố gắng đáp ứng kỳ vọng của xã hội về một phụ nữ thành đạt.
Tiêu chuẩn được nâng lên. Sang trọng, xinh đẹp, sự nghiệp phát triển đi kèm với kết hôn, xây dựng gia đình hạnh phúc. Những áp lực này khiến việc vung tiền vào mua sắm trở thành phương án để giải tỏa căng thẳng.
Nghiên cứu cũng cho thấy rằng trải nghiệm, trái ngược với của cải vật chất, đang trở nên quan trọng hơn. Các hoạt động bao gồm lặn, nhảy dù và trượt tuyết ngày càng trở nên phổ biến.