Sát mùa thi, TiKTok lại ngập tràn nội dung đoán đề thi, đặc biệt là đề thi môn Ngữ văn. Ảnh: TopCVUK. |
“Dự đoán vui về đề Văn năm 2024, mình cảm nhận là đề thi sẽ vào bài thơ. Các bạn ôn thật kỹ giúp mình 2 bài Việt Bắc và Đất nước nha”.
Đây là lời “tư vấn” của một tarot reader (dịch: Người xem tarot) trên nền tảng TikTok. Chỉ thông qua việc trải bài, người này khẳng định chắc nịch đề văn sẽ ra vào tác phẩm thơ. Thậm chí, khi một học sinh bình luận rằng em đoán đề rơi vào tác phẩm Việt Bắc, TikToker này trả lời rằng “top 1 sẽ là Đất nước”.
Đoán nhưng rất tự tin là sẽ trúng
Không riêng tarot reader này, nhiều TikToker khác cũng làm nội dung đoán đề thi môn Ngữ văn tốt nghiệp THPT 2024. Ví dụ, một tài khoản có tên @phuthuy******* cho rằng 4 tác phẩm có khả năng cao sẽ vào đề thi tốt nghiệp THPT 2024 gồm Việt Bắc, Tây Tiến, Đất nước, Người lái đò sông Đà. Người này tự tin khẳng định 99% sẽ trúng tủ.
Hay một tài khoản có tên @biquyetdo****** khẳng định phần nghị luận của đề thi tốt nghiệp THPT môn Văn năm nay sẽ vào tác phẩm thơ và khuyên thí sinh tập trung cao độ vào những bài Tây Tiến, Việt Bắc, Đất nước.
Lý do người này đưa ra dự đoán trên là theo thống kê từ năm 2018 đến năm 2023, Bộ GD&ĐT ra đề thi tuần hoàn, tức năm 2018 và năm 2019 đều ra tác phẩm truyện, năm 2020 và 2021 đề thi vào tác phẩm thơ, năm 2022 và 2023 vào tác phẩm truyện. Như vậy theo quy luật tuần hoàn, đề thi năm 2024 chắc chắn sẽ ra tác phẩm thơ.
“Từ trước đến giờ, bài thơ Việt Bắc chưa xuất hiện trong đề thi, anh em nhớ tập trung vào bài này", TikToker @biquyetdo****** khuyên.
Để củng cố niềm tin, người này nói rằng đề thi minh họa các năm trước có xuất hiện bài thơ Việt Bắc nhưng không xuất hiện trong đề thi. Nên khả năng cao năm nay, tác phẩm này sẽ được sử dụng.
Các TikToker tự tin khẳng định đề Văn sẽ rơi vào tác phẩm Đất nước, Việt Bắc... |
Không riêng TikTok, trên Facebook, nhiều bài viết mang nội dung đoán đề thi cũng xuất hiện. Năm nay, tài khoản Kaito Kid lại xuất hiện, mập mờ chuyện sẽ dự đoán đề thi vào ngày 26/6, ngay trước khi ngày thi chính thức diễn ra.
Trong các bài viết được đăng tải gần đây, người này cũng mập mờ chỉ dẫn thí sinh ôn các tác phẩm như Người lái đò sông Đà, Việt Bắc, Tây Tiến, Đất nước, Sóng, Vợ chồng A Phủ.
Trước đó, trong 4 kỳ thi tốt nghiệp THPT liên tục từ năm 2020, Kaito Kid luôn dự đoán chính xác tên tác phẩm sẽ ra trong câu hỏi nghị luận văn học của đề thi môn Ngữ văn. Nhờ vậy, Kaito Kid nhận được "bão tim" của cư dân mạng. Fanpage này có hơn 1 triệu lượt thích và hơn 1,3 triệu người theo dõi, đặc biệt là học sinh.
Hay tại các diễn đàn học sinh, không ít bài đăng nêu nội dung “Topic: Đoán đề thi THPT môn Văn”. Dưới bài đăng, hàng trăm bình luận và rất nhiều lượt chia sẻ của học sinh.
Điểm chung của các nội dung nói trên là ở cuối bài viết hoặc video, chủ tài khoản lưu ý thí sinh phải nắm chắc kiến thức của tất cả tác phẩm. Tuy nhiên, bên dưới phần bình luận, nhiều học sinh bày tỏ niềm tin, ủng hộ, hy vọng sẽ như lời chủ tài khoản nói.
Thí sinh cầu mong may rủi
Chỉ hơn một tuần nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 sẽ diễn ra. Môn thi đầu tiên là môn Ngữ văn, cũng là môn duy nhất làm bài thi theo hình thức tự luận. Bùi Huyền (học sinh lớp 12 tại Hà Nội) tỏ ra hồi hộp, lo lắng bởi em lựa chọn dùng khối D01 để xét tuyển, Văn là môn quan trọng.
Không ít lần, nữ sinh tham gia các hội nhóm, theo dõi các bài viết có nội dung đoán đề thi để “củng cố niềm tin" khi nhiều người cũng nghĩ giống mình. Theo Huyền, việc đoán đề thường căn cứ vào việc tính tần suất ra đề qua từng năm để loại bỏ các tác phẩm có tần suất ra nhiều và gần nhất hoặc căn cứ vào các sự kiện nổi bật gần đây.
Nữ sinh cho biết em khá tin tưởng vào những nội dung này, thậm chí có cả nội dung đoán đề dựa trên yếu tố tâm linh. Theo đó, trên TikTok, Huyền có xem được một video người dùng @kinhdichthien**** giải quẻ, có 3 tác phẩm tiềm năng là Đất nước, Việt Bắc và Vợ chồng A Phủ.
Giải thích cho lời nói của mình, chủ tài khoản cho biết khi giải thì được quẻ Bí hóa Li, đều ám chỉ về vùng núi cao, khô ráo. Bí và Li cũng chỉ sự quang minh, đẹp đẽ quy tụ lại với nhau, nên có 3 tác phẩm rất tiềm năng như trên. Đặc biệt là tác phẩm Vợ chồng A Phủ do quẻ Bí là quy tụ, tương tự Mị và A Phủ giải thoát và quy tụ, làm đẹp cho cuộc đời của nhau.
Huyền khá tin tưởng vào nội dung này bởi nhiều người khác cũng dự đoán đề thi sẽ xuất hiện một trong những tác phẩm trên.
Tương tự, Lan Anh (học sinh lớp 12 tại Hà Nội) cho biết dù đã hạn chế mạng xã hội, em cũng không tránh được các thông tin liên quan đến nội dung đoán đề khi bạn bè xung quanh thường bàn luận và cho xem các bài viết, video. Nữ sinh cũng khá tin tưởng các nội dung này, coi các tác phẩm dự đoán là nội dung trọng tâm để ôn tập.
Cả Huyền và Lan Anh đều nói rằng dù các em đều ôn tất cả tác phẩm, nhưng “có trọng tâm" vẫn hơn bởi kiến thức của các môn thi còn lại cũng rất nhiều. Thời điểm nước rút này, cả hai sẽ tập trung nhiều hơn vào các tác phẩm được dự đoán để tránh dàn trải.
Xem nội dung đoán đề có thể ảnh hưởng tâm lý của học sinh. Ảnh minh họa: Khương Nguyễn. |
Không có chuyện học tủ là được điểm cao
Bàn về những video đoán đề thi đang viral trên TikTok, cô Lê Dung, giáo viên tại Hà Nội, không quá bất ngờ vì gần như năm nào cũng xuất hiện những nội dung như vậy vào sát kỳ thi, chỉ là hình thức khác nhau.
Cô giáo lấy ví dụ vào nhiều năm trước, khi TikTok chưa phổ biến, các nội dung đoán đề thi thường xuất hiện ở hình thức bài đăng trên nền tảng Facebook và cũng thu hút hàng nghìn lượt tương tác.
Nhìn chung, cô Dung nhận định tâm lý thích và tin vào những nội dung đoán đề thi không chỉ xảy ra với riêng gen Z mà các học sinh thế hệ trước cũng có. Vấn đề này có thể liên quan lứa tuổi. Khi còn là học sinh, nhiều bạn ham chơi hơn ham học, việc học dễ bị phân tán bởi nhiều yếu tố khác và có thể những bạn đó vẫn không nghĩ là học cho mình.
Tâm lý học hành bị ảnh hưởng, trẻ dễ rơi vào tình trạng sát ngày mới ôn thi. Khi đó, “ngọn rơm cứu mạng” duy nhất mà các bạn có thể tìm ra chính là đoán đề để rút ngắn, tiết kiệm thời gian ôn tập. Việc chỉ ôn một tác phẩm văn học, hoặc ôn 1-2 nội dung trong đề cương có thể vẫn “trúng tủ”, nhưng xác suất thường không cao.
Học theo nội dung đoán đề trên mạng không chỉ ảnh hưởng đến những kiến thức trẻ thu nhận được, mà còn tạo ra tâm lý học tủ, học vẹt và tư duy lười biếng. Cô Dung cũng lo ngại rằng những nội dung, video đoán đề trên mạng xã hội có thể gây ra tâm lý lệ thuộc ở trẻ.
Thứ nhất là sự lệ thuộc vào nền tảng video ngắn như TikTok. Khi video dạng ngắn, nhanh ngày càng chiếm lĩnh thị trường, khả năng tập trung của trẻ sẽ bị phân tán và có thể gây ra những chứng bệnh như rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).
Thứ hai là lệ thuộc vào những tuyến nội dung tâm linh như xem bói đoán đề thi. Khi xem quá nhiều nội dung liên quan tâm linh, may mắn, trẻ có thể có xu hướng phải tìm đến những thứ như vậy trước khi làm một điều gì đó mới có thể an tâm.
Cô Dung nói sự lệ thuộc này rất nguy hiểm vì một khi đã quá tin vào những nội dung đoán đề trên mạng, học sinh có nguy cơ quên cách tạo động lực, xây dựng kế hoạch học tập cho bản thân. Nguy hiểm hơn nữa là các bạn dễ bị kẻ xấu lợi dụng để trục lợi.
“Muốn có kết quả học tập như ý thì trước hết vẫn phải học. Học là cho bản thân chứ không phải học vì điểm số hay vì học cho người lớn vui lòng. Tôi mong các học sinh đừng nghĩ rằng học tủ lúc nào cũng được điểm cao, điều đó rất khó xảy ra”, cô Dung nhấn mạnh.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.