Trao đổi với Zing, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng, đánh giá Việt Nam đang đối mặt nhiều nguy cơ tái bùng dịch Covid-19. Do đó, việc xác định tâm thế phòng, chống dịch rất quan trọng vào thời điểm này.
Việt Nam cần đi trước một bước
- Ông có thể phân tích tình hình và đánh giá nguy cơ bùng dịch Covid-19 ở Việt Nam hiện nay?
- Hiện tại, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới rất phức tạp. Ở các nước châu Âu, con số ghi nhận tiếp tục tăng, đặc biệt là châu Á, chẳng hạn Ấn Độ, con số tăng chưa từng có. Tôi thấy đáng lo ngại là các nước láng giềng của Việt Nam như Lào, Campuchia cũng đang bùng dịch kéo theo nguy cơ đối với nước ta.
- Trong đợt dịch đầu tiên, Việt Nam có nguy cơ lớn khi nước bên cạnh là Trung Quốc bùng phát dịch. Hiện nay, cùng lúc, nguy cơ đó đến từ hai quốc gia láng giềng. Tình hình này có gì khác biệt với các làn sóng dịch trước đó?
Tôi cho rằng đến nay, ngành y tế tự chủ được nhưng không được chủ quan, lơ là. Tất cả phải sẵn sàng mới có thể đáp ứng khi bùng dịch.
PGS.TS Trần Đắc Phu
- Đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc rất dài. Tuy nhiên, lúc đó, chúng ta chủ yếu đối phó với đường biên giới trên bộ. Đường hàng không thì ngay từ đầu, Việt Nam đã cắt đứt hoàn toàn. Đến đợt bùng dịch liên quan các nước châu Âu, châu Mỹ, những trường hợp ghi nhận đều đến theo đường hàng không. Khi đó, Việt Nam đưa ra quyết sách ngay lập tức là cách ly tất cả ca dương tính và người liên quan.
Lần này, các nước láng giềng đang bùng dịch. Đối với Campuchia, chúng ta phải đối diện ít nhất 5 nguy cơ. Thứ nhất, Việt Nam và Campuchia có đường biên giới rất dài, 2.067 km, đi qua 10 tỉnh của nước ta. Đặc biệt, đường biên giới trên biển rất khó kiểm soát. Thứ hai, người dân giao lưu, đi lại nhiều. Người Việt Nam sống bên Campuchia cũng nhiều.
Nguy cơ thứ 3 là biến chủng Anh và Nam Phi đã được xác định xuất hiện ở quốc gia này và ở những bệnh nhân Covid-19 của nước ta trở về từ Campuchia. Cuối cùng là tình trạng nhập cảnh trái phép ở vùng biên giới. Tôi nghĩ Việt Nam nên chủ động các biện pháp để đối phó với nguy cơ cao của dịch.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế. Ảnh: Phạm Thắng. |
- Vậy ngành y tế cần chuẩn bị như thế nào?
- Với các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, nếu chúng ta phát hiện được và cách ly ngay thì không sao. Ngược lại, để lọt những ca đó vào cộng đồng, đi lại trong dân cư sẽ nhanh chóng tạo thành các ổ dịch. Do đó, chúng ta cần phải chủ động. Việc dự phòng phải đi trước một bước. Nếu Việt Nam không chủ động phát hiện sớm ca bệnh, sẽ rất nguy hiểm.
Hiện, năng lực của Việt Nam khá hơn rất nhiều về kinh nghiệm trong ngăn chặn, phát hiện, cách ly khoanh vùng, dập dịch và điều trị hiệu quả. Tôi cho rằng đến nay, ngành y tế tự chủ được nhưng không được chủ quan, lơ là. Tất cả phải sẵn sàng mới có thể đáp ứng khi bùng dịch. Đặc biệt, chúng ta không chỉ cần sẵn sàng về cơ sở vật chất mà cả con người.
Tôi lấy ví dụ chuyện cách ly. Các địa phương không chỉ lo cơ sở cách ly, mà còn cần người có năng lực, trình độ về quản ý, cách ly để không có sự lây chéo trong các khu này. Thậm chí, chúng ta phải diễn tập để khi có ca bệnh, cách ly và đối phó được ngay. Mỗi địa phương phải chủ động, thực hiện "4 tại chỗ". Khi dịch bùng phát, không có cơ sở cách ly, điều trị sẽ rất nguy hiểm.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân và chính quyền địa phương để phát hiện các trường hợp nhập cảnh bất hợp pháp và ca bệnh dương tính. Các địa phương phải kích hoạt trạng thái như tình hình đang có dịch.
- Sau hơn một năm tham gia chống dịch, ông có điều gì muốn lưu ý với người dân trong thời điểm này?
- Tôi thấy rằng Việt Nam khi có dịch xảy ra, người dân sợ nên thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch. Nhưng khi dịch được khống chế, mọi người lại có sự chủ quan, lơ là. Chúng ta phải nhớ rằng hiện nay Việt Nam trong giai đoạn bình thường mới, tức là khác bình thường cũ. Điều đó có nghĩa người dân phải thực hiện tốt các biện pháp 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tôi lưu ý việc khai báo y tế cũng rất quan trọng. Bởi khi cần thiết các cơ quan y tế có thể dựa vào các thông tin này để truy vết và tư vấn phòng, chống dịch cho chúng ta. Nếu làm được điều đó, dịch xảy ra sẽ như đốm lửa nhỏ. Nếu chúng ta để bùng cháy thành đám lửa thì rất khó quản lý.
Hậu quả lớn khi lơ là
- Bộ Y tế vừa công bố kết quả giải trình tự gene của những ca bệnh nhập cảnh từ Campuchia, sắp tới là Ấn Độ. Điều này có ý nghĩa gì?
- Việc giải trình tự gene có thể giúp ngành y tế biết được các bệnh nhân bị lây nhiễm chủng virus nào. Biến chủng SARS-CoV-2 lây lan mạnh hơn, có những chủng độc lực cao, gây tử vong nhiều... Việc giải trình tự gene có thể giúp chúng ta biết được đặc tính của virus đó, gây bệnh như thế nào, lây lan nhanh hay không, độc lực mạnh hay bình thường, là chủng cũ hay chủng mới xuất hiện. Tất cả thông tin đó sẽ phục vụ cho công cuộc chống dịch của Việt Nam.
Lực lượng bộ đội biên phòng kiểm soát khu vực biên giới biển Hà Tiên, Kiên Giang. Ảnh: Hoàng Giám. |
- Biến chủng B.1.167 đột biến kép đang gây bùng phát dịch rất mạnh ở Ấn Độ. Ông có thể thông tin về biến chủng này?
- Biến chủng SARS-CoV-2 mới tại Ấn Độ là B.1.617. Đây là chủng virus mới trên chủng đột biến tại Anh B.1.1.7, nên người ta gọi là đột biến kép. Mặc dù nghiên cứu chưa nhiều, bước đầu cho thấy đây là chủng lây lan mạnh hơn các chủng cũ, đó là điều chúng ta phải chú ý.
Đối với Việt Nam hiện nay, nguy cơ dịch tràn sang nhiều nhất là từ phía Campuchia. Với chủng virus đột biến kép ở Ấn Độ, nếu không kiểm soát tốt, cách ly sau nhập cảnh không nghiêm ngặt, virus hoàn toàn có khả năng xâm nhập. Các biến chủng virus hiện nay được ghi nhận đều có tốc độ lây lan rất nhanh, gây bùng phát dịch nhanh chóng nếu không có biện pháp ngăn chặn tốt.
Việt Nam có lợi thế hơn các nước là chưa có nhiều ca bệnh. Nhưng khi số ca mắc tăng lên, ngành y tế sẽ không còn khả năng chi viện cho tuyến dưới, các tỉnh cũng không chi viện được cho nhau vì lúc đó tất cả đều trên cùng "mặt trận".
PGS.TS Trần Đắc Phu
- Kịch bản xấu nhất sẽ là gì?
- Thực tế chống dịch của các nước cho thấy kể cả những quốc gia có nền y học phát triển, hiện đại như Anh, Mỹ..., hay cả những nước có ngành y tế còn khó khăn, nếu để y tế dự phòng vỡ trận, số ca mắc cao thì những người nhập viện sẽ nhiều. Khi đó, hệ thống điều trị không còn khả năng chống đỡ. Đáng lo là những người già, người mắc bệnh nền..., khi nhiễm virus sẽ có nguy cơ tử vong cao.
Việt Nam có lợi thế hơn các nước là chưa có nhiều ca bệnh. Nhưng khi số ca mắc tăng lên, ngành y tế sẽ không còn khả năng chi viện cho tuyến dưới, các tỉnh cũng không chi viện được cho nhau vì lúc đó tất cả đều trên cùng "mặt trận". Nếu vỡ trận y tế dự phòng, chắc chắn sẽ vỡ trận điều trị. Điều này xảy ra không loại trừ các nước có nền y học tiên tiến, phát triển. Thực tế đang chứng minh như vậy.
- Với nguy cơ rất cao, trong khi kỳ nghỉ lễ 30/4 sắp tới, liệu người dân có nên ở nhà, không di chuyển?
- Thời điểm hiện tại, tôi cho rằng chưa cần thiết đóng cửa các hoạt động du lịch vì Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt dịch. Tuy nhiên, người dân đang có sự chủ quan, lơ là phòng, chống dịch như không đeo khẩu trang nơi đông người, vẫn tụ tập. Mọi người có thể di chuyển nhưng cần tuân thủ đúng 5K.
Điều căn bản nhất là chúng ta vẫn phải tiếp tục phát hiện, ngăn chặn đừng để dịch bệnh lây lan. Những ổ dịch nhỏ có thể bao vây, dập dịch được ngay. Nhưng nếu phát hiện muộn thì rất nguy hiểm vì dịch bệnh sẽ lây lan rất mạnh khi người dân đi lại nhiều, du lịch, dịch vụ dịp nghỉ lễ. Như vậy, chúng ta sẽ rất khó để truy vết, dập dịch, dịch sẽ bùng phát trên diện rộng. Bài học từ Ấn Độ cho thấy dịch bệnh đã bùng phát đến mức khó kiểm soát khi người dân tham gia lễ hội, tập trung đông người.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.