Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Hệ thống pháp luật Việt Nam phức tạp nhất thế giới’

"Việc có quá nhiều văn bản, chủ thể khác nhau nên pháp luật của chúng ta rất khó tuân thủ. Hệ thống pháp luật của chúng ta phức tạp nhất thế giới", Bộ trưởng Tư pháp nói.

Chất vấn Bộ trưởng Tư pháp chiều 11/6, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nêu hiện tượng “cài” lợi ích nhóm, lợi ích riêng của bộ, ngành trong một số văn bản quy phạm pháp luật.

“Là người đứng đầu cơ quan thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm và hướng khắc phục tình trạng trên?”, bà Thúy chất vấn.

Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Trần Du Lịch đặt vấn đề: “Vì lợi ích cục bộ nên các cơ quan này thường làm nhẹ trách nhiệm của của mình trong chính sách, quản lý. Bộ tư pháp được giao rà soát lại mọi văn bản nhưng liệu có tình trạng nể nang đối với các văn bản pháp luật bảo vệ lợi ích cục bộ của ngành?”.

Liên quan đến vấn đề thi hành án dân sự, vấn đề phát mãi tài sản thế chấp, đại biểu Trần Du Lịch bức xúc: "Không có nơi nào thủ tục nhiêu khê, phức tạp để bán một tài sản, lấy một tài sản để thế chấp như ở Việt Nam. Một ngân hàng khi đáo nợ để phát mãi một tài sản nhanh nhất mất 4 năm".

"Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với nhận định này" - Bộ trưởng Cường chia sẻ.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho hay, Bộ Tư pháp được giao thẩm định các loại văn bản quy phạm pháp luật từ quyết định của Thủ tướng trở lên, còn lại thông tư, thông tư liên tịch của các bộ thì giao cho bộ phận pháp chế của các bộ.

Theo đó, từ quyết định của Thủ tướng trở lên thì quy trình rất chặt chẽ, từ việc thẩm định, lấy ý kiến, đăng tải trên cổng thông tin điện tử trong vòng 60 ngày.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường. Ảnh: L.T.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường. Ảnh: L.T.
"Với quy trình như vậy, câu chuyện có cài đặt lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ vào các quyết định của Chính phủ trở lên, chúng tôi thấy chưa phải là vấn đề đặt ra. Tuy nhiên đứng từ phía nào để nhìn xem lợi ích nhóm, tôi nghĩ có thể mỗi cách nhìn khác nhau”, ông Cường trả lời đại biểu Thúy.

Đánh giá vấn đề đại biểu Lịch đặt ra là hết sức vĩ mô, ông Cường cho hay, từ khi thực hiện công cuộc đổi mới thì Việt Nam mới quan tâm đến công tác xây dựng văn bản pháp luật và nhận ra còn nhiều chồng chéo. Nhiều "luật mẹ" chưa có nhưng đã có "luật con".

Ngoài ra, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho phép rất nhiều chủ thể được ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ban hành nhiều loại khác nhau, “thậm chí là cấp chủ tịch xã” cũng có quyền.

“Việc có quá nhiều văn bản pháp luật khác nhau, nhiều chủ thể khác nhau nên pháp luật của chúng ta rất khó tuân thủ. Hệ thống pháp luật của chúng ta phức tạp nhất thế giới", người đứng đầu ngành Tư pháp nhìn nhận.

Vì thế, Bộ đã đề xuất giảm số lượng văn bản, như số văn bản của của Chính phủ, Bộ trưởng...

Cũng liên quan tới việc ban hành văn bản hướng dẫn (dưới luật như nghị định, thông tư), đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu thực trạng giấy phép con của các bộ, ngành đang “bẫy” doanh nghiệp với người dân, khiến họ phải chung chi, bôi trơn.

"Vấn đề là các văn bản hướng dẫn không trái luật mà hạn chế. Ví dụ Luật tạo hành lang pháp lý 3 mét thì hướng dẫn còn 1 mét, đường thẳng, bằng thì hướng dẫn vòng vèo, lên dốc. Người dân, doanh nghiệp đi tốn kém thời gian và phải chung chi. Đây là lực cản rất lớn.

Các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp mỗi lần gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng họ về họ rất phấn khởi. Nhưng khi quay trở về cuộc sống hàng ngày thì họ đụng vào rừng những văn bản hướng dẫn này thì họ lại buồn, chán và họ rất nản lòng. ”, đại biểu Nghĩa trao đổi thêm sau phần trả lời của Bộ trưởng Tư pháp.

Vị Phó chủ nhiệm đoàn luật sư TP HCM dẫn chứng về cuộc gặp với Thủ tướng ít ngày trước, doanh nghiệp phản ánh, ở nước ngoài chỉ cần 3 ngày thành lập được công ty nhưng Việt Nam thì 3 tháng chưa xong. Thậm chí, Bill Gates không xin được việc làm ở Việt Nam

“Văn bản hướng dẫn vô hiệu hóa hành lang pháp lý, luật định. Tình trạng này xử lý, khắc phục như thế nào?”, ông Nghĩa đặt vấn đề.

Đại biểu này cũng nêu thực trạng về tình trạng văn bản hướng dẫn sai, thu hồi, sửa chữa gây tốn kém hàng trăm, ngàn tỷ đồng…

Trước thông tin này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường “cảm ơn và xin phép kiểm tra cụ thể” trước khi gửi kết quả kiểm tra cho đại biểu.

Đối với thực trạng văn bản hướng dẫn sai trong thời gian qua, ông Cường mong đại biểu Nghĩa “thông cảm”. Tuy nhiên, về con số tốn kém thì vị Bộ trưởng đề nghị đại biểu nêu cụ thể.

10.000 luật sư mới có 3 người đủ trình độ tư vấn cho nhà đầu tư nước ngoài

Đại biểu Ngô Đức Mạnh muốn biết đánh giá của Bộ trưởng về trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ tư pháp luật gia, luật sư trong việc tư vấn pháp lý, nhất là tham gia tố tụng tại các cơ quan tài phán quốc tế để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Tư pháp, trong giới luật sư, đã có một số người trưởng thành, có thương hiệu. Tuy nhiên, qua đánh giá, chỉ 0,03% luật sư có đủ trình độ tư vấn bằng tiếng Anh cho nhà đầu tư nước ngoài.

Với việc cử luật sư tham gia cơ quan tài phán quốc tế, nhiệm vụ này đã được Chính phủ đề ra và do Bộ Ngoại giao chủ trì, Bộ Tư pháp tham gia. Hiện, Việt Nam đã tham gia trọng tài thường trực quốc tế ở tòa án quốc tế La Haye và cử đủ 5 trọng tài viên tham gia. Song, nhưng thực tế chưa có vụ nào các trọng tài này đứng ra xét xử.

“Trong nhiệm kỳ này Chính phủ giao Bộ Tư pháp đào tạo đội ngũ luật gia, chúng tôi đã thành lập trung tâm đào tạo luật gia chất lượng cao, liên kết đào tạo quốc tế”, ông Cường nói và không quên nhắc tới trách nhiệm đào tạo đội ngũ luật gia của Bộ Giáo dục Đào tạo...

Gây thiệt hại hàng nghìn tỷ, đi tù là xong?

Đặt câu hỏi vào cuối buổi chất vấn, đại biểu Đỗ Văn Đương cho hay, vừa qua cử tri rất hoan nghênh đã đưa ra truy tố xét xử rất nhiều đại án về kinh tế tham nhũng, gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng cho đất nước và cho nhân dân. Riêng vụ Huyền Như đã tới 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Đương, cử tri cũng rất buồn vì thu hồi tài sản trong các vụ án này tỷ lệ rất thấp, chỉ chiếm phần nhỏ.

“Theo tổng kết chúng tôi theo dõi chỉ khoảng dưới 10%, còn phần lớn kia đi đâu? Có phải chăng cứ đi tù rồi xong. Vậy xin hỏi Bộ trưởng dưới góc độ là thi hành án dân sự trong vụ án hình sự này thì Bộ trưởng có giải pháp gì để kết nối giữa công tác điều tra, truy tố xét xử với công tác thu hồi tài sản cho nhà nước và cho công dân? Ở góc độ thứ hai, với tư cách là Trưởng ban soạn thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) thì quan điểm của Bộ trưởng về chính sách hình sự đối với loại tội này như thế nào cho nghiêm minh, chẳng hạn như bổ sung vào hình phạt tù suốt đời để sống mà còn phải trả tiền, chứ không phải chỉ tử hình là xong hoặc đi tù là xong và phạt tiền phạt nặng” – ông Đương nêu câu hỏi.

Chất vấn của đại biểu này cùng với một số câu hỏi khác sẽ được Bộ trưởng Hà Hùng Cường giải đáp vào sáng 12/6.

Trước khi kết thúc buổi chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng "đặt hàng" Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói rõ thêm về 312 văn bản mà Bộ báo cáo là sai hiện nay gây hậu quả gì. Qua đó tìm trách nhiệm, cách giải quyết.

Sau Bộ trưởng Tư pháp, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh sẽ đăng đàn. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chốt lại phiên chất vấn.

Nguyễn Hưng

Bạn có thể quan tâm