Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Herbalife nói gì sau cái chết của cô gái 24 tuổi ở Ấn Độ?

Nạn nhân ​là một phụ nữ Ấn Độ 24 tuổi, được cho là đã tử vong sau 2 tháng sử dụng 3 sản phẩm giảm cân của Herbalife.

Vừa qua, Zing.vn đăng bài viết "Cô gái 24 tuổi mất mạng sau khi dùng thực phẩm chức năng giảm cân", của TS Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu City of Hope, California, Mỹ. Nạn nhân là phụ nữ 24 tuổi ở Ấn Độ, sử dụng 3 sản phẩm giảm cân của Herbalife trong bộ “Herbalife-slimming products”, bao gồm: Formula 1 Shake Mix, Personalized Protein Powder và Afresh Energy Drink.

Sau 2 tháng sử dụng, cô bắt đầu có những triệu chứng như chán ăn, vàng da và thỉnh thoảng bị ngứa. Kết quả sinh thiết mô gan cho thấy các mô bị hoại tử từ mức độ trung bình đến nghiêm trọng, viêm đường mật, nhiễm mỡ, ứ mật trong mao mạch. Bệnh nhân được gấp rút chuyển sang trung tâm cấy ghép nội tạng để thay gan nhưng đã qua đời trong khi chờ đợi.

Các nhà khoa học đã tìm kiếm sản phẩm bệnh nhân sử dụng trước khi chết. Họ thu thập được một sản phẩm từ chính nơi bán hàng cho người bệnh và 7 mẫu tương tự trong bộ sản phẩm “Herbalife-slimming products” trên Internet.

Đang liên hệ với tác giả nghiên cứu để làm rõ vụ việc

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Herbalife Nutrition cho rằng những thông tin trong bài viết "Slimming to the Death" (tạm dịch: Giảm cân tới chết) đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành về gan - Journal of Clinical and Experimental Hepatology - có nhiều chi tiết không chính xác và sai lệch, nên đang liên hệ với tác giả để điều chỉnh. Tuy nhiên, đại diện công ty không nêu rõ các chi tiết này là gì.

Về việc các sản phẩm đều nhiễm kim loại nặng, đại diện này cho hay Herbalife Dinh dưỡng đầu tư hơn 300 triệu USD vào việc quản lý nguồn gốc thành phần sản phẩm. Tất cả cơ sở sản xuất đều đáp ứng tiêu chuẩn của quy trình sản xuất tốt và các phòng thí nghiệm đẳng cấp quốc tế đạt được chứng nhận cao nhất (ISO 17025).

Đối với 3 sản phẩm giảm cân Formula 1 Shake Mix, Personalized Protein Powder và Afresh Energy Drink, được cho là nguyên nhân gây ra cái chết của nữ bệnh nhân 24 tuổi ở Ấn Độ, Herbalife cho biết đã yêu cầu một phòng thí nghiệm độc lập ở nước này chứng nhận kiểm nghiệm 3 sản phẩm trên. Kết quả kiểm nghiệm ngày 10/5 xác nhận cả 3 sản phẩm này an toàn và tuân thủ tất cả quy định về an toàn thực phẩm của Ấn Độ.

co gai 24 tuoi chet sau khi dung herbalife anh 1
Giấy kiểm nghiệm chứng nhận an toàn của 3 sản phẩm được đề cập tới. Ảnh: Công ty cung cấp.

"Tự đưa sản phẩm đi kiểm nghiệm và công bố an toàn không thuyết phục"

Theo TS Nguyễn Hồng Vũ, để đăng một công trình nghiên cứu khoa học trên tạp chí chuyên ngành quốc tế, các nội dung của bài viết phải qua hàng loạt các phản biện, phê bình, xem xét của hội đồng nhà khoa học có kinh nghiệm trong cùng chuyên ngành.

"Việc này có thể kéo dài vài tháng đến hơn cả năm, thậm chí bị từ chối đăng khi các số liệu, lập luận trong bài chưa đủ thuyết phục, không chính xác hoặc có dấu hiệu gian dối. Do vậy, thông tin trên các tạp chí quốc tế này thường đáng tin cậy, được các nhà khoa học trên thế giới dùng để tham khảo, từ đó phát triển tiếp", ông Vũ nhấn mạnh.

Journal of Clinical and Experimental Hepatology (JCEH) là tạp chí quốc tế đạt tiêu chuẩn và có thể tra cứu được trên thư viện Pubmed nổi tiếng, nơi lưu những công trình nghiên cứu khoa học quốc tế do trung tâm quốc gia về thông tin công nghệ sinh học (National Center for Biotechnology Information - NCBI), thuộc thư viện Quốc Gia Mỹ về Y Học (U.S. National Library of Medicine - NLM), nằm trong hệ thống Viện Quốc Gia về Sức Khỏe (National Institutes of Health - NIH).

Tạp chí JCEH được giới thiệu trên website chính thức của Nhà xuất bản ấn phẩm khoa học lớn nhất thế giới Elsevier (trụ sở tại Hà Lan), nơi phát hành hơn 2.500 tạp chí khoa học đa lĩnh vực với nội dung được thẩm định bởi các chuyên gia đầu ngành.

Nhà xuất bản này là nơi giới thiệu các bài báo chuyên ngành của JCEH đến các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa, phẫu thuật ghép gan và những chuyên gia quốc tế hoạt động trong lĩnh vực liên quan. Ngoài những bài báo khoa học về kết quả nghiên cứu những bệnh về gan, tạp chí JCEH đăng nhiều bài viết có giá trị giáo dục về sức khỏe cho người đọc, đặc biệt là sinh viên ngành y.

"Dựa trên hai chữ Ấn Độ để đánh giá nghiên cứu trên không đáng tin cậy là không đúng. Hơn nữa, nếu những thông tin từ các bài báo khoa học có sức ảnh hưởng mạnh trên quốc tế mà sai, một công ty lớn như Herbalife sẽ phản đối, kiện và yêu cầu rút bài báo ra khỏi hệ thống ngay lập tức", chuyên gia này nêu quan điểm.

Ông Vũ thông tin thêm không chỉ một bài báo từ Ấn Độ gần đây nhắc đến Herbalife trên tựa đề mà trước đó ít nhất 7 nghiên cứu khác trên thế giới (Israel, Thụy Sĩ, Argentina, Mỹ, Iceland, Tây Ban Nha) từ năm 2000 đến 2015 cũng ghi nhận 53 trường hợp bị suy gan liên quan việc sử dụng sản phẩm của Herbalife. Tất cả bài báo trên đều có thể tìm thấy trên thư viện Pubmed.

Về việc Herbalife cho biết đã yêu cầu một phòng thí nghiệm độc lập ở Ấn Độ chứng nhận kiểm nghiệm 3 sản phẩm được cho liên quan cái chết của cô gái 24 tuổi, TS Vũ đánh giá chỉ giúp chứng minh được sản phẩm công ty đưa cho phòng thí nghiệm đảm bảo, chứ không có nghĩa lô hàng mà cô gái Ấn Độ xấu số đã mua, sử dụng và các nhà khoa học thu thập là sạch.

Ngoài ra, không rõ phòng thí nghiệm trên có thuộc cơ quan chức trách của chính phủ hay không. Các giấy tờ “tự kiểm nghiệm sản phẩm” của cơ sở sản xuất chỉ có ý nghĩa tham khảo cho người tiêu dùng, chứ không có giá trị cam kết của Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) chứng minh sản phẩm an toàn khi ra thị trường.

TS Nguyễn Hồng Vũ khuyến cáo người dân cần lưu ý khi tham khảo các thông tin về thành phần trong sản phẩm thực phẩm chức năng trên Internet nên tìm kiếm ở các website của chính phủ, các trang không liên quan đến thương mại (noncommercial sites) như Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH-National Institutes of Health), Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm của Mỹ (FDA), Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA- United States Department of Agriculture).

Đặc biệt, người dân cần thận trọng khi tiếp nhận thông tin từ người bán vì họ có thể nói quá hoặc sai lệch thông tin của sản phẩm bằng các lời quảng cáo như “tốt hơn thuốc”, “bảo đảm an toàn tuyệt đối” hoặc “hoàn toàn không có phản ứng phụ”.

“100% thiên nhiên không có nghĩa là 100% an toàn. Vì vậy, nếu muốn sử dụng thực phẩm chức năng bạn nên hỏi chuyên gia về sức khỏe hoặc bác sĩ điều trị để đảm bảo an toàn cho bản thân", TS Vũ tư vấn.

Trà giảm cân đã bị thu hồi, bạn cần biết để không 'tiền mất, tật mang' Dù cơ quan chức năng đã khuyến cáo, thu hồi nhưng nhiều sản phẩm trà giảm cân chứa sibutramine (chất độc có thể gây bệnh tâm thần) vẫn bán tràn lan trên thị trường online.

Cô gái 24 tuổi mất mạng sau khi dùng thực phẩm chức năng giảm cân

Tất cả sản phẩm giảm cân bệnh nhân sử dụng trước khi qua đời đều chứa kim loại nặng, thậm chí có chì và thủy ngân.


Hà Quyên - Phương Anh

Bạn có thể quan tâm