Ngay sau khi có quyết định hoãn thi hành án với tử tù Hồ Duy Hải (29 tuổi, ngụ huyện Thủ Thừa, Long An), phóng viên tìm về nhà 2 nạn nhân ở ngoại ô TP.Tân An, Long An.
Trong căn nhà cấp 4 mới xây, còn nguyên tường gạch chưa tô vữa, bà Sáu (mẹ nạn nhân Hồng) vẫn chưa nguôi nỗi đau mất con. Mặc dù sự việc đã qua 6 năm, nhưng khi nghe hỏi về đứa con gái đoản mệnh, gương mặt người phụ nữ luống tuổi rúm ró lại, giọng nấc nghẹn: "Mọi chuyện đã qua rồi các chú à, giờ nhắc lại làm tôi đau lòng lắm".
Lau 2 hàng nước mắt, người mẹ chỉ ra góc vườn, nơi chôn cất con gái rồi khóc "2 đứa nó nằm ngoài kia".
Phần mộ 2 chị em nằm cạnh nhau bên bờ ao, phía trước là đồng lúa đang kỳ trổ bông. |
Nghe vậy, một người hàng xóm là bà Ba đỡ lời: "Gia đình bà Sáu khổ lắm, nhà có 4 đứa con gái, đứa con thứ 2 không may bị tật nguyền bẩm sinh nên giờ đã hơn 20 tuổi rồi vẫn nằm một chỗ, mọi sinh hoạt, ăn uống phải có người thân lo".
Dẫn chúng tôi ra thăm mộ phần 2 cô gái xấu số nằm cạnh nhau trên bờ ao, phía bên kia là ruộng lúa đang kì trổ bông. Vừa đi bà Ba vừa tâm sự: "Cái Hồng và cái Vân là 2 chị em con chú con bác, nhà lại ở gần nên chơi thân với nhau lắm. Lớn lên 2 đứa xin được vào làm chung trong bưu điện, rồi lại chết chung một ngày".
"Nhà bà Sáu ngày xưa chỉ làm mấy mảnh vườn, lại có đứa con bị tật nguyền nên khó khăn lắm. Hồng là con đầu, học hành xong vừa ra đi làm được mấy tháng chưa kịp phụ giúp gì cho cha mẹ thì bị người ta giết dã man. Ngày đưa 2 đứa nó về, nhìn tội lắm, thi thể đứa nào cũng sưng vù lên, bầm tím khắp nơi, lại còn bị cắt vào cổ. Nhìn cảnh đó, hàng xóm xung quanh ai cũng bật khóc, còn người thân thì ngất lên ngất xuống,...", nói đến đây bà Ba thở dài, 2 hàng nước mắt lăn xuống trên mặt người hàng xóm.
Đến khi bình tĩnh lại, bà Ba đưa chúng tôi qua nhà Vân, cách nhà Hồng khoảng 100 m. Lúc này, cha mẹ Vân đi làm lúa chưa về, chỉ còn anh trai là Nguyễn Văn Tý đang ở nhà. Nhắc đến đứa em quá cố, anh Tý chỉ vào bàn thờ Vân trong góc nhà và lắc đầu buồn bã.
"Thằng Tý nó mới bị tai nạn suýt chết, giờ vẫn chưa trở lại bình thường, thi thoảng lại ngơ ngẩn và không làm được việc nặng nên ông bà Hộ (cha mẹ Vân) cho ở nhà. Cha mẹ cái Vân làm lúa xa, đi cả tháng mới về nhà một lần", bà Ba cho biết.
Nói chuyện một lúc thì ông Nguyễn Văn Mừng (cha Hồng) chạy xe máy về. Khi nghe hỏi về Hồ Duy Hải, ông này lắc đầu nói trước đó không nghe con gái kể gì về người này.
Còn về việc hoãn thi hành án đối với Hải, cả ông Mừng và anh Tý đều xác nhận không có ai báo tin cho họ cả, chỉ đến khi báo chí đưa về vụ việc thì người thân nạn nhân mới biết. Nhìn vào bàn thờ con gái, ông Mừng thở dài: "Mọi việc cứ để công an họ điều tra...".
Ngôi nhà xảy ra vụ án giờ bỏ hoang, cỏ bịt kín lối đi. |
Ngược đường về lại TP.HCM, phóng viên ghé vào bưu điện Cầu Voi, hiện trường vụ án mạng kinh hoàng năm xưa. Căn nhà 2 tầng ven quốc lộ 1A bao trùm một không khí lạnh lẽo.
Bưu điện sầm uất ngày nào giờ vắng lặng, cửa đóng then cài, cánh cổng sắt hoen gỉ và cỏ bịt bùng lối đi, bàn giao dịch vứt chỏng chơ bên hiên nhà.
Người dân địa phương cho biết sau khi xảy ra vụ án, chủ nhà có cho một số người thuê lại để kinh doanh quán ăn, buôn bán. Nhưng dù ở cạnh quốc lộ, lại nằm trong khu dân cư nhưng việc buôn bán ế ẩm nên chỉ được vài tháng những người này lại bỏ đi nơi khác.
Vài năm sau ngày xảy ra chuyện thì căn nhà bỏ hoang, chủ nhà thi thoảng mới về quét dọn, thắp nhang một lần.