Để làm rõ thêm khả năng có thể vô tội đối với tử tù Hồ Duy Hải (29 tuổi), luật sư Trần Hồng Phong (Đoàn Luật sư TP.HCM) đưa ra nhiều tình tiết mâu thuẫn giữa cáo buộc của cơ quan tố tụng với thực tế khi phân tích những dấu vết tại hiện trường. Trong đó có dấu dép, những hạt cơm khô dính trên mặt ghế đến quần áo, vết thương trên người nạn nhân.
Cụ thể, tại bút lục 386 trong kết luận điều tra ghi đêm 13/1/2008 Hải bỏ dép ở bậc tam cấp trước khi vào bưu điện Cầu Voi. Như vậy, khi thanh niên này giết Hồng và Vân trong tình trạng không mang dép nhưng biên bản khám nghiệm hiện trường ghi nhận một chân của Vân gác lên mặt chiếc ghế xếp ionx và "trên mặt nệm ghế có dấu vết máu quệt và dấu đế dép dính những hạt cơm khô".
Như vậy, ai là người đã để lại dấu dép, đây là chiếc dép nào, đó là chưa kể với sức mạnh của Hải khi vung ghế đánh đập mạnh vào đầu Vân, sau đó quăng ghế xuống đất thì chắc chắn trên mặt ghế không thể còn dính những hạt cơm khô vì tác động của lực đập xuống, những hạt cơm khô sẽ rơi ra ngoài.Số phận pháp lý của Hải sẽ được định đoạt trong thời gian 27 ngày tới. |
Ngoài ra, nạn nhân Vân còn có 2 vết thương rách mặt, tụ máu hình vuông. Vậy liệu chiếc ghế có thể gây ra vết thương này hay không trong khi Hải không có lời khai nào liên quan đến việc dùng ghế đánh vào mặt Vân mà chỉ đánh vào đầu.
Với Hồng, Hải không có lời khai nào liên quan đến tác động ngoại lực vào chân nạn nhân nhưng biên bản khám nghiệm tử thi và biên bản giám định pháp y đều ghi nhận Hồng có một số vết bầm máu làm da sậm màu ở mặt trước đùi chân phải, mặt trước cẳng chân trái.
Theo luật sư, cần nói rõ thêm tư thế chết của Hồng qua bản ảnh cho thấy nạn nhân nằm ngửa, hai chân dang rộng, đầu quay ra hướng cửa. Với phần tay thì cao quá vai, bàn tay ngửa (tư thế bị đè mà không phản ứng kháng cự). Khám nghiệm vùng kín có một ít dịch nhầy.
Như vậy, có thể nạn nhân đã bị xâm hại tình dục vì bản ảnh cho thấy áo lót bị kéo ngược lên trên. Chiếc áo lót cũng không dính máu, không dấu tay - cho thấy nạn nhân bị kéo áo trước khi bị cắt cổ vì nếu kéo áo sau cắt cổ thì máu chảy ra rất nhiều, loang xuống. Với chiếc áo ngoài cũng bị cuộn lên trên áo lót. Trên mặt Hồng cũng có các vết cắt do vật sắc bén, nhiều chiều (ngang, dọc, chéo… ) giống như vết cắt cố ý, tính chất "tra tấn".
Với tư thế này cho thấy khả năng nạn nhân chết trong tư thế bị đè hai tay và hãm hiếp khi đã bị ngất hoặc chết trước đó. Những tư thế này hoàn toàn không phù hợp với các tình tiết do Hải khai thì ai đã thực hiện những hành vi để tạo ra các tình tiết này. Đặc biệt, Hải với nạn nhân chưa "quan hệ" nhưng có một bản khai thanh niên này cho biết thấy quần trong của nạn nhân màu trắng là khó thuyết phục.
Về những mảnh mút xốp tại hiện trường bị cắt vụn trên mặt bàn và rải rác dưới nền nhà theo biên bản khám nghiệm hiện trường cũng cần làm rõ ai đã cắt. Theo biên bản hỏi cung Hải vào 11/6/2008, tử tù này khai: "Tại ghế salon trên bàn lúc tôi và Hồng ngồi có báo tạp chí, 1 ly nước, điện thoại Nokia đen và mút xốp". Tức Hải không phải là người mang mút xốp đến bưu điện. Vậy ai đã mang đến và ai đã cắt vụn, mút xốp chứa vật gì… cũng chưa được làm rõ trong vụ án.
Bút tích ghi nhận chị Hiếu mua thớt nộp cho cơ quan điều tra. |
Sau khi Hồng và Vân bị giết, cơ quan điều tra kết luận hiện trường vụ án khi mở các vòi nước đều hết nước, nền nhà khô ráo. Tuy nhiên, biên bản lấy lời khai ngày 4/4/2008 (bút lục 201) thể hiện nhân chứng Thu Hiếu khai "hệ thống nước sinh hoạt trong nhà vệ sinh tại bưu điện có đầy đủ nước, hoạt động bình thường". Còn người tên Tuyền khai "tôi nghĩ là không bị cúp nước vì bưu cục có giếng nước và ngày 13/1/2008 không cúp điện".
Qua xác minh, máy bơm tại bưu cục có hệ thống rờ le tự động. Khi bồn hết nước thì máy bơm sẽ tự động bơm nước đầy bồn. Như vậy, việc hết nước tại bưu điện có nguyên nhân là ai đó đã cắt cầu dao máy bơm nước và việc này chưa được làm rõ.
Với chiếc tấm thớt đập vào đầu gây chảy máu, nhưng thớt lại không dính máu. Cụ thể, khi khám nghiệm hiện trường ghi nhận phía trên đầu nạn nhân Hồng "có một cái thớt gỗ". Nhưng cái thớt gỗ này đã không được thu giữ ngay lúc đó vì không có dấu vết liên quan đến vụ án. Điều này cho thấy cái thớt này không dấu máu và vết vân tay.
Suốt 3 tháng sau ngày bị bắt, Hải không hề có bất cứ lời khai nào nói rằng đã dùng thớt đánh vào đầu nạn nhân Hồng. Mãi đến ngày 11/6/2008, lần đầu tiên Hải khai về cái thớt như sau: "Tôi lấy tấm thớt cầm hai tay đập mạnh vào vùng đầu Hồng 2 cái, sau khi gây án tấm thớt tôi bỏ lại tại đầu nằm của Hồng".Nếu lời khai của Hải là đúng thì chắc chắn trên cái thớt phải có vết máu, thậm chí dính nhiều máu. Ngoài ra, các vết rách trên mặt nạn nhân cũng phải có dạng phù hợp với cái thớt như hình vòng cung, miệng rộng, rách bờ vết thương… nhưng thực tế hoàn toàn không có điều này.
Theo công văn số 37/GT.PY.08 ngày 7/4/2008 thì vùng mặt có những vết rách da bờ mép sắc gọn. Điều đó chứng tỏ vùng mặt của nạn nhân có các vật cứng sắc gọn và bị va đập nhiều lần. Trong khi đó, cái thớt chắc chắn không thể là vật sắc gọn.
Từ đó, luật sư Phong cho rằng việc quy kết Hải đã dùng thớt để đập vào mặt Hồng là phi lý, khiên cưỡng. Có phải chăng chính vì vậy mà mãi đến ngày 24/6/2008 nhà chức trách đã yêu cầu chị Thu Hiếu đi mua một cái thớt mang về giao nộp để từ đó cho rằng Hải đã dùng một cái thớt như vậy để đánh vào mặt nạn nhân Hồng. Điều này liệu có hợp lý?
Ngày 4/12, Văn phòng Chủ tịch nước có công văn gửi Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC truyền đạt ý kiến của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Nội dung công văn đề nghị Chánh án TANDTC chỉ đạo cho tạm dừng thi hành hình phạt tử hình đối với Hồ Duy Hải. Ngoài ra, công văn yêu cầu 2 cơ quan này chỉ đạo, xem xét làm rõ trường hợp Hồ Duy Hải có bị kết án oan, sai hay không và báo cáo Chủ tịch nước trước 4/1/2015.