Zing.vn trích dịch bài viết từ The Mainichi, đề cập vấn đề phụ huynh Nhật Bản bỏ mặc con cái một mình do quá bận rộn công việc, dẫn đến tình trạng nhiều trẻ em lang thang ngoài phố hoặc đi theo người lạ mặt sau giờ học.
Một người phụ nữ nội trợ (30 tuổi) ở vùng Kanto (Nhật Bản) gần như chết lặng khi phát hiện ra cậu bé mà cô luôn phục vụ đồ ăn nhẹ mỗi buổi chiều, thậm chí mời ăn tối và ở lại nhà tận đêm muộn không phải bạn của con trai cô, hay người quen của bất kỳ ai trong gia đình.
Người mẹ này cho biết, cậu bé lạ mặt ghé thăm nhà cùng ngày con trai học lớp một của cô dẫn một bạn cùng lớp về nhà sau giờ học. Cô mặc nhiên nghĩ cậu bé đó cũng học cùng lớp của con trai.
Sau đó, cậu bé lạ mặt qua nhà vị phụ huynh này thường xuyên hơn và nhiều lúc còn tự động lấy đồ ăn trong tủ lạnh mà không hỏi ý kiến. Thậm chí, cậu bé cũng không có ý định trở về nhà dù đã tối muộn.
Một thời gian sau, người phụ nữ này mới nảy sinh nghi ngờ. Cô hỏi con trai mình về cậu bé lạ mặt này và sửng sốt khi con trai không biết cậu bé đó là ai. “Con trai tôi khẳng định cậu bé lạ mặt không phải bạn của nó”, cô chia sẻ.
Người mẹ lập tức liên hệ với giáo viên chủ nhiệm của con trai và biết được cậu bé lạ mặt đó hóa ra là một học sinh lớp ba tại trường. Từ khi bị phát hiện, cậu bé không còn tự ý qua nhà cô chơi nữa. Tuy nhiên, bà nội trợ 30 tuổi vẫn bắt gặp cậu bé quanh quẩn trong khu dân cư.
Một vụ việc khác xảy ra gần đây là một bé gái 12 tuổi ở tỉnh Osaka (Nhật Bản) bị bắt cóc và giam cầm bởi một người đàn ông cô bé quen qua mạng xã hội. Hắn đưa cô bé tới tỉnh Tochigi, cách nhà cô bé 400km. Tại nhà của hắn, một cô gái 15 tuổi khác cũng bị giam cầm hơn 6 tháng trời.
Hiện nay, hiện tượng "hochigo" ngày càng phổ biến hơn. Ảnh: Untold Morsels. |
Hiện tượng "Hochigo"
Trong 10 năm trở lại đây, các khu dân cư Nhật Bản xuất hiện những trẻ em đi chơi lang thang hoặc sang nhà người quen, thậm chí là nhà người lạ sau giờ học mà không có sự giám sát của phụ huynh. Người dân gọi chúng là “hochigo” - những đứa trẻ bị bỏ lại một mình.
Phụ huynh các em nhỏ này thường rất bận rộn với công việc đến mức không có thời gian dành cho con cái, hoặc đơn giản họ không thích chăm sóc con.
Mặc dù chưa có con số cụ thể để xác định mức độ nghiêm trọng của hiện tượng này, hiện nay nhiều phụ huynh bày tỏ sự lo lắng và tức giận trên các trang mạng xã hội đối với những bậc cha mẹ không làm tròn trách nhiệm bản thân, lại còn dạy con cái lợi dụng lòng tốt của những người hàng xóm.
Một số người còn đề xuất tước quyền nuôi con của những vị phụ huynh thiếu trách nhiệm trên.
Nhật Bản được đánh giá là một quốc gia an toàn để trẻ em rèn luyện tính tự lập từ rất sớm. Dễ dàng bắt gặp học sinh tiểu học ở đất nước này tự đi bộ từ trường về nhà hoặc lên tàu điện ngầm đông đúc một mình. Đó là hình ảnh mà chúng ta chưa bao giờ được thấy ở nơi khác trên thế giới.
Trẻ em Nhật Bản tự đi bộ tới trường là một hình ảnh quen thuộc ở quốc gia này. Ảnh: Zen Pop. |
Các chuyên gia cho rằng, xã hội Nhật Bản cần phải xây dựng một mạng lưới an toàn để hỗ trợ các hochigo và phụ huynh của các em. Tuy nhiên, thực hiện giải pháp trên khó thực hiện khi nhiều cha mẹ không biết rằng họ đang bỏ bê con cái thay vì dạy chúng tự lập.
Sự vô tâm của phụ huynh là nguyên nhân
Theo các chuyên gia, đặc điểm chung của phụ huynh các hochigo là rất ít quan tâm đến con cái. Sự thờ ơ của bậc cha mẹ thậm chí dẫn đến nhiều tình huống nguy hiểm.
Một người phụ nữ ngoài 40 tuổi từ tỉnh Yokohama (Nhật Bản) chia sẻ: “Phụ huynh dễ dàng bỏ quên chăm sóc và dành tình cảm cho con cái khi họ cắm đầu vào làm việc. Ngay cả bản thân tôi cũng sẽ như vậy nếu không cẩn thận”.
Áp lực công việc là một phần nguyên nhân khiến phụ huynh Nhật Bản không có thời gian chăm sóc con cái. Ảnh: Kyodo News. |
Theo Bộ Giáo dục Nhật Bản, tính đến năm 2018, có ít nhất 700 nhóm thảo luận trên toàn quốc dành cho các bậc cha mẹ chia sẻ thông tin về nuôi dạy con, đồng thời thúc đẩy nhận thức về hiện tượng bỏ bê con cái và cung cấp sự giúp đỡ đối với các gia đình gặp khó khăn.
Noa Fukaya, phó giáo sư trường Đại học Shoin chuyên về các vấn đề trẻ em, nói rằng một số cha mẹ không chắc chắn hoặc không biết cách nuôi dạy con cái.
Bên cạnh đó, phụ huynh Nhật Bản ngày càng đối diện nhiều áp lực công việc, đồng thời không có sự hỗ trợ ông bà hay họ hàng, vì vậy con cái họ thường bị bỏ lại một mình, dẫn đến tình trạng phạm pháp, trốn học và các vấn đề khác.