Mới đây, TP.HCM đề xuất xin rút khoảng cách giữa 2 mũi tiêm AstraZeneca từ 8 đến 12 tuần xuống tối thiểu 6 tuần. Đề xuất này được Sở Y tế TP.HCM đưa ra nhằm đẩy nhanh tiến độ bao phủ mũi 2 vaccine Covid-19 trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp.
Hiệu quả bảo vệ
Theo TS Trần Minh Trang, nghiên cứu sinh tại Đại học Ghent, Vương quốc Bỉ, thành viên Ban Khoa học Ruy Băng Tím, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo khoảng cách giữa 2 liều tiêm của vaccine AstraZeneca là 8 đến 12 tuần đối với người trên 18 tuổi. Nếu liều thứ hai vô tình được sử dụng ít hơn 4 tuần sau liều đầu tiên, không cần tiêm nhắc lại. Nếu liều thứ hai bị trì hoãn sau 12 tuần, chúng ta nên tiêm càng sớm càng tốt.
Vào tháng 3, nghiên cứu của các nhà khoa học Anh công bố trước khi có sự xuất hiện của biến thể Delta, cho thấy hiệu quả bảo vệ khỏi nguy cơ mắc bệnh có triệu chứng của vaccine AstraZeneca giảm khi thời gian tiêm nhắc lại mũi 2 càng rút ngắn.
Hiệu quả này sau 14 ngày đối với trường hợp tiêm nhắc lại mũi 2 sau 12 tuần là 81,3%, 9-11 tuần giảm còn 63,7%, 6-8 tuần là 59,9% và dưới 6 tuần còn 55,1%.
Thông tin hướng dẫn của nhà sản xuất vaccine AstraZeneca cho biết có thể tiêm 2 liều trong khoảng cách 4-12 tuần. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
Theo TS Minh Trang, đối với với biến thể Delta, các công bố mới cho thấy vaccine AstraZeneca vẫn còn hiệu quả bảo vệ giảm nguy cơ mắc bệnh có triệu chứng và nhập viện.
Cụ thể, một liều duy nhất của vaccine AstraZeneca làm giảm nguy cơ mắc bệnh có triệu chứng khoảng 30% và nhập viện 71%.
Tuy nhiên, hai liều vaccine này làm giảm nguy cơ mắc bệnh có triệu chứng cao hơn nữa là 67%. Ngoài ra, bệnh nhân cũng giảm 92% nguy cơ nhập viện.
Bác sĩ nội trú Phùng Anh Tuấn, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết nếu tiêm hai liều với khoảng cách 8-12 tuần, vaccine có thể phòng thể nặng và nhập viện trên 90%. Khi tiêm trước 8 tuần, tỷ lệ bảo vệ phòng nhiễm khoảng 71%. Tuy nhiên, tỷ lệ phòng thể nặng và nhập viện không chênh nhiều, vẫn trên 90%.
Vì vậy nhà sản xuất khuyến cáo liều 2 cách liều một 4-12 tuần thay vì 8-12 tuần, nhằm mục đích giúp các địa phương có thể linh hoạt sử dụng, tiêm sớm nhằm sớm có miễn dịch phòng thể nặng và nhập viện thay vì chờ miễn dịch tối ưu.
Rút ngắn khoảng cách 2 mũi tiêm "lợi nhiều hơn hại"
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho rằng rút ngắn khoảng cách 2 mũi tiêm AstraZeneca là điều nên làm trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại TP.HCM.
Theo bác sĩ Khanh, thông tin hướng dẫn của nhà sản xuất vaccine AstraZeneca có thể tiêm 2 liều với khoảng cách 4-12 tuần, đặc biệt trong mùa dịch nên chích sớm. Giữ khoảng cách tiêm giữ 2 mũi là 8-12 tuần, TP.HCM sẽ tốn nhiều thời gian để hoàn thành đủ cả hai liều cho người dân. Hơn thế, người dân phải mất ít nhất 2 tuần để cơ thể đạt được miễn dịch.
"Trong giai đoạn đầu, nhân viên y tế chỉ tiêm chủng với khoảng cách 2 mũi là 4-5 tuần. Vì vậy, người dân không nên quá lo lắng khi rút ngắn thời gian tiêm vaccine AstraZeneca mũi 2. Chúng ta cần tiêm phủ sớm để giảm các ca bệnh nặng và nhập viện", bác sĩ Khanh nói.
Nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 cho người dân TP.HCM. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Theo TS Trang, rút ngắn khoảng cách giữa liều đầu tiên và liều thứ hai với vaccine AstraZeneca sẽ mang lại hiệu quả bảo vệ ngắn hạn. Điều này được cho là có "lợi nhiều hơn hại" ở các vùng có nguy cơ bùng phát dịch mạnh, nhằm bảo vệ người dân trước biến thể Delta.
Một số bang tại Anh có nguy cơ bùng phát dịch cao khuyến cáo người dân có thể nhận liều 2 vaccine AstraZeneca từ 6 tuần thay vì 12 tuần.
Bang New South Wales, Australia cũng đã thay đổi chương trình tiêm chủng với vaccine AstraZeneca và khuyến cáo người dân ở vùng dịch nên được chích liều 2 càng sớm càng tốt từ 4 đến 8 tuần.
"Rút ngắn khoảng cách giữa 2 liều tiêm vaccine AstraZeneca còn 6 tuần có thể giúp bảo vệ người dân vùng dịch càng sớm càng tốt trước biến thể Delta. Đối với những nơi có nguy cơ thấp, khoảng cách giữa 2 liều vẫn không đổi và nên theo khuyến cáo của nhà sản xuất với thời gian tiêu chuẩn là 12 tuần", TS Trần Minh Trang nói.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, Việt Nam đã tiếp nhận trên 35 triệu liều vaccine Covid-19 từ các nguồn khác nhau, trong đó nhiều nhất là vaccine AstraZeneca. Đây cũng là vaccine đầu tiên về Việt Nam từ ngày 24/2 và được Bộ Y tế cấp phép khẩn cấp đầu tiên tại Việt Nam.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.