Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hiểu thế nào về ăn thô thanh lọc cơ thể?

Ăn thô là chế độ ăn uống được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Tuy nhiên, đây có thể là “con dao hai lưỡi” nếu được thực hành sai cách.

Ăn thô được nhiều bạn trẻ lựa chọn như một giải pháp giúp thanh lọc cơ thể, giảm cân. Ảnh: Freepik.

Chỉ mất chưa đầy 2 giây để nhận về hàng triệu kết quả cho từ khóa “ăn thô” trên mạng xã hội. Năm 2023, chế độ ăn uống này đã trở thành trào lưu với sự ra đời của hàng loạt hội nhóm chia sẻ kiến thức về ăn thô giảm cân, thanh lọc cơ thể, trị mụn… Sức nóng của phương pháp ăn thô vẫn kéo dài cho đến hiện tại.

Giải pháp cho thói quen ăn uống của người Việt

Thạc sĩ Nguyễn Thị Vân Anh, tác giả sách Ngày một bữa thô, định nghĩa ăn thô là chế độ ăn thuần các loại thực phẩm như rau, củ, quả, hạt… mà không qua chế biến bằng nhiệt. Đặc biệt, các món ăn này sẽ được thưởng thức một cách nguyên bản, không đi kèm với sốt hay muối chấm.

Hầu hết mọi người đều có thể ăn thô, đặc biệt là người đang có xu hướng thừa cân, bị rối loạn chuyển hóa mỡ máu, người cần dự phòng đái tháo đường…

Lưu ý rằng, đan xen giữa các bữa thô cần có thức ăn được chế biến truyền thống. Điều này là do một số thành phần dinh dưỡng chỉ tồn tại trong thịt động vật, nếu chỉ ăn rau, trái cây sẽ không thể nạp đầy đủ các dưỡng chất mà cơ thể cần.

"Những người mắc bệnh đái tháo đường, ung thư cần cẩn thận khi ăn thô. Riêng với những người mắc bệnh đau dạ dày, đại tràng sẽ không được khuyến khích ăn thô. Người bệnh nên điều trị các vấn đề về sức khỏe trước khi bước vào chế độ ăn này", nữ tác giả khuyến cáo.

Tác giả Vân Anh cho rằng ăn thô là giải pháp góp phần làm giảm lượng đường, muối nạp vào cơ thể trước thói quen ăn uống “vừa thiếu vừa thừa” của người Việt hiện nay.

an tho anh 1

Bữa cơm nhiều muối của người Việt tiềm ẩn nguy cơ của hàng loạt bệnh lý nguy hiểm. Ảnh: Pexels.

Nữ tác giả lấy dẫn chứng về kết quả giám sát mức tiêu thụ natri trong cộng đồng năm 2015 và năm 2021 của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sau 5 năm, mức độ tiêu thụ natri của người dân Việt Nam giảm từ 3.760 mg/người/ngày xuống 3.360 mg/người/ngày (tương ứng với 9,4 gram và 8,4 gram muối).

Tuy nhiên, WHO khuyến cáo mỗi ngày người trưởng thành chỉ nên ăn dưới 5 gram muối. Điều này đồng nghĩa với việc người Việt vẫn đang ăn mặn vượt quá mức cho phép.

Theo số liệu báo cáo về thực trạng chăn nuôi heo ở Việt Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam đứng thứ 6 trong 10 nước tiêu thụ thịt heo nhiều nhất thế giới với tỷ lệ 105,4%. Trong khi đó, thị trường sản xuất thịt heo trong nước chỉ đáp ứng được 95% nhu cầu.

Có thể thấy, người Việt có xu hướng ăn thừa muối, thừa chất béo, thừa đạm nhưng lại thiếu chất xơ. Thay vì chỉ ăn 2 bữa/ngày để cắt giảm những gia vị này, mọi người có thể ăn thô vào một trong số 3 buổi ăn hàng ngày. Điều này đã giúp giảm 1/3 lượng đường, muối nạp vào, đồng thời bổ sung thêm nhiều chất dinh dưỡng khác, tác giả chia sẻ thêm.

Những lầm tưởng về ăn thô

Thạc sĩ Vân Anh nhìn nhận ăn thô là một quá trình mang tính cá nhân hóa cao. Việc thiết lập chế độ ăn uống có thể tùy vào thể trạng, tình trạng sức khỏe và sở thích của mỗi người.

Người mới bắt đầu ăn thô cần có những bước chuyển để làm quen với chế độ ăn này. Một người có thể ăn thô và ăn truyền thống trong cùng một bữa ăn bằng cách kết hợp rau sống và rau luộc.

Do không có quá nhiều nguyên tắc ràng buộc, không ít người theo chế độ ăn uống này mắc phải sai lầm chính là ăn thô hoàn toàn 3 bữa/ngày.

Nữ tác giả nhấn mạnh đây là phương pháp cực đoan bởi sẽ làm tăng nguy cơ thiếu hụt vi chất, thiếu vitamin B12, sắt, cholesterol… gây mất cân bằng giữa các nhóm chất.

Ngoài ra, việc ăn thô theo cách này cũng mang một nhược điểm lớn là thiếu tính kết nối, nhất là đối với cộng đồng có văn hóa quây quần bên mâm cơm như người Việt.

an tho anh 2

Việc ăn thô có thể tùy vào thể trạng, tình trạng sức khỏe và sở thích của mỗi người, không nên áp dụng quá cực đoan. Ảnh: Freepik.

Tác giả Vân Anh cũng phủ định quan điểm ăn thô có thể diệt được giun sán được chia sẻ trên mạng xã hội. Phương pháp ăn uống này chỉ giúp con người lấy được dưỡng chất từ thực phẩm đúng cách, đồng thời giảm các nguy cơ thừa đường, thừa muối.

Nói một cách khách quan, nếu người ăn thô không biết cách lựa chọn, ngâm rửa thực phẩm đúng cách còn có thể làm tăng thêm nguy cơ mắc bệnh giun sán, theo nữ tác giả.

Việc ăn thô thôi là chưa đủ để có một sức khỏe tốt. Song song với chế độ ăn uống lành mạnh, mọi người cũng cần luyện tập thể dục thể thao. Nếu không vận động, các quy trình bên trong cơ thể con người như hô hấp, bài tiết, trao đổi chất… sẽ diễn ra một cách không thuận lợi. Bệnh tật cũng sẽ sinh ra từ đó.

Tinh thần cũng là một yếu tố quan trọng, nếu thường xuyên ăn rau củ, trái cây nhưng sức khỏe tinh thần không tốt cũng có thể kéo theo sức khỏe thể chất tuột dốc.

Cuốn sách Bệnh của thời thức ăn tiện lợi giải thích nguyên nhân gây ra tất cả bệnh mạn tính, cách thực phẩm tiện lợi đã tác động đến chúng dẫn đến tổn hại cho sức khỏe, nền kinh tế và môi trường, từ đó đề xuất giải pháp để chữa lành cho con người.

Uống nước lá vối mỗi ngày có tốt không?

Lá vối có vị hơi đắng, chát, tính hàn, vào kinh phế, can và bàng quang, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, giảm đau, tiêu viêm, kháng khuẩn và có chức năng điều hòa phổi, gan và bàng quang.

Kỳ Duyên

Bạn có thể quan tâm