Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hiệu trưởng trường huyện đảo cho học trò dùng điện thoại, tô son

Cho dùng điện thoại, trang điểm khi tới trường, thầy Nguyễn Hải Thọ, hiệu trưởng trường THPT duy nhất trên huyện đảo Phú Quý, được học trò nhắc tới như một người thầy khác biệt.

'Trường huyện đảo nhưng tuyệt đối không năn nỉ học sinh tới lớp' Hiệu trưởng THPT duy nhất trên đảo Phú Quý cho biết nhà trường không năn nỉ học sinh đi học, mà để các em chủ động tới trường.

L

à huyện đảo nằm cách trung tâm thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, khoảng 56 hải lý, Phú Quý nổi tiếng với Vịnh Triều Dương, Bãi Nhỏ, cua huỳnh đế, cá mú đỏ, món đặc sản bò nóng trứ danh hay nét văn hóa hát bội đặc sắc.

Ở nơi vẫn còn khá hoang sơ với khoảng 25.000 dân này, con cái thường gọi cha là "ông ba", như một cách thể hiện sự kính trọng, yêu thương và thân thiết.

Cũng tại đây, một người thầy được học trò kính trọng, gọi là "ông ba" vì môi trường học tập tuyệt vời mà anh đã tạo ra cho nhiều thế hệ học sinh đảo. Đó là thầy Nguyễn Hải Thọ (35 tuổi), hiệu trưởng trường THPT Ngô Quyền.

"Trường huyện đảo này dễ thương lắm. Học trò ngoan, thầy cô yêu nghề. Tui làm hiệu trưởng mà chỉ ngồi giơ tay 5 ngón, làm giấy tờ văn phòng, mỗi sớm thứ hai đọc ê a vài câu trong giờ chào cờ, hoặc để bị 'gọi hồn' dọa học trò thì... chán lắm. Thế nên, tui phải nghĩ ra cái gì đó để làm, giúp đồng nghiệp dạy tốt hơn, còn trò ham học hơn", thầy Thọ giải thích về những chuyện đã làm cho ngôi trường của mình.

hieu truong THPT Ngo Quyen Phu Quy anh 1

Kỷ nguyên số rồi, cớ sao cấm học trò dùng smartphone?

T

ốt nghiệp ĐH Sư Phạm TP.HCM, khoa Địa Lý, lựa chọn trở về quê hương làm việc, thầy Nguyễn Hải Thọ coi việc trở thành hiệu trưởng trường THPT duy nhất trên hòn đảo rộng xấp xỉ 16,4 km2 là một cái duyên, cũng là điều may mắn.

Bước chân vào ngôi trường cách đất liền 7 tiếng đi tàu, người ta dễ dàng nhận thấy toàn bộ trường được phủ sóng Wi-Fi. Các lớp học được trang bị màn hình, camera theo dõi, hệ thống phòng tin học với dàn máy tính hiện đại.

"Kỷ nguyên số mà, phải cho học trò sử dụng Internet vào việc học chớ. Trường lắp Wi-Fi ở tất cả khu nhà để học sinh, giáo viên dùng. Tất nhiên trong giờ học không được dùng điện thoại rồi, nhưng giờ ra chơi, giờ tự học, học sinh dùng thoải mái. Việc của thầy cô là làm sao cho các con dùng smartphone đúng lúc, đúng chỗ, đúng mục đích", thầy Thọ nói.

Cũng với mong muốn thay đổi tư duy trong thời đại công nghệ, việc dạy và học trong trường được áp dụng bằng công nghệ, từ việc soạn giáo án, lên kế hoạch công việc của thầy cô, cho tới làm bài tập, thi cử của học sinh.

Môn Tin học tại trường THPT Ngô Quyền được chú trọng giảng dạy thực tế, như hướng dẫn sử dụng gmail, tra cứu Google, sử dụng power point, exel. 

Bài tập nhóm, bài tập về nhà của học trò gửi tới thầy cô hoàn toàn qua thư điện tử, đơn giản vì "để tụi nhỏ quen đi, sau này còn biết cách viết cái thư xin việc, hay biên một bức thư điện tử đầy đủ tiêu đề, chào hỏi, lời kết, đính kèm sao cho đúng".

Là giáo viên thuộc thế hệ Facebook, Zalo, thầy Thọ ủng hộ việc học sinh sử dụng mạng xã hội.

"Facebook, Instagram, YouTube rất thú vị, đến người lớn còn bị cuốn vào, thì làm sao nỡ cấm mấy đứa nhỏ? Tui muốn các con tham gia mạng xã hội để tiếp cận công nghệ, tin tức và các trào lưu của giới trẻ, nhưng phải có cách để sử dụng đúng".

Cách mà thầy Thọ nói ở đây là giáo viên chủ nhiệm luôn theo sát hành động của học sinh trên mạng, đồng thời tổ chức những hoạt động thú vị cho các con tham gia.

Như đợt 20/11 này, hoạt động viết báo tường của trường THPT Ngô Quyền được tổ chức trên Facebook vì "vừa lưu trữ lâu dài, học sinh hào hứng tham gia hơn, lại không tốn kém, hình thức".

Đối với những trường hợp phát ngôn quá khích trên mạng, thầy chọn cách đối thoại, chỉ ra cái sai cho học trò hiểu.

"Đừng quy chụp các con còn nhỏ, không hiểu chuyện. Chúng chỉ không biết nếu chưa được chỉ dạy. Đối với lứa tuổi này, chúng ta nên vừa bao dung, rộng lượng, đồng thời phải thoải mái, thân tình", thầy hiệu trưởng sinh năm 1982 chỉ ra.

Tuổi học trò phải được thích nhau, nên trang điểm đi học

M

ột điều khiến nhiều thế hệ học sinh trường THPT Ngô Quyền nhớ mãi về thầy hiệu trưởng trẻ trung là những quy tắc áp dụng cho học trò.

Khác với những ngôi trường khác, thầy Thọ cho phép nữ sinh được thoải mái tô son khi tới lớp dù gặp phải sự phản đối của nhiều giáo viên khác.

"Tui chỉ hỏi các cô giáo: Các cô có muốn đẹp không? Có. Vậy tụi con nít cũng muốn! Đi học các con được thoải mái tô son, nhưng son dưỡng, son hồng nhẹ cho đủ xinh xắn thôi. Chẳng gì đẹp bằng làn da tuổi trẻ, đừng tô vẽ mặt mũi thấy gớm là được", thầy hiệu trưởng nói. 

Không chỉ vậy, các cặp đôi "gà bông" cũng nhận được sự tác thành của thầy hiệu trưởng.

"Lứa tuổi 16-17 làm sao mà không rung động cho được. Nếu cậu chàng nào đứng trước các bạn gái mà không có chút 'tim đập, chân run' thì phải đi khám tâm lý mất thôi. Tui ủng hộ tụi nhỏ thương nhau, nhưng phải cùng nhau tiến bộ trong học tập, chứ không phải mải chơi bời, hẹn hò rồi lỡ dở chuyện học hành", "ông ba" Thọ khẳng định.

hieu truong THPT Ngo Quyen Phu Quy anh 2

Nhớ lại thời cắp sách tới trường của mình, khi phòng hiệu trưởng là nơi bị gọi tới để "uống nước chè", hay nỗi sợ nơm nớp bị bêu tên trước toàn trường vào các giờ chào cờ, thầy Thọ cho biết mình ít khi quát nạt học sinh.

Giờ chào cờ của trường THPT Ngô Quyền ngoài các nội dung quen thuộc, còn là lớp học kỹ năng sống, hướng nghiệp.

"Tui không muốn quát mắng, đe dọa các con của mình. Lớn tiếng đâu có giải quyết được việc gì? Nếu cần thì để giáo viên chủ nhiệm tới nói chuyện. Phòng làm việc, tui chưa tiếp đứa nhỏ nào hết", hiệu trưởng 35 tuổi nói.

Định kỳ, nhà trường tổ chức các buổi giới thiệu ngành học, việc làm cho học sinh. Ví dụ như ngành Kế toán cần học gì, thi trường nào, tốt nghiệp ra làm gì, ở những cơ quan, công ty nào. Tương tự là các ngành sư phạm, báo chí, công nghệ thông tin, luật, dược...

Ngày Zing.vn tới thăm, trường cũng đang chuẩn bị tổ chức lớp học hướng nghiệp cho các ngành quân đội, công an.

Riêng với môn thể dục, ngoài các bài tập quen thuộc được Sở GD&ĐT Bình Thuận quy định, thầy Thọ cho tổ chức thêm lớp bóng đá, bóng rổ, bơi lội, bóng bàn. 

"Mà đôi khi cũng phải ép đó, đứa nào chưa biết bơi, tui phải dùng chiêu 'mô-kích' sao dân đảo mà không biết bơi? Đi học bơi cho tăng cơ bắp, cơ thể dẻo dai nha. Em nào chiều cao hạn chế, tui phải gặp rồi nói: 'Con chơi bóng rổ nha, tăng chiều cao mặc đồ cho đẹp!' Vậy là xong, hôm sau thấy học trò ném banh, chạy ầm ầm ở sân bóng rổ. Tụi nhỏ của tui dễ thương vậy đó!", thầy Thọ trìu mến kể về những đứa học trò của mình.

Mong học trò vào đất liền đi học, đi làm thật xa, sống thật tử tế

C

ứ 10 người dân Phú Quý thì 8 người thông thạo ngư nghiệp. Vậy nên, người ta xem đây là ngành xương sống có tính xứ mệnh của huyện đảo này. Thế nhưng, không phải thế hệ con cháu nào của dân đảo cũng muốn theo nghề của ông cha. Rất nhiều người trẻ đã vào bờ, học tập, làm việc và sinh sống ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Phan Thiết, Đà Nẵng, Nha Trang.

Khi được hỏi có hướng học trò đi học và trở về sinh sống ở đảo hay không, thầy Thọ thẳng thắn nói chỉ muốn các em trở về sau khi đã thành công ở đất liền: "Trên đảo không có nhiều cơ hội việc làm, tui hay nói các con: Hãy học thật nhiều, đi thật xa, sống thật tử tế. Bao giờ thành công rồi, nếu muốn thì trở về xây dựng đảo với cha mẹ, bà con".

Thầy hiệu trưởng giải thích rằng với Internet, ranh giới giữa đảo xa và đất liền đang được nối gần, không cứ bắt buộc sống ở trên đảo mới là yêu quê hương. Mỗi người con của Phú Quý đã, đang và sẽ là "gương mặt đại diện", giới thiệu về văn hóa, con người, du lịch Phú Quý.

Tình người, những mối quan hệ thân hữu, gia đình ấm áp quen thuộc ở đảo đôi khi là cái nôi an toàn với cuộc sống êm đềm đối với nhiều học trò, nhưng chính những lựa chọn quen thuộc lại nhàm chán, và tuổi trẻ của mỗi người rất ngắn. 

hieu truong THPT Ngo Quyen Phu Quy anh 3

Học trò ở Phú Quý cần được đi thật xa để thấy được bầu trời tự do, mênh mông, xanh thẳm ở những vùng đất khác và lạ so với trên đảo như thế nào. Rằng hòn đảo này tuy hùng vĩ và hiền hòa, những miền đất khác cũng rực rỡ và huy hoàng không kém.

Thầy chỉ mong những đứa trẻ từng được mình dạy dỗ biết đến cái rét run của tiết trời Hà Nội để yêu ánh nắng ấm áp nơi quê hương, từng kẹt xe hàng giờ ở Sài Gòn để thấy quý giá những chiều thong dong trên đường đất ở đảo, chen chúc nơi hồ bơi thành thị để da diết nhớ những bình minh vùng vẫy với sóng biển quê hương, phải ăn miếng cá đông lạnh để thèm bát cơm trắng cá mú cha đi biển bắt về.

"Những kỹ năng, kinh nghiệm, bài học cuộc đời dễ học ở nơi đất liền hơn là ở hòn đảo xa xôi này. Tui mong các con hãy đi thật nhiều nơi khi bản thân còn có thể. Không phải ngẫu nhiên mà người ta cho rằng việc xê dịch là dành cho lớp trẻ, bởi vì chỉ có chúng mới có đủ sức khỏe, cảm hứng, sự tự do để mà bay nhảy", người thầy dân đảo 'chính hiệu', cũng từng học tập tại Sài Gòn sôi động, và chọn trở lại Phú Quý dạy học lặng lẽ, nói.

Thu Duyên (25 tuổi, cựu học sinh THPT Ngô Quyền) nhớ mãi khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cô được học lớp thầy chủ nhiệm.

"Suy nghĩ của thầy mình lạ lắm, chẳng cần được tuyên dương là giáo viên dạy giỏi, đạt giấy khen, thành tích gì. Thầy chỉ quan tâm học trò, nghĩ cách dạy nào khiến chúng mình có thật nhiều kiến thức, hứng thú với bài giảng, có thêm kỹ năng mềm. Các em học sinh phải biết mình may mắn thế nào mới được là học trò của thầy", Duyên tâm sự.

Cô Nguyễn Thị Hiền (giáo viên THPT Ngô Quyền) cho biết các giáo viên của trường khâm phục và luôn học hỏi tư duy cởi mở của thầy Thọ.

"Huyện đảo còn nhiều khó khăn, nhưng thành tích của trường không kém bất cứ trường nào ở đất liền. Kỳ thi THPT quốc gia 2017, cả trường có một em trượt tốt nghiệp. Việc này phần lớn có được nhờ cách quản lý của thầy Thọ: Sâu sát, thực tế và hết lòng vì học sinh", cô Hiền nói.

Với mỗi môn, lớp học, thầy cho chia nhóm giỏi - khá - cần được quan tâm. Giáo viên cứ theo đó mà kèm cặp các em. Học sinh không học thêm mà năm rồi cũng có 60 em đỗ các trường quân đội, công an với điểm đại học 27 trở lên.

Giáo viên thời Facebook, Zalo: Tây học, trẻ trung, giỏi ngoại ngữ

Tương tác với học trò qua mạng xã hội bất kể ngày đêm, không còn chú trọng vào biên chế, định hướng học sinh vươn ra thế giới là chân dung lớp giáo viên 9X thời Facebook, Zalo.

Những cô giáo 9X xinh đẹp, sành điệu ở trường Marie Curie

Điểm chung của Diễm Hiền, Minh Phương, Thanh Hằng, ba giáo viên 9X trường Tiểu học Marie Curie, Hà Nội, là rất trẻ, được làm việc trong môi trường giáo dục hiện đại.


Ngân Giang

Đồ họa: Châu Châu; Video: Cát Lâm - Ngân Giang

Bạn có thể quan tâm