“Vị chua thanh thản”, “ngon sồn sột”, “thịt lợn khác thịt heo” là những lời bình kỳ lạ về ẩm thực đến từ food reviewer Trần Văn Duy, hay còn được biết đến với biệt danh Duy “Nến”.
Mặc dù tự xưng là “người Hà Nội gốc”, chuyên giới thiệu các món ăn Hà Nội với hơn 400.000 lượt theo dõi trên kênh YouTube, người này lại được công chúng nhớ đến bằng loạt phát ngôn ngô nghê, thiếu hiểu biết về văn hóa ẩm thực Hà thành.
Food reviewer Văn Duy gây khó chịu cho người xem bởi sự thiếu tôn trọng với văn hóa ẩm thực. Ảnh: Hà Nội Phố. |
Bên dưới các video trải nghiệm hàng quán trên kênh cá nhân, hàng trăm khán giả để lại bình luận chỉ trích, phản bác lối chia sẻ qua loa, sai sự thật của anh.
“Đánh giá về ẩm thực mà chẳng còn từ nào để miêu tả món ăn ngoài cụm ‘hương vị rất đặc trưng’. Trăm hàng như một thì gọi gì là review?”, tài khoản Đăng Dương bày tỏ.
“Nhận xét về đồ ăn thì phải am hiểu về văn hóa ẩm thực một chút, không phải cứ ăn là xong đâu!”, một bình luận khác phẫn nộ.
Thiếu kiến thức hay tất cả là chiêu trò?
Food reviewer, hay còn được mệnh danh nghề “ăn thử hộ thiên hạ”, là những người tự trải nghiệm và đưa ra nhận xét với các món ăn.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, trào lưu review các quán ăn, nhà hàng hay giới thiệu văn hóa ẩm thực vùng miền nhanh chóng trở thành “cơn sốt” của cộng đồng mạng.
Với mức thù lao hậu hĩnh, nghề food reviewer được nhiều người trẻ coi như một công việc toàn thời gian, sẵn sàng dành cả ngày đi ăn uống, viết cảm nhận và chia sẻ lên các nền tảng mạng xã hội.
Chỉ trong thời gian ngắn, số kênh, trang phê bình ẩm thực mọc lên như nấm với loạt nội dung đa dạng, phong phú.
Tuy nhiên, khi người người, nhà nhà đua nhau trở thành food reviewer, tình trạng đánh giá ẩm thực thiếu chiều sâu, sai kiến thức hay “ăn không nói có” cũng từ đó xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội.
Ai cũng có thể trở thành nhà phê bình ẩm thực chỉ với một chiếc điện thoại thông minh. Ảnh: Maddi Bazzocco/Unsplash. |
Không ít sản phẩm vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía người xem do sai lệch về văn hóa ẩm thực địa phương, thậm chí là kiến thức đời sống cơ bản.
Chẳng hạn, trong một video làm bánh trôi, bánh chay năm 2018, YouTuber Văn Duy cố tình gọi ngày mùng 3/3 Âm lịch là "tết phồn thực" thay vì Tết Hàn thực, dù trước đó vợ anh vừa nhắc đến.
Đây là một nhầm lẫn không đáng có. Phồn thực vốn là tín ngưỡng thờ cơ quan sinh dục của cả nam lẫn nữ hoặc thờ hành vi giao phối để nói về ước vọng phồn sinh. Trong khi đó, Tết Hàn thực nhằm bày tỏ lòng thành kính tổ tiên, cầu mùa bội thu.
Ở một sản phẩm khác, người này còn diễn giải với khán giả rằng từ "cồ" trong "phở Cồ" là bộ phận sinh dục của con bò. Trên thực tế, món ăn này có nguồn gốc từ gia tộc họ Cồ ở làng Vân Cù (Nam Định).
Đương nhiên, sai sót trong lúc đăng bài viết hay sản xuất video là điều khó hoàn toàn có thể tránh khỏi đối với các nhà sáng tạo nội dung.
Không ít người cố tình nói sai kiến thức về văn hóa ẩm thực để gây phẫn nộ, tạo sự nổi tiếng. Ảnh: Markus Winkler/Unsplash. |
Song, không hiếm trường hợp những người có ảnh hưởng trong lĩnh vực ẩm thực cố ý nói sai, bình luận ngô nghê với mục đích tạo đề tài tranh cãi. Nhờ đó, họ vừa thu về lượt tương tác khổng lồ từ đám đông phẫn nộ, vừa trở thành cái tên gây chú ý.
"Mình nghĩ rằng không ai lại có thể nhầm lẫn tới mức coi thịt lợn và thịt heo là hai loại khác nhau được. Có lẽ họ muốn dùng cách đó để xây dựng tên tuổi theo hướng tiêu cực, thà mang tiếng xấu còn hơn là không ai biết", Hoàng Đăng (sinh năm 2003, Hà Nội) nói với Zing.
"Họ tự xưng là YouTuber nhưng toàn dùng chiêu trò, rồi làm sai tất cả về ẩm thực. Chẳng hạn, có những món ăn không có gốc gác từ thủ đô, nhưng họ vẫn gắn cho nó cái mác 'ẩm thực Hà Nội'. Như vậy chẳng khác nào thiếu tôn trọng văn hóa ẩm thực vùng miền, địa phương", Trâm Anh (25 tuổi, Hà Nội) cho biết.
Gây mất uy tín
Dù vô tình hay cố ý, việc đưa ra đánh giá sai lệch, thiếu chiều sâu về món ăn có ảnh hưởng không nhỏ tới khán giả, các chủ nhà hàng, thậm chí là chính những người có ảnh hưởng trong lĩnh vực ẩm thực.
Khánh Linh (24 tuổi, Hà Nội), hay còn được biết đến với biệt danh Tasty Darling, cho biết từng có trường hợp một blogger khá nổi tiếng nhận xét bánh mì kẹp thịt heo "có vị thịt gà", đồng thời đưa sai thông tin về giá cả.
Sau đó, chủ quán phải đích thân đính chính để tránh ảnh hưởng việc buôn bán.
Việc đưa ra đánh giá sai lệch, thiếu chiều sâu về món ăn có ảnh hưởng không nhỏ tới khán giả, các chủ nhà hàng và cả những food reviewer. Ảnh: Getty Images. |
Với tư cách là một food reviewer hoạt động lâu năm với hơn 64.000 lượt theo dõi, Khánh Linh hiểu rằng việc đem đến thông tin sai sẽ khiến người xem hiểu lầm, mất niềm tin vào thương hiệu của mình.
“Mình từng có vài lần nhầm lẫn khi viết bài chia sẻ về món ăn, điển hình như việc viết sai tên đồ uống và nhầm nguồn gốc món bánh nướng đậu đỏ của Đài Loan thành Nhật Bản. Ngay khi khán giả phản hồi, mình phải lập tức sửa và tránh lặp lại sai lầm”, cô chia sẻ với Zing.
Khánh Linh khẳng định các nhà phê bình cần có kiến thức cơ bản về ẩm thực trước khi đánh giá.
“Khi hiểu về hương vị và cách thưởng thức món ăn, mình mới có thể đưa ra nhận xét cụ thể, chính xác, có sự so sánh với các nhà hàng với nhau”, Khánh Linh nói.
"Hơn nữa, bản thân mình đề cao việc đánh giá chuẩn chỉnh hơn việc đảm bảo doanh thu và lượt tiếp cận. Đơn giản, khi mình nghiêm túc phát triển công việc phê bình ẩm thực kèm với sự sáng tạo đổi mới cá nhân, chắc chắn thu nhập và lượt xem của mình sẽ tăng theo", cô chia sẻ.