Chiều 5/7, đại biểu HĐND TP.HCM tập trung chất vấn các sở, ngành về tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhiều đại biểu đề xuất sử dụng phương pháp kiểm tra nhanh để kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, do việc xét nghiệm mất thời gian, khi có kết quả thì sản phẩm đã được tiêu thụ hết.
Nhà khoa học đang ở đâu?
Đại biểu Nguyễn Mạnh Trí (Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) đề xuất cần khuyến khích phương pháp kiểm tra nhanh trong kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Dù kiểm tra nhanh không phải là cơ sở để xử phạt nhưng bước đầu có thể giúp nhận diện vấn đề.
Hiện nay, để xét nghiệm một mẫu thực phẩm mất từ 2-3 ngày, thực phẩm tươi sống không thể giữ lại. Tuy nhiên, đến khi kết quả cho thấy thực phẩm không đảm bảo an toàn thì đã được phân phối rộng rãi rồi. “Lúc đó, việc xét nghiệm còn giá trị nữa hay không?”, ông Trí đặt vấn đề.
Người tiêu dùng ngày càng bất an với thực phẩm. Ảnh: N.Hữu. |
Cùng quan điểm, đại biểu Trần Quang Thắng (Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý) cho rằng nên khuyến khích kiểm tra nhanh trong kiểm soát an toàn thực phẩm. “Với độ chính xác có thể đạt tầm 80%, kiểm tra nhanh nên được ưu tiên sử dung vì giá rẻ, nhanh, giảm thiểu được rủi ro”, ông Thắng cho hay.
Ông Thắng cũng bày tỏ nhiều loại hoá chất cực độc nằm trong danh mục bị cấm đang được sử dụng để chế biến thực phẩm như lạp xưởng, bún,... chất bảo quản hải sản có thể gây chết người. “Hoá chất trong thực phẩm nguy hiểm hơn ung thư nhiều”, ông Thắng nói.
Đại biểu quận Hóc Môn Đặng Thị Phương Ninh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Vissan, nhấn mạnh vai trò của nhà khoa học trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Theo bà Ninh, hiện nay chúng ta chưa có điểm tựa hỗ trợ về khoa học kĩ thuật.
“Có rất nhiều vấn đề mà nhà khoa học có thể tham gia vào công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Ví dụ, nếu có sự tham gia của cơ quan khoa học thì có thể dễ dàng phát hiện hàn the trong chả lụa”, bà Ninh nói.
Theo Phó tổng giám đốc Công ty Vissan, hiện nay các công ty nếu muốn giám định vấn đề an toàn thực phẩm đều sử dụng các dịch vụ bên ngoài hoặc các hiệp hội khoa học nước ngoài. Đại biểu đặt vấn để đến khi nào mới có một đội ngũ trong nước, kề cận và hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm?
Đại biểu đi chợ đầu mối giám sát lúc 2h sáng
Ông Nguyễn Mạnh Trí cho biết có những đại biểu thức khuya, đi chợ đầu mối từ 11h đêm đến 2-3h sáng để giám sát chợ đầu mối. Trong khi đó, thành phố cũng chứng tỏ những nỗ lực trong kiểm soát vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm ở một siêu đô thị như TP.HCM.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng người dân vẫn cảm thấy hoang mang vì từ khâu trồng trọt chăn nuôi, thu hoạch, giết mổ, bảo quản, chế biến, không có khâu nào yên tâm. Từ đó, đại biểu đề nghị TP nên đưa ra một thông tin, dù chỉ tương đối về việc đã kiểm soát được bao nhiêu % tổng lượng thực phẩm người dân đang sử dụng hoặc chuỗi thực phẩm an toàn chiếm tỉ trọng bao nhiêu trên thị trường.
Nhiều vụ chế biến thực phẩm bẩn liên tục bị phát hiện tại TP.HCM. Ảnh: N.Thiên. |
“Người dân hoang mang liệu an toàn thực phẩm có đến mức báo động đỏ như người dân đang lo lắng hay không”, ông Trí nói.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Nga, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động quận 12, quá trình sản xuất và tiêu thụ thực phẩm bao gồm rất nhiều khâu nhưng hiện nay chỉ mới làm tốt việc truy xuất nguồn gốc từ khâu giết mổ, còn các khâu khác chưa tốt, đặc biệt là khâu chăn nuôi, vận chuyển, xử lý thực phẩm.
Ngoài ra, bà Nga cũng đề xuất thắt chặt công tác đóng gói bao bì sản phẩm, quy định rõ những tiêu chí về bao bì, từ đó khuyến khích doanh nghiệp xây dựng thương hiệu. Đồng thời vị đại biểu cũng cho rằng nên quy định rõ trách nhiệm của nhà cung ứng trong việc bày bán thực phẩm không an toàn.
Tại phiên chất vấn, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết trong năm vừa qua, thanh tra liên ngành kiểm tra hơn 98.000 cơ sở thực phẩm. Trong đó, phát hiện 15.000 trường hợp vi phạm, xử phạt 11.000 cơ sở, thu về hơn 500 tỷ đồng.