Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Hoạ sĩ Lưu Tuyền: 'Đừng nói nghệ thuật là không thể định giá'

Sau gần 20 năm hoạt động trong lĩnh vực hội hoạ, Lưu Tuyền trở thành cái tên được giới chuyên môn đánh giá cao, có thể bán các tác phẩm nghệ thuật với mức giá ấn tượng.

Gặp gỡ hoạ sĩ Lưu Truyền tại triển lãm Thiên Đường Hoàn Hảo vào một buổi sáng đầu năm mới, chúng tôi được anh dẫn vào không gian tràn ngập những bức tranh phản ánh một hiện thực vốn bất hảo.

Khiêm nhường đứng cạnh tác phẩm nghệ thuật, Lưu Tuyền giải thích cặn kẽ các tầng ý nghĩa ẩn sâu trong những vết nứt, mảnh vỡ, mảng loang màu hoen ố. Chiêm ngưỡng bức hoạ, cả giới chuyên môn và khán giả ngoại đạo đều thắc mắc về cuộc đời người nghệ sĩ đứng sau những khung tranh.

Luu Tuyen,  nghe thuat duong dai,  thien duong hoan hao anh 1

Từng rơi vào trầm cảm

Thuộc lứa hoạ sĩ 8X, Lưu Tuyền được đào tạo bài bản về mỹ thuật trong 8 năm. Đam mê vẽ tranh, nặn đất sét từ bé, Lưu Tuyền bắt đầu con đường hội họa chuyên nghiệp từ năm 2006 khi chưa chính thức tốt nghiệp đại học.

Hành trình hoạt động nghệ thuật đầy thăng trầm của anh được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất kéo dài từ năm 2006-2010, giai đoạn thứ hai diễn ra từ năm 2011 đến nay.

Luu Tuyen,  nghe thuat duong dai,  thien duong hoan hao anh 2

Ở thời kỳ đầu, nghệ thuật của anh sống được nhờ đam mê, nhiệt huyết tuổi trẻ, do thiếu thốn kinh nghiệm, tài chính, mối quan hệ và cơ hội tiếp cận nghệ thuật quốc tế.

Đến năm 2010, Lưu Tuyền có đủ kỹ năng để bộc lộ, lột tả tư tưởng, nội tâm phức tạp thông qua ngôn ngữ riêng, hoàn thiện tư duy được gọt giũa trước đó.

Khi được hỏi về giai đoạn khó khăn nhất trong gần 20 năm làm nghề, hoạ sĩ hồi tưởng về năm 2012, khi anh hoàn thành triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên Vỏ Bọc Của Hiện Thực. Sau khi nhận được sự quan tâm, chú ý của các phòng trưng bày, giới chuyên môn, Lưu Tuyền rơi vào trạng thái “ngủ quên”, không tìm thấy hướng đi cho tương lai.

Đặc biệt, sau những lần tham gia các art fair (hội chợ nghệ thuật) quốc tế, khi tận mắt chiêm ngưỡng tác phẩm của các nghệ sĩ lớn trên thế giới, Lưu Tuyền lập tức choáng ngợp, cảm thấy lung lay, nghi hoặc về những thành quả trước đó của mình.

Sự bất an dần khiến anh rơi vào trầm cảm. Hoạ sĩ này không thể cho ra đời một bức hoạ nào trong năm 2013. Khó khăn của Lưu Tuyền không đến từ ngoại cảnh mà phát khởi từ nội tâm người nghệ sĩ.

Luu Tuyen,  nghe thuat duong dai,  thien duong hoan hao anh 3

Để vượt qua quãng thời gian chông chênh, anh tìm cách diễn đạt sự chuyển biến tâm lý qua tranh vẽ. Nhận thấy sự bao bọc, bí bách trong thế giới nội tâm, người nghệ sĩ tự khắc hoạ chính mình thông qua hình tượng con búp bê nỗ lực xé bỏ lớp vỏ bọc nilong. Serie này mang tên Hồi Sinh được ra mắt năm 2014.

Chỉ tổ chức 3 triển lãm cá nhân là Vỏ Bọc Của Hiện Hiện Thực, Hiện Thực Hoàn Hảo, Thiên Đường Hoàn Hảo trong 2 thập kỷ làm nghệ thuật, Lưu Tuyền tự nhận mình là người đi bộ trên hành trình này, cần nhiều thời gian để trau chuốt những đứa con tinh thần.

Không ngại vẽ về cái xấu

Nếu nhà văn phản ánh hiện thực đời sống bằng câu chữ, những người hoạ sĩ như Lưu Tuyền khắc họa bức tranh đời sống thông qua hình khối, màu sắc.

Nghệ thuật Đương đại hấp dẫn anh bởi tính chất kể chuyện, đối thoại. Ngoài việc không giới hạn công cụ, hình thức, kỹ thuật, hội hoạ Đương đại còn gợi mở, tương tác với người xem. Các tác phẩm dự cảm tương lai, chất vấn quá khứ, không bị hạn chế về không gian và thời gian.

Khi quan điểm về nghệ thuật Đương đại tại Việt Nam vẫn còn mờ nhạt và nhiều tranh cãi, Lưu Tuyền là người nhanh chóng bắt nhịp vào khuynh hướng này. Anh sẵn sàng khắc hoạ mặt tối của đời sống nhân sinh. Mục đích của hoạ sĩ 8X này là hướng con người đến Chân - Thiện - Mỹ.

Ngoài ra, đối với Lưu Tuyền, việc thử nghiệm các loại chất liệu khác nhau cũng mang đến cảm hứng sáng tác, xúc cảm mãnh liệt trong quá trình “thai nghén” tác phẩm. Bên cạnh chất liệu sơn dầu, anh còn thử sức với vật liệu công nghiệp epoxy art resin.

Sau 10 năm sử dụng epoxy, hoạ sĩ này khẳng định đây là vật liệu khó kiểm soát, có thể khiến một tác phẩm lập tức hỏng, buộc phải loại bỏ. Song, chính sự khó khăn này khơi gợi nguồn cảm hứng mới, mong muốn khám phá ở anh.

Bên cạnh vật liệu, Lưu Tuyền ứng dụng nhiều kỹ thuật trong các tác phẩm hội hoạ như gắn, hàn, đốt cháy để tạo vết loang cũ kỹ, dùng hoá chất ăn mòn, tác động lực bằng búa. Mỗi kỹ thuật tạo ra những hiệu ứng khác nhau.

Nếu dùng máy mài, bức tranh sẽ chịu tác động mạnh như cơn sóng dữ kéo đến. Trong khi đó, hành động mài bằng tay lại tạo cảm giác như gợn nước lăn tăn trên mặt hồ. Theo anh, cuộc chơi với chất liệu và kỹ thuật thú vị vì thế.

Đừng nói nghệ thuật vô giá

Trong cuộc trò chuyện, Lưu Tuyền nhiều lần nhắc đến câu nói của hoạ sĩ thiên tài Leonardo da Vinci: “Hãy làm nghệ thuật một cách khoa học và làm khoa học một cách nghệ thuật”.

Anh khẳng định tác phẩm nghệ thuật cũng giống nhiều sản phẩm khác, cũng có khung tham chiếu để định giá. Có 2 nhóm yếu tố chính góp phần quyết định mức giá của một bức tranh.

Nhóm yếu tố thứ nhất bao gồm tuổi đời, tuổi nghề của người nghệ sĩ. Nhóm yếu tố thứ hai là quá trình hoạt động nghệ thuật, bao gồm môi trường sinh hoạt (chuyên nghiệp, bán chuyên, phong trào), số lượng triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm, art fair mà hoạ sĩ tham dự. Ngoài ra, tiêu chí quan trọng nhất là chất lượng tác phẩm.

Luu Tuyen,  nghe thuat duong dai,  thien duong hoan hao anh 6

Xét trong môi trường chuyên nghiệp, việc một nghệ sĩ mới vào nghề bán tranh với mức giá cao hơn thế hệ đi trước là điều khó xảy ra. Giá trị tác phẩm nghệ thuật không thể được phán đoán một cách thiên kiến, chủ quan, thiếu minh bạch.

Lưu Tuyền cho biết khung giá bán tranh của các hoạ sĩ chuyện nghiệp được công khai với công chúng, không phải quy ước ngầm như nhiều người lầm tưởng.

Song, giá thành một bức hoạ chỉ cố định trong một thời điểm nhất định, có thể thay đổi dựa trên quá trình hoạt động nghệ thuật của người sáng tạo ra chúng. Nếu hành trình làm nghề của họ liên tục phát triển, mức giá các tác phẩm có xu hướng tịnh tiến hàng năm.

Do đó, tranh được xem là một khoản đầu tư, có thể mang lại lợi nhuận. Khi đầu tư vào tranh, những nhà sưu tầm vừa đạt được lợi ích kinh tế cá nhân vừa có thể ủng hộ sự phát triển của lĩnh vực nghệ thuật.

Thiên đường có hoàn hảo không?

Triển lãm "Thiên đường Hoàn hảo" được đặt trong không gian sống thay vì bảo tàng hay phòng trưng bày, đưa khán giả đi qua quá trình 12 năm làm nghề của hoạ sĩ Lưu Tuyền.

Gen Z quan tâm đến thế giới nội tâm nhiều hơn trước

Nguyễn Đoàn Minh Thư, tác giả của cuốn sách Hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều là một người trẻ, một Gen Z sinh năm 2000. Cô tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Tâm lý tại Đại học East Anglia và hiện làm thực tập sinh tư vấn tâm lý cho Bộ Y tế Anh (National Health Service). Minh Thư cho biết câu chuyện được viết từ chính trải nghiệm của cô và nhấn mạnh mỗi người chỉ có thể cảm thấy hạnh phúc và bình yên khi hiểu chính mình.

Linh Vũ - Thụy Trang

Bạn có thể quan tâm