Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hoạt động trải nghiệm: Tăng thực tiễn, giảm lý thuyết trong giáo dục

Hoạt động trải nghiệm trong dự thảo chương trình Giáo dục phổ thông mới đang là nội dung thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận.

Đây không phải là một môn học mà mà hoạt động giáo dục được thực hiện bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12. Tất cả học sinh sẽ được tham gia hoạt động trải nghiệm thường xuyên để phát triển cá nhân bên cạnh các hoạt động lao động, phục vụ cộng đồng…

4 nội dung trải nghiệm cốt lõi

Theo ban soạn thảo, hoạt động giáo dục này ở bậc tiểu học được gọi là Hoạt động trải nghiệm; ở THCS và THPT được gọi là Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Hoạt động giáo dục này bao gồm 4 nội dung: hoạt động phát triển cá nhân, hoạt động lao động, hoạt động xã hội và phục vụ cộng đồng, hoạt động giáo dục hướng nghiệp.

Một số nội dung của sinh hoạt Sao Nhi đồng, Đội Thiếu niên, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên được tích hợp trong hoạt động trên. Các nội dung này được thực hiện thông qua 4 loại hoạt động: sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động giáo dục theo chủ đề và câu lạc bộ.

PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa - chủ biên chương trình Hoạt động trải nghiệm cho biết, mục đích của hoạt động này là tạo cơ hội cho học sinh huy động, tổng hợp kiến thức, kỹ năng của các môn học, các lĩnh vực giáo dục khác nhau để trải nghiệm thực tiễn trong nhà trường, gia đình và xã hội nhằm đạt được các yêu cầu về phẩm chất và năng lực đã đặt ra.

hoat dong trai nghiem anh 1
PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa - chủ biên chương trình Hoạt động trải nghiệm.

Ở tiểu học, nội dung Hoạt động trải nghiệm tập trung nhiều vào các hoạt động phát triển bản thân, kỹ năng sống, quan hệ với bạn bè, thầy cô và người thân trong gia đình. Bên cạnh đó, các hoạt động lao động, xã hội và làm quen với một số nghề gần gũi cũng được tổ chức thực hiện.

Ở THCS, chương trình tập trung nhiều hơn vào các hoạt động xã hội, phục vụ cộng đồng và bắt đầu đẩy mạnh hoạt động hướng nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động phát triển cá nhân, lao động vẫn được tiếp tục triển khai để phát triển các phẩm chất và năng lực của học sinh.

Ở THPT, Hoạt động trải nghiệm tập trung cao vào nội dung giáo dục hướng nghiệp. Thông qua các chủ đề sinh hoạt tập thể, hoạt động lao động sản xuất, câu lạc bộ hướng nghiệp và các hoạt động định hướng nghề nghiệp khác, học sinh được đánh giá và tự đánh giá về năng lực, sở trường, hứng thú liên quan đến nghề nghiệp; có thể tự chọn cho mình ngành nghề phù hợp; được rèn luyện phẩm chất và năng lực để thích ứng với nghề nghiệp tương lai.

Cũng theo PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa, trong 4 nhóm nội dung Hoạt động trải nghiệm trên, tùy từng cấp học mà chúng ta sẽ tập trung vào nhóm nội dung nào nhiều hơn.

Ví dụ, nhóm nội dung hoạt động phát triển cá nhân thì rõ ràng tập trung rất mạnh ở bậc tiểu học. Nhưng bậc THCS có thể nhẹ hơn và bắt đầu tăng dần nhóm hoạt động xã hội và phục vụ cộng đồng. Đến bậc THPT thì các hoạt động phát triển cá nhân, hoạt động xã hội và phục vụ cộng đồng tất nhiên vẫn tiếp tục, nhưng đặc biệt đẩy mạnh hoạt động giáo dục hướng nghiệp.

Cách thức tổ chức

PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa chia sẻ, chương trình Hoạt động trải nghiệm được thực hiện dưới 4 hình thức tổ chức: ình thức có tính khám phá (thực địa - thực tế, tham quan, cắm trại, trò chơi...); hình thức có tính thể nghiệm, tương tác (diễn đàn, giao lưu, hội thảo, sân khấu hoá...); hình thức có tính cống hiến (thực hành lao động; hoạt động tình nguyện, nhân đạo...); hình thức có tính nghiên cứu (dự án và nghiên cứu khoa học, hoạt động theo nhóm sở thích).

“Mỗi hình thức hoạt động có lợi thế để đạt được mục tiêu nào đó, nên ngay trong tên gọi, để giúp các giáo viên có thể rõ hơn từng hoạt động, chúng tôi đã đặt tên gọi mang tính bản chất nhất cho từng nhóm”. PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa cho biết.

Bà cũng cho rằng các nhà trường cần chủ động lựa chọn các hình thức tổ chức cụ thể từ cả 4 nhóm hình thức, miễn sao phù hợp với điều kiện của nhà trường và địa phương khi tổ chức hoạt động trải nghiệm.

Phương pháp giáo dục trong Hoạt động trải nghiệm hướng đến việc làm cho người học sẵn sàng tham gia trải nghiệm tích cực; giúp người học suy nghĩ về những gì trải nghiệm; phát triển kỹ năng phân tích, khái quát hoá các kinh nghiệm có được; tạo cơ hội cho người học có kỹ năng giải quyết vấn đề và ra quyết định dựa trên những tri thức và ý tưởng mới thu được từ trải nghiệm.

Quả thực, chương trình Hoạt động trải nghiệm có rất nhiều điểm mới. Xã hội thực sự quan tâm và hy vọng vào sự đổi mới này khi mà con trẻ thiếu rất nhiều kỹ năng sống và ý thức xã hội chưa cao. Về điểm này, bà Thoa khẳng định chương trình chỉ có thể thành công khi cả xã hội, các tổ chức, phụ huynh học sinh… cùng đồng hành với nhà trường.

“Việc thay đổi cách đánh giá kết quả hoạt động và sử dụng kết quả đánh giá giống như các môn học đã cho thấy rõ sự quyết tâm đổi mới hoạt động này”, bà Thoa nhấn mạnh.

Sơn Trà

Bạn có thể quan tâm