Điện thoại là tác nhân gây ra rất nhiều vấn đề tiêu cực với học sinh. Ảnh: Pexels. |
Cách đây 2 tháng, trường All Saints Catholic College (London, Anh) tuyên bố đang thử nghiệm chương trình học 12 giờ/ngày. Truyền thông Anh mô tả đây là một nỗ lực táo bạo nhằm "cai nghiện" điện thoại cho học sinh, theo Guardian.
Trả lại tuổi thơ cho học sinh
Từ 7 giờ đến 19h (từ thứ hai đến thứ năm), học sinh lớp 7 và 8 có thể ở lại trường. Với mức phí 10 bảng Anh/tuần (khoảng 320 nghìn đồng), các em sẽ được phục vụ bữa sáng và bữa tối "gia đình", đồng thời được tham gia các hoạt động ngoại khóa từ kịch nghệ, làm gốm sứ đến thể thao.
Quy định duy nhất là điện thoại phải được cất trong cặp, tắt nguồn trong toàn bộ 12 giờ. Học sinh không được lén dùng. Ông Andrew O'Neill, Hiệu trưởng nhà trường, nhấn mạnh mục tiêu không chỉ giúp học sinh cai nghiện điện thoại, mà còn là "trả lại tuổi thơ cho trẻ em".
Ông nhận định điện thoại là tác nhân gây ra rất nhiều vấn đề tiêu cực tại ngôi trường với 900 học sinh này, bao gồm gửi tin nhắn quấy rối tình dục, bắt nạt và tống tiền trực tuyến.
Trong thời gian trường gian All Saints mở cửa trở lại sau Covid-19, vị hiệu trưởng nhận thấy các học sinh thường xuyên tránh giao tiếp bằng mắt và gặp khó khăn trong việc trò chuyện.
"Chúng tôi bắt đầu thấy một số vấn đề nảy sinh. Trẻ em không thực sự có cảm giác hòa nhập hoặc mong muốn tham gia các hoạt động tập thể, thậm chí là tự cô lập và thờ ơ", ông O'Neill nói.
Vị hiệu trưởng lo ngại về việc nhiều học sinh tan học sẽ về nhà, bật điện thoại và dán mắt vào màn hình cho đến giờ ngủ (hoặc thậm chí muộn hơn). Vì vậy, ông mong muốn tạo cơ hội cho các em giao lưu và vui chơi cùng nhau ngoài đời thực.
Từ đây, chương trình học 12 giờ được xây dựng và áp dụng thí điểm nhằm mục tiêu "kết nối lại học sinh với trường học" và định hình lại ngôi trường không chỉ là nơi học tập mà còn là nơi trẻ hoạt động, vui chơi.
Các em sẽ được phục vụ bữa sáng và bữa tối, đồng thời được tham gia các hoạt động ngoại khóa. Ảnh: Guardian. |
Học sinh "mê" học 12 giờ
Theo lịch trình, khi kết thúc ngày học vào 15h15, học sinh sẽ tiếp tục làm bài tập về nhà trong vòng 1 giờ. Đây là điều được các em đánh giá cao nhất vì giúp chúng hoàn thành bài tập sớm. Tiếp theo là các hoạt động thú vị như thể thao hoặc nghệ thuật.
Serenity (12 tuổi) là một trong số 117 học sinh đăng ký tham gia chương trình 12 giờ tự nguyện. Ban đầu, em chỉ miễn cưỡng tham gia, phàn nàn với mẹ rằng chương trình "quá dài" và "giống như đi làm". Tuy nhiên, nữ sinh đánh giá cao việc nhà trường tách học sinh khỏi điện thoại.
"Mặc dù không được dùng điện thoại, em vẫn có thể tham gia các hoạt động thú vị mà mình thích", Serenity nói.
Tương tự, Zara (11 tuổi) khẳng định chương trình 12 giờ không hề nhàm chán.
"Không phải là em học thêm nhiều bài trong nhiều giờ hơn. Em được tham gia các hoạt động thể chất, được ăn tối và hoàn thành bài tập về nhà ngay tại trường", Zara chia sẻ.
Cô Louisa Tice, giáo viên phụ trách các buổi tập bóng chày và bóng đá, nhận định chương trình 7-7 đang giúp học sinh cải thiện các kỹ năng xã hội.
"Các em nhận thấy những lo lắng về mặt xã hội và biết điện thoại là một phần nguyên nhân. Vì vậy, chúng thực sự không khó chịu khi phải tạm ngưng sử dụng trong 12 giờ", cô Tice nói.
Một lợi ích khác của chương trình 7-7 là bữa tối gia đình - thứ mà không phải đứa trẻ nào cũng có. Trường học không chỉ cung cấp cho trẻ bữa tối nóng hổi mà còn giúp chúng quen với việc trò chuyện trên bàn ăn thay vì nhìn xuống điện thoại.
Chương trình thí điểm sẽ kết thúc vào cuối tháng 6 này. Ông O'Neill hy vọng có thể tiếp tục dự án vào năm học mới. Trong 6 tuần đầu tiên, số học sinh tham gia chương trình 7-7 nhận "sao khen thưởng" tăng 16%, đồng thời tỷ lệ bị phạt vì không làm bài tập về nhà giảm 12%.
Mặc dù khó theo dõi chính xác thời gian sử dụng điện thoại, nhưng học sinh cho biết các em dành ít thời gian dán mắt vào màn hình hơn. Ông O'Neill tin rằng thí điểm này đang thay đổi căn bản trải nghiệm học đường.
"Mục tiêu là tạo ra cảm giác hòa nhập và tái kết nối với lợi ích chung", vị hiệu trưởng chia sẻ.
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.