Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Học ké

Hàng chục năm qua, trẻ em mầm non ở hai thôn Cao Bằng và Thạch Lũ, xã Ea Yông, huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) không có phòng học riêng.

Đây là 2 trong số 6 phân hiệu của Trường mầm non Hoa Pơ Lang (xã Ea Yông, huyện Krông Pắk) được phân bố tại các thôn, buôn trên địa bàn xã, có 400 học sinh.

Đến thăm điểm học ở hội trường thôn Cao Bằng, chúng tôi thấy nhiều trẻ không cùng độ tuổi học chung một lớp. Điểm trường phải chia ra, xin học ké ở hai nơi: Các cháu 3-4 tuổi học tại hội trường thôn, các cháu 5 tuổi học tại phòng nghỉ của giáo viên trường Tiểu học Cù Chính Lan.

Cô Bào Thị Ngọc Ánh cho biết: “Trong số 49 cháu đang theo học tại đây có 29 cháu 3-4 tuổi và 20 cháu 5 tuổi. Đúng ra phải tách lớp, dạy chương trình riêng nhưng không có điều kiện, đành chịu”.

Các cháu thôn Cao Bằng học trong căn phòng chật hẹp. Ảnh: Tiền Phong.

Hội trường thôn Cao Bằng rộng khoảng 60 m2, là nơi họp hành, sinh hoạt của bà con trong thôn, nhưng lớp mầm non chỉ sử dụng được chừng 40 m2. Diện tích chật hẹp, cả cô và trò hằng ngày phải chịu cảnh chật chội, oi bức.

Do không có nhà vệ sinh các cháu phải ra khoảng đất sau lớp học để tiểu tiện. Ở đây cũng không có nước nên hằng ngày các cô phải đi xin nước của người dân hoặc xách từ nhà đến cho các cháu sinh hoạt.

Cô Lê Thị Hường, phụ trách lớp 5 tuổi chia sẻ, phòng học chỉ vọn vẹn 12 m2 nên bố trí bàn ghế phục vụ học tập rất khó khăn. Để các cháu có bàn học vẽ, viết phải sử dụng loại bàn xếp mi ni. Nhiều khi muốn dạy các cháu nhảy múa, ca hát cũng không có chỗ trống, phải chờ đến giờ ra chơi của trường tiểu học mới tập được.

Chị Trương Thị Tống (29 tuổi) cho biết: “Học mầm non mà cứ phải 2 buổi đưa đón con nhất là ngày mùa rất cực. Con mình học ở lớp tạm như vậy rất thiếu thốn, thiệt thòi. Mong nhà nước cấp cho các cháu điểm học đàng hoàng để các cháu được học tập như bao đứa trẻ khác”.

Bà Mộng Thị Hường, Bí thư chi bộ thôn Cao Bằng cho biết: “Rất nhiều thế hệ trẻ em nơi đây đã phải chịu cảnh lớp học tạm bợ, với bao thiếu thốn. Nói là dạy nhưng thực ra trông các cháu là chính, vì diện tích phòng học quá nhỏ nên không thể dạy và cho các cháu vui chơi đầy đủ được. Thôn đã nhiều lần làm tờ trình gửi lên xã, phòng giáo dục nhưng được trả lời chưa có kinh phí”.

Điểm mầm non thôn Thạch Lũ mượn được phòng học của trường tiểu học rộng rãi, thoáng mát. Nhưng các em không được vui chơi thoải mái mà phải ngồi yên trong lớp, giữ im lặng, tránh gây ảnh hưởng đến các học sinh tiểu học cho tới khi có tiếng trống báo giờ ra chơi.

Cô Hoàng Thị Hương Giang cho biết: “Vì học chung với lớp tiểu học nên rất bất tiện. Từ tháng 10/2015 theo nguyện vọng của phụ huynh, lớp bắt đầu triển khai mô hình “bán trú dân nuôi” nên mới đỡ vất vả hơn”.

Cô H - Yer Knul, Phó trưởng Phòng giáo dục và đào tạo huyện Krông Pắk cho biết: “Không chỉ các lớp mầm non ở các điểm lẻ thiếu phòng học, mà ngay cả điểm trường chính cũng phải mượn hội trường, nhà cộng đồng cho các cháu học.

Hàng năm, các trường đều có tờ trình gửi phòng xin kinh phí để xây dựng và nâng cấp phòng học, nhưng trên bảo tiền không có, nên chẳng biết cảnh học ké này còn tiếp diễn tới bao giờ!”.

Khát vọng học tập của cậu bé viết chữ bằng chân

Mắc bệnh bại não bẩm sinh, bị co rút hết chân tay, trải qua nhiều năm khổ luyện, cậu bé Nguyễn Tấn Sang viết chữ bằng chân thành thục và có thể đến trường.


http://www.tienphong.vn/giao-duc/hoc-ke-957445.tpo

Theo Tuyết Mai/Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm