Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Học ngoại ngữ là bài tập 'thể dục' cho não

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra một bộ não song ngữ sẽ khỏe mạnh và làm việc hiệu quả hơn so với người chỉ dùng một ngôn ngữ.

Ngày nay, ngoại ngữ đóng vai trò quan trọng trong quá trình học hành, công việc, tiến trình phát triển của mỗi cá nhân.

Không chỉ thế, việc sử dụng 2 hay nhiều ngôn ngữ còn tác động tích cực đến sự phát triển của não, ngay cả với người trưởng thành.

Hoc ngoai ngu la bai tap 'the duc' anh 1

So sánh bộ não song ngữ với bộ não chỉ sử dụng một ngôn ngữ. Ảnh: Knowablemagazine

Lợi ích của bộ não song ngữ

Các nhà nghiên cứu quan sát được ở những bộ não song ngữ, mật độ chất xám và chất trắng cao hơn, một số khu vực trong não cũng hoạt động mạnh hơn so với những người chỉ dùng một ngôn ngữ. Đây là dấu hiệu của một bộ não khỏe mạnh.

Học ngôn ngữ là công việc phức tạp, được cho là hành vi phức tạp nhất của con người vì nó liên quan đến nhiều cấp độ, từ âm tiết, từ ngữ đến cấu trúc, ngữ pháp. Đây thật sự là một bài tập “thể dục” rất hiệu quả cho não.

Việc học ngôn ngữ có tác động tích cực đến những vùng não dễ bị lão hóa hoặc suy giảm bởi bệnh lý thần kinh. Não bộ được luyện tập thường xuyên trong suốt cuộc đời bằng cách sử dụng nhiều ngôn ngữ giúp làm chậm thời gian phát các bệnh Alzheimer hay chứng mất trí tới khoảng 5 năm.

Bộ não song ngữ có thể bù đắp cho sự thoái hóa não bằng cách tạo ra mạng lưới và liên kết mới thay cho liên kết cũ đã bị phá hủy. Nguyên nhân nằm ở việc dùng song ngữ thúc đẩy chất xám và chất trắng sản sinh nhiều hơn. Các nhà nghiên cứu gọi đây là “sự bù đắp nhận thức” (cognitive compensation).

Ngày nay, những lợi ích của việc học một hay nhiều ngoại ngữ rất hiển nhiên. Tuy nhiên, trước những năm 1960, việc học song ngữ được coi là làm chậm sự phát triển của trẻ vì bắt chúng dành nhiều công sức để phân biệt hai ngôn ngữ. Quan điểm này dựa trên những nghiên cứu sai lầm.

Theo NPR Ed, các nghiên cứu ở 6 tiểu bang và 37 quận ở Mỹ đã phát hiện ra học sinh song ngữ có điểm kiểm tra cao hơn so với học sinh chỉ dùng một ngôn ngữ. Các em cũng hạnh phúc hơn khi ở trường, ít gặp vấn đề về hành vi hơn.

Những nghiên cứu gần đây chỉ ra sự nỗ lực và tập trung để chuyển đổi giữa 2 ngôn ngữ giúp kích thích nhiều hoạt động, từ đó củng cố vùng vỏ não trước trán. Đây là khu vực quan trọng có vai trò điều hành, giải quyết vấn đề, xử lý công việc, loại bỏ những thông tin không quan trọng. Chức năng điều hành là một trong những chức năng phức tạp nhất của não, phân biệt con người với động vật khác.

Hoc ngoai ngu la bai tap 'the duc' anh 2

Việc sử dụng song ngữ khiến não bộ khỏe mạnh hơn. Ảnh: NPR Ed.

Người không còn trẻ vẫn nên học ngoại ngữ

Trong thời gian dài, người ta cho rằng thời điểm tốt nhất để học ngoại ngữ là khi còn nhỏ. Trẻ em học ngoại ngữ tốt hơn vì não của chúng vẫn đang phát triển và có tính linh hoạt cao hơn.

Họ cho rằng người đã thành niên không thể học ngoại ngữ một cách hiệu quả tuyệt đối. Nhưng nghiên cứu gần đây phủ nhận điều này. Nhiều người học ngoại ngữ khi đã trưởng thành vẫn trở nên thành thạo.

Các nhà khoa học xem xét sự khác biệt trong việc học ngôn ngữ, liệu bộ não của con người linh hoạt hơn khi còn nhỏ và trở nên cố định ở tuổi trưởng thành. Hay sự khác biệt đến từ những yếu tố khác như điều kiện học, tần suất học, tài liệu học, sự lười biếng của người học và tác động của những người xung quanh?

Chẳng hạn, một người trưởng thành làm một lúc 2 công việc, đến lớp học ngoại ngữ lúc 19h có kiểu tiếp thu khác với đứa trẻ chỉ chuyên tâm học hành, luôn nhận được sự khích lệ từ ông bà, cha mẹ.

Như vậy, sự khác biệt giữa việc học ngôn ngữ ở trẻ em và người lớn là sự kết hợp giữa 2 yếu tố tính linh hoạt và điều kiện học tập. Ngoài ra, nó còn nằm ở năng lực của từng người. Cùng hoàn cảnh, một số người sẽ tiến bộ rất nhanh, trong khi số khác lại gặp khó khăn.

Hoc ngoai ngu la bai tap 'the duc' anh 3

Bạn vẫn có thể học tốt ngoại ngữ ở độ tuổi trưởng thành. Ảnh: Gurmentor.

Tùy thuộc vào hoàn cảnh và cách học ngoại ngữ, giới chuyên môn chia những người song ngữ thành 3 kiểu.

Trong đó, song ngữ phức hợp (compound bilingual) bao gồm người học thụ động cùng lúc cả 2 ngôn ngữ từ nhỏ do sống trong môi trường đa ngôn ngữ.

Song ngữ ngang hàng (coordinate bilingual) là nhóm người sử dụng 2 ngôn ngữ trong môi trường khác nhau, chẳng hạn sử dụng tiếng Anh ở trường và nói tiếng mẹ đẻ ở nhà.

Song ngữ thứ cấp (subordinate bilinguals) gồm người học ngôn ngữ mới thông qua tiếng mẹ đẻ của mình.

Tất cả kiểu người song ngữ trên đều có thể sử dụng thành thạo ngôn ngữ và rất khó để nhận ra sự khác biệt. Nếu như không học ngoại ngữ từ nhỏ, người học vẫn có thể bắt đầu học ngôn ngữ mới ở tuổi trưởng thành.

Không phải trường top có nên học?

Nhiều thí sinh vẫn có tâm lý chỉ chọn trường danh tiếng, đăng ký trường bình thường để phòng hờ nhưng khi trúng tuyển vẫn không học.

Hằng Nga

Bạn có thể quan tâm