- 17 địa phương không tổ chức khai giảng năm học mới.
- Hà Nội tổ chức lễ khai giảng cho hơn 2,1 triệu học sinh. Buổi lễ được phát sóng trực tiếp trên Đài Phát thanh & Truyền hình Hà Nội.
- Gần 700.000 học sinh THCS, THPT tại TP.HCM bắt đầu năm học mới theo hình thức trực tuyến.
-
Học sinh Hải Phòng đến trường khai giảng trong mưa
Sáng 5/9, ba khối lớp 1, 6 và 10 của các trường trên địa bàn Hải Phòng dự khai giảng tập trung. Các khối lớp còn lại, nhà trường tổ chức cho học sinh dự khai giảng bằng hình thức trực tuyến tại nhà.
Sáng nay, nhiều học sinh Hải Phòng được phụ huynh đưa đến trường trong cơn mưa lớn. Tại trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận Hồng Bàng), thời tiết khiến nhà trường không thể tổ chức khai giảng ngoài sân. Nhà trường đang triển khai phương án 2, cho học sinh lên phòng họp dự khai giảng. Ảnh: Nguyễn Dương.
-
TP.HCM và 16 tỉnh, thành không tổ chức khai giảng ngày 5/9
Do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, học sinh tại TP.HCM sẽ không có ngày khai giảng năm học 2021-2022. Ngày 6/9, học sinh THCS và THPT bắt đầu chương trình năm học mới. Học sinh tiểu học bắt đầu chương trình chính thức từ ngày 20/9.
Tương tự, Bạc Liêu, Quảng Trị cũng không tổ chức khai giảng mà cho học sinh học trực tuyến từ 6/9. Tại Bình Thuận, sở GD&ĐT thống nhất tất cả cơ sở giáo dục trên địa bàn TP Phan Thiết và thị xã La Gi không tổ chức lễ khai giảng năm học 2021-2022. Các trường ở những địa phương còn lại, trừ bậc mầm non, tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Trong khi đó, nhiều địa phương khác dời ngày khai giảng sau 5/9: Thanh Hóa, Ninh Thuận, Bến Tre, Đồng Nai, Hậu Giang, Tây Ninh, Khánh Hòa, Cà Mau, Bình Dương, Long An, Lâm Đồng, Trà Vinh.
-
Trẻ háo hức chuẩn bị cho khai giảng online
Tối 4/9, Hải Phong, học sinh lớp 4 ở Hà Nội, đã chuẩn bị sẵn trang phục cho lễ khai giảng online vào ngày mai. Cậu còn tập dượt, đặt tay lên ngực trái, hát Quốc ca. Em gái Phong mới vào mẫu giáo lớn nhưng cũng rất háo hức đón chờ lễ khai giảng, dù không được đến trường. Cô bé ướm thử bộ áo dài may từ Tết, chuẩn bị sẵn trang phục. Hai anh em còn được mẹ chuẩn bị một lá cờ đỏ sao vàng để dự khai giảng.
Chị Huyền Linh, mẹ của hai bé, cho biết con gái bé “thèm khát” được đi học. Cô bé ngày đêm lôi sách vở ra học, ba lô đầy vở và đồ dùng, sẵn sàng hết dịch vác đi học luôn. Anh trai biết bọc sách vở, phụ kiện đầy đủ, có một điện thoại, một máy tính gắn camera để học online. Cậu bé vẫn thích đến trường hơn để được gặp bạn bè, vui đùa. Tối 4/9, chị phải cho hai con đi ngủ sớm từ 20h30 để sáng mai có thể tỉnh táo dự lễ khai giảng.
-
Sẵn sàng '200% công suất'
Chia sẻ trước thềm năm học mới, cô Phạm Đình Cúc Hân, giáo viên lớp 1, trường Tiểu học Thực hành Đại học Sài Gòn, cho biết cô có chút hồi hộp trước một năm học rất đặc biệt nhưng đã sẵn sàng khởi động "200% công suất" cho năm học mới.
"Với tình hình dịch bệnh diễn ra như hiện nay, các con không thể đến trường gặp thầy cô giáo, làm quen các bạn mới, điều đó thôi thúc tôi phải nỗ lực tạo nên một môi trường học tập thật sinh động và thân thiện để tạo nên cảm giác gần gũi, xích gần lại cảm giác bỡ ngỡ, xa lạ giữa cô và trò", cô Hân nói.
-
Hơn 75.000 học sinh TP.HCM gặp khó khi học trực tuyến
Thống kê đến chiều 4/9, hơn 75.000 học sinh TP.HCM gặp khó khăn khi học trực tuyến vì thiếu thiết bị, không có Internet hoặc thiếu cả hai. Để khắc phục, các trường đã vận động mạnh thường quân đóng góp, hỗ trợ thiết bị cũ.
Sở GD&ĐT TP.HCM tiếp tục làm việc với các đơn vị viễn thông, nhà cung cấp thiết bị, để xin hỗ trợ đường truyền, gói thiết bị giảm giá hoặc trả góp không lãi suất giúp học sinh. Hiện, toàn thành phố có khoảng 1,71 triệu học sinh từ mầm non, tiểu học, THCS đến THPT (chưa tính hệ giáo dục thường xuyên).
-
Chị Hạnh Thủy, phụ huynh có hai con vào lớp 1 tại Hà Nội háo hức trong ngày lễ khai giảng. Ngày hôm nay, con của chị Hạnh Thủy sẽ chính thức bước vào lớp 1. Trước ngày khai giảng, hai bé cùng mẹ dán nhãn vở, chuẩn bị quần áo mới, và hỏi mẹ: “Khai giảng qua máy tính thì con có nhìn thấy các bạn cùng lớp không ạ?”.
Năm nay, trường Marie Curie sẽ tổ chức khai giảng online cho học sinh. Chủ đề khai giảng là chống dịch Covid và một vạn cây xanh cho Mèo Vạc. Ảnh: Thạch Thảo.
-
Cô giáo viết tâm thư gửi học sinh trước ngày khai giảng
Cô Nguyễn Nguyệt Hà, giáo viên Ngữ văn tại Hà Nội, đăng tải bức thư động viên học sinh trước ngày khai giảng năm học mới. Trong thư, cô viết: “Ngày mai, con dự lễ khai giảng, dù trực tiếp hay trực tuyến, con vẫn có thể tự tạo niềm vui và không khí cho mình”.
Bài đăng của cô Nguyệt Hà thu hút hơn 3.000 lượt thích và 300 bình luận. Nhiều học sinh bày tỏ sự xúc động trước những lời nhắn gửi tình cảm của cô giáo dạy Ngữ văn.
-
Quảng Nam tổ chức khai giảng trực tiếp và trực tuyến
Sáng 5/9, hơn 350.000 học sinh của 806 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông tại tỉnh Quảng Nam tham dự lễ khai giảng năm học mới 2021-2022. Các trường học ở địa phương không thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 được khai giảng tập trung. Những nơi đang thực hiện Chỉ thị 16 sẽ khai giảng bằng hình thức trực tuyến.
Tại trường THCS Nguyễn Du, TP Tam Kỳ, từ sáng sớm, nhà trường đã trang bị đầy đủ máy đo thân nhiệt, nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn, và tiến hành đo thân nhiệt, yêu cầu học sinh, phụ huynh thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế. Ảnh: Thanh Đức.
-
Chỉ có thầy hiệu trưởng chuẩn bị cho lễ khai giảng tại trường
Lễ khai giảng của trường Lương Thế Vinh, Hà Nội, được tổ chức online cho học sinh qua zoom. Để chuẩn bị cho buổi lễ, từ 4/9, thầy Nguyễn Quốc Bình có mặt tại trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), đọc thư chào mừng năm học mới của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, để quay lại hình ảnh phát sóng cho học sinh toàn trường vào buổi khai giảng.
Thầy Bình và các giáo viên trong trường đã chuẩn bị cho lễ khai giảng từ nhiều ngày trước. Ảnh: Nhật Sinh.
-
Hơn 1.500 nhân viên bưu chính gửi sách giáo khoa đến học sinh trước 7/9
Được sự cho phép của UBND TP.HCM, Sở GD&ĐT TP.HCM đã yêu cầu mỗi trường học phân công 5 nhân viên hỗ trợ phân phối sách giáo khoa. Cùng với đó, hơn 1.500 nhân viên bưu chính sẽ được ưu tiên lưu thông, đưa sách đến các điểm tập trung ở khu phố, ấp, trường học.
Từ ngày 5/9 đến ngày 7/9, nhân viên bưu chính, được phép ưu tiên lưu thông sẽ giao sách tận nhà học sinh. Công an phường hỗ trợ đưa sách giáo khoa đến tận nhà học sinh tại TP.HCM. Ảnh: Thúy An.
-
Lễ khai giảng trực tiếp tại Hà Nội
Tại Hà Nội, lễ khai giảng sẽ được tổ chức tại trường THCS Trưng Vương (Hoàn Kiếm) từ 7h30 đến 8h30 và được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội.
Một số cán bộ, giáo viên, học sinh cấp THCS, THPT, GDTX quận Hoàn Kiếm sẽ đại diện cho học sinh Hà Nội dự lễ khai giảng. Sau khi kết thúc lễ khai giảng truyền hình trực tiếp, các trường tổ chức sinh hoạt đầu năm học theo hình thức trực tuyến. Trong ảnh, học sinh trường THCS Trưng Vương dự lễ khai giảng sáng 5/9.
Theo kế hoạch, tại lễ khai giảng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ đọc thư của Chủ tịch nước gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới. Chủ tịch UBND thành phố đánh trống khai giảng năm học mới và nhiều hoạt động khác.
Các cơ sở giáo dục theo dõi chương trình truyền hình trực tiếp lễ khai giảng của thành phố và tổ chức sinh hoạt đầu khóa theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Nhật Sinh.
-
Lễ khai giảng ở Hà Tĩnh được phát trực tiếp trên sóng truyền hình
7h sáng 5/9, tại Trường THCS Lê Văn Thiêm (TP Hà Tĩnh), Sở GD&ĐT Hà Tĩnh tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2021-2022. Chương trình được phát sóng trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh với sự theo dõi của hơn 350.000 giáo viên, học sinh ở các cấp học tại 667 trường học.
Bà Đặng Thị Quỳnh Diệp, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, cho biết trong điều kiện hiện nay, hoạt động giáo dục gặp khó khăn. Bà kêu gọi cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học; linh hoạt, sáng tạo, đảm bảo an toàn, giữ vững chất lượng.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng mong rằng trong năm học mới, tất cả học sinh ở mọi vùng miền, mọi hoàn cảnh đều được học tập, được hỗ trợ bằng nhiều giải pháp để tiếp cận phương thức giảng dạy hiệu quả. "Việc học tập cho con em trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 còn nhiều tiềm ẩn, đặt ra rất nhiều khó khăn với nhiều gia đình. Mong rằng các bậc phụ huynh chia sẻ và ủng hộ chủ trương chung của ngành để phối hợp chặt chẽ với nhà trường động viên, nhắc nhở con em vượt khó vươn lên", ông Dũng nói.
-
Học sinh Bắc Ninh dự khai giảng trong mưa lớn
Một số học sinh đại diện học sinh toàn tỉnh Bắc Ninh dự lễ khai giảng năm học 2021-2022. Buổi lễ được tổ chức tại trường THPT chuyên Bắc Ninh và truyền hình trực tiếp để học sinh, phụ huynh, giáo viên toàn tỉnh theo dõi. Lễ khai giảng diễn ra trong mưa lớn. Ảnh: BTV.
-
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đánh trống khai giảng năm học mới
Tại lễ khai giảng sáng 5/9, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đánh trống khai giảng năm học mới, trao bằng khen cho cán bộ, giáo viên có thành tích xuất sắc tại các kỳ thi Olympic 2021.
2021-2022 được xác định là năm học khó khăn, với nhiều biến động. Ngành giáo dục đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo quyền được học tập của học sinh một cách bài bản, chất lượng và hiệu quả. Ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, với phụ huynh học sinh, nhằm triển khai các nhiệm vụ năm học, gắn kết học sinh với nhà trường, thầy cô, bạn bè một cách chặt chẽ trong năm học mới. Ảnh: Nhật Sinh.
-
Một phút mặc niệm người mất vì Covid-19 tại lễ khai giảng ở TP.HCM
Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tổ chức lễ khai giảng đại diện cho các trường trên địa bàn TP.HCM. Một số giáo viên, học sinh của trường được tham dự trực tiếp, còn lại theo dõi trực tuyến. Lễ khai giảng được tường thuật trực tiếp trên kênh HTV9, HTV4 và kênh YouTube HTV Tin tức.
Tham dự lễ khai giảng tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong có ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM; ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM; ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT. Lễ khai giảng đã dành 1 phút mặc niệm tưởng nhớ những người đã mất vì Covid-19. Ảnh: HTV9.
-
Học sinh dự khai giảng từ nhà
Đúng 7h30 sáng, hai bé Phạm Vương Duy Hiếu và Phạm Vương Bảo Anh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đứng trước tivi thực hiện nghi lễ chào cờ trong buổi khai giảng đặc biệt của năm học 2021-2022.
-
Tiếc nuối lễ khai giảng cuối cùng của thời áo trắng
Trên mạng xã hội, nhiều em lớp 12 tiếc nuối khi không thể có lễ khai giảng cuối cùng trong đời học sinh một cách trọn vẹn. Trần Thùy Linh, học sinh lớp 12, trường THPT Hương Khê (Hà Tĩnh) chia sẻ lời nhắn động viên của thầy giáo chủ nhiệm. Nữ sinh xúc động với tin nhắn thầy gửi trước thềm khai giảng và coi đây là kỷ niệm đặc biệt:
"Lễ khai giảng cuối cùng trong thời học sinh của chúng ta thật đặc biệt. Thầy mong rằng những cảm xúc học trò không vì hoàn cảnh mà mất đi. Các em hãy đón nhận lễ khai giảng đặc biệt này như một kỷ niệm thú vị của thời áo trắng".
-
Chủ tịch UBND TP.HCM đánh hồi trống khai giảng 'năm học lịch sử'
"Cuộc sống lúc nào cũng đặt ra những thử thách để con người vượt qua và đi tới. Thành phố của chúng ta đang đứng trước thử thách lớn kể từ ngày đất nước được hòa bình, thống nhất. Giữa muôn vàn khó khăn, chúng ta không chùn bước, không đánh mất niềm tin", ông Phan Văn Mãi nói. Ảnh: HTV9.
-
Cô giáo hát song ngữ ca khúc 'Đi học'
Hòa chung không khí khai giảng năm học mới, ca khúc "Đi học" phiên bản song ngữ Anh - Việt do cô Nguyệt Ca trình bày. Bài hát được nhóm dự án BSK - Nhạc thiếu nhi song ngữ làm mới bằng cách phối khí theo lối mộc mạc, gần gũi với trẻ em qua tiếng đàn guitar.
Khi chuyển ngữ cho bản tiếng Anh, các thành viên nhóm đã nhiều lần trao đổi, bàn bạc để vừa giữ đúng thông điệp và sát với lời gốc tiếng Việt, vừa làm cho ca từ khi hát lên bằng tiếng Anh vẫn khớp với giai điệu và truyền cảm hứng.
-
Năm thứ hai khai giảng online
Sáng 5/9, trường Phổ thông Song ngữ Liên cấp Wellspring tổ chức lễ khai giảng năm học 2021-2022 dành cho cả 3 cấp học với hình thức trực tuyến, chủ đề “Make change happen - Biến những điều chúng ta mong muốn thay đổi thành hiện thực”. Đây là năm thứ hai Wellspring tổ chức lễ khai giảng qua hình thức trực tuyến.
Nhiều học trò háo hức thức dậy từ sớm để chuẩn bị sẵn sàng, mặc đồng phục nghiêm chỉnh, ngồi trước màn hình chờ đợi tham dự buổi lễ. Thầy trò sẽ cùng dự lễ chào cờ, đọc thư của Chủ tịch nước, lắng nghe lời tâm sự của thầy, cô, chứng kiến nghi thức đánh trống và truyền lửa truyền thống của trường.
-
'Năm học của sự trưởng thành'
Thầy trò trường Xanh Tuệ Đức (Hà Nội) bước vào năm học 2021-2022 với chủ đề "Năm học của sự trưởng thành". Thầy Phạm Tuấn Đạt thay mặt ban điều hành nhà trường, bày tỏ mong muốn các bậc phụ huynh trao cho con em mình cơ hội để trưởng thành, không nên nuông chiều con thái quá.
Quyền được thất bại, quyền được sai lầm để học được bài học trưởng thành là quyền của các con. Thầy mong quý phụ huynh đừng thương các con đến mức không để con làm việc gì.
"Hãy để con được làm, tự chuẩn bị trước mỗi giờ học, giờ ăn, giờ chơi… và hãy để con tự đứng dậy từ chính nơi vấp ngã. Con muốn thử làm rau, nấu cơm hay chế biến món ăn mới cứ để làm thử. Con có thể làm hư một lần, nhưng vài lần sẽ được. Ăn một bữa cơm nhão, nếm bát canh mặn để con học bài học trưởng thành thì có đáng gì", thầy Đạt nhắn nhủ nhân ngày khai trường.
-
Học sinh vùng sạt lở Trà Leng được tặng sách, bảo hiểm trong năm học mới
Sáng 5/9, trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Leng (xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) tổ chức khai giảng. Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, địa phương tổ chức nhanh gọn phần lễ.
Ông Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Leng, cho biết năm học 2021-2022, trường có 223 học sinh các lớp. Trong năm 2020, do mưa bão và sạt lở đất, nhà trường có một nhân viên cấp dưỡng và 2 học sinh mất tích. Ngoài ra, 3 học sinh có cha mẹ mất tích, 6 em bị thương và 16 học sinh có nhà cửa bị cuốn trôi. Trong thời gian tổ chức khai giảng, trường nhận được phần quà gồm sách giáo khoa từ lớp 6-9 và 223 suất bảo hiểm tai nạn từ nhà hảo tâm.
-
508 trường học ở Nghệ An được trưng dụng làm nơi cách ly
8h ngày 5/9, lễ khai giảng năm học mới 2021-2021 được tổ chức tại trường THPT chuyên Phan Bội Châu (TP Vinh, tỉnh Nghệ An). Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, 21 huyện, thành, thị ở tỉnh Nghệ An đang giãn cách theo chỉ thị 15 và 16, lễ khai giảng được tổ chức quy mô nhỏ, đảm bảo các điều kiện giãn cách, rút ngắn còn 30 phút.
Chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp lên sóng truyền hình của Đài Phát thanh và Truyền hình Nghệ An, app NTVgo, và livestream trên fanpage truyenhinhnghean nhằm giúp hơn 850.000 học sinh và hàng chục nghìn giáo viên tỉnh nhà được tham dự lễ khai giảng.
Theo Sở GD&ĐT Nghệ An, hiện 508 trường trên địa bàn tỉnh được trưng dụng làm khu cách ly tập trung tại 20/21 huyện, thành, thị... Trong ảnh, giáo viên dựng phòng ở cho học sinh bán trú năm học mới. Ảnh: Đào Thọ.
-
Học sinh Kiên Giang xem lễ khai giảng qua truyền hình
Sáng 5/9, học sinh, giáo viên mở Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang để xem lễ khai giảng năm học mới. Chương trình ngắn gọn, súc tích, kêu gọi mong mọi người cùng cố gắng vượt qua khó khăn. Tất cả học sinh trong tỉnh Kiên Giang sẽ học từ ngày 20/9. Riêng học sinh khối 9 và 12 học online từ ngày 6-20/9. Sau ngày này, tùy tình hình dịch bệnh, Sở GD&ĐT Kiên Giang sẽ có phương án dạy và học phù hợp.
Phát biểu tại lễ khai giảng trên truyền hình, Giám đốc Sở GĐ&ĐT tỉnh Kiên Giang Trần Quang Bảo cho biết sở sẽ tìm ra những giải pháp thích hợp trong mùa dịch.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các địa phương đều thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Vì vậy, có những em học sinh không thể di chuyển về trường cũ để nhập học. Sở GD&ĐT Kiên Giang chỉ đạo các trường sẵn sàng tiếp nhận học sinh, có đánh giá, kiểm tra. Khi nào dịch kiểm được soát tốt, trở lại bình thường, các em có thể thuyên chuyển về trường cũ để tiếp tục việc học. Ảnh: Việt Tường.
-
Học sinh Thừa Thiên - Huế được đo thân nhiệt trước khi khai giảng
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Thừa Thiên - Huế chọn trường THPT chuyên Quốc học làm điểm cầu truyền hình trực tiếp khai giảng năm học 2021-2022 cho học sinh toàn tỉnh. Học sinh đến tham dự khai giảng trực tiếp được đo thân nhiệt và yêu cầu rửa tay sát khuẩn trước khi vào trường. Các em đeo khẩu trang suốt thời gian buổi lễ, ngồi giãn cách với nhau để đảm bảo an toàn.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Tân (Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế) nêu khó khăn của việc dạy học online, mong học sinh và giáo viên cố gắng để đạt được thành tích cao trong năm học mới. Tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh từ ngày 6/9, riêng các khối lớp 1, 2 và 6 sẽ dạy học qua truyền hình. Trẻ mầm non chưa đến trường cho đến khi có thông báo mới. Ảnh: Nam Anh.
-
Lễ khai giảng không văn nghệ, kéo dài 30 phút
Lễ khai giảng tập trung của học sinh khối lớp 1 ở trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, quận Hồng Bàng, Hải Phòng, bắt đầu từ 7h30. Riêng các khối khác theo dõi buổi lễ qua trực tuyến.
Do mưa lớn, ban giám hiệu nhà trường quyết định tổ chức buổi lễ tại căn phòng họp tại tầng 3. Khoảng 50 học sinh đại diện tham dự. Số còn lại, các em được tập trung tại lớp. Buổi lễ diễn ra ngắn ngọn, không văn nghệ, đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Nguyễn Dương.
-
Nhà thơ Lữ Mai viết tặng con gái ngày khai giảng
Bé ngồi yên đó
gõ cửa gió vào
bên này tường cao
bên kia cổng khóa
bàn tay xinh quá
nở ra mặt trời
bức tường ấm lại
trong bài ca vui...
Nhà thơ Lữ Mai viết vần thơ đồng dao về những em bé thời Covid-19 tặng con gái Đoàn Lữ Thụy Phương. Ảnh được chụp khi Thụy Phương tham dự khai giảng online, lần đầu tiên đón khai giảng online, nghe tiếng thầy cô, tiếng trống trường vang lên từ chiếc loa nhỏ.
-
Học sinh Hà Nội háo hức đón khai giảng online
Hai em Trần Tuấn Minh (lớp 9A8, trường THCS Khương Mai) và Trần Phương Khanh (lớp 5E, trường Tiểu học Khương Mai, Thanh Xuân) dự lễ khai giảng online. Ông Trần Tuấn, bố của hai em, chia sẻ các con háo hức từ hôm trước, chuẩn bị sẵn quần áo đồng phục, khăn quàng và dậy sớm để chuẩn bị dự khai giảng và đón chào năm học mới.
"Cháu học năm cuối cấp sẽ phải đối mặt nhiều khó khăn, áp lực. Vì vậy, tôi và bà xã luôn động viên các con cần phải chuẩn bị sẵn tinh thần tự lập để cố gắng đạt kết quả tốt nhất trong năm học này", ông Tuấn nói.
Trong khi đó, Nguyễn Phương Linh (lớp 8P4, trường THCS và THPT Marie Curie CS2) cũng dự khai giảng chung qua màn hình tivi. "Tiếng trống trường khiến em rất nhớ bạn bè và thầy cô", Linh chia sẻ. Bà Kim Dung, mẹ của Phương Linh, cho biết lần đầu dự lễ khai giảng đặc biệt này, con háo hức. Sau nhiều ngày ở nhà, nữ sinh rất vui khi được gặp thầy cô, bạn bè dù chỉ qua màn hình. Ảnh: Trần Tuấn - Đức Anh.
-
Học sinh lớp 1 mặc đồng phục tự chế cho ngày khai giảng
Do bước vào lớp 1 vào thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bố mẹ Nguyễn Phương Nhi (lớp 1CI9, trường Tiểu học, THCS & THPT Nguyễn Siêu, Hà Nội) chưa thể sắm đồng phục cho con. Dù vậy, trong ngày khai giảng, Phương Nhi vẫn vui vẻ mặc đồng phục tự chế, theo dõi ngày bắt đầu năm học mới qua màn hình.
Sáng 5/9, “cổng trường trực tuyến” mở ra, chào đón hơn 260 thành viên nhỏ tuổi nhất đến với đại gia đình Nguyễn Siêu. Tất cả học sinh cùng lắng nghe phút truyền thống, tiếng trống trường và chia sẻ niềm tự hào về khóa học sinh vừa đỗ tú tài và tốt nghiệp Cambridge A-Level.
-
Thầy trò trường Marie Curie mặc niệm bệnh nhân tử vong vì Covid-19
Lễ khai giảng của trường Marie Curie Hà Nội dành 1 phút mặc niệm cho những bệnh nhân tử vong vì dịch Covid-19. Trên màn hình tivi hiển thị hình ảnh của lực lượng y bác sỹ, bộ đội, công an… tại tuyến đầu chống dịch. Ảnh: Thạch Thảo.
-
Tặng máy tính cho học sinh khó khăn
Sáng 5/9, ngay sau lễ khai giảng của thành phố Hà Nội, trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình, đã trao tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn của huyện Ba Vì 10 bộ máy tính đã qua sử dụng nhưng còn hoạt động tốt nhằm giúp không học sinh nào bị bỏ lại phía sau.
Trong thời gian tới, Phòng GD&ĐT quận Ba Đình tiếp tục vận động các trường học trên địa bàn quận kêu gọi cá nhân, tập thể ủng hộ cho các thầy cô giáo, các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thủ đô và cả nước để có đủ những điều kiện tối thiểu thực hiện tốt việc dạy học trực tuyến.