Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Học sinh Hong Kong: Bạn chẳng là gì nếu không đỗ đại học

71 vụ học sinh tự tử trong giai đoạn 2013-2016 tại Hong Kong, Trung Quốc đã dấy lên lo ngại về tình trạng căng thẳng trong học đường.

"Mọi người có thể dừng lại và lắng nghe chúng tôi nói? Liệu bài kiểm tra có quan trọng hơn cuộc sống của chúng ta hay không?".

Đó là một phần của lời kêu gọi từ Love Ours Kids (LOK), nhóm phi lợi nhuận trong lĩnh vực phòng chống hành động tự tử ở thiếu niên. Nhóm này đang giúp tháo gỡ vấn đề áp lực ngày càng tăng của hệ thống giáo dục Hong Kong sau 7 vụ tự tử hồi tháng trước.

LOK do Annie Cheung Yim Shuen và Rachel Tong Chung Yee đồng sáng lập vào cuối tháng 4/2016. Con của hai bà mẹ đều gặp khó khăn với hệ thống trường học trong thành phố, nơi bị chỉ trích vì gây ra căng thẳng quá độ cho học sinh.

Theo SCMP, nhóm này có khoảng từ 20 đến 30 thành viên, bao gồm phụ huynh, giáo viên, nhân viên xã hội và các nhà tâm lý. Họ thường tổ chức chương trình tại các trường tiểu học và trung học cơ sở để giúp học sinh thể hiện bản thân và giải tỏa căng thẳng học tập, dù chỉ trong vài giờ.

Tới nay, nhóm được mời tới 5 trường để dạy các chương trình thích hợp với các hoạt động như làm gốm, liệu pháp nghệ thuật diễn cảm, nhảy, viết và trò chuyện. “Đối với trẻ em, ngay lúc đó, tâm trí của chúng bình yên”, Cheung nói.

Các học sinh thường yêu cầu những người cố vấn chương trình không rời đi và tại một trường trung học cơ sở, một số em rơi nước mắt.

khong do dai hoc anh 1
Hai nhà đồng sáng lập Love Our Kids Annie Cheung (trái) và Rachel Tong. Ảnh: Xiaomei Chen.

“Nhiều em đã khóc. Mỗi lần đến trường, tôi có thể cảm nhận nỗi buồn của các em. Ngay cả hiện tại, khi nói về điều đó, tôi vẫn có thể cảm thấy áp lực mà chúng phải chịu”, Cheung chia sẻ.

Áp lực vì thành tích

Trong một cuộc họp của Hội đồng Lập pháp về những vụ học sinh tự tử, Chan Yu Ling, con gái 9 tuổi của Cheung, miêu tả trường học của em như nhà tù, nơi em cùng các bạn có thể khóc khi nhận kết quả kiểm tra.

“Con không có thời gian để ngủ. Con rất sợ những kỳ thi và bài kiểm tra”, em nói.

Nhưng sau khi Cheung chuyển con gái đến Học viện Anh ngữ, cô bé đã hạnh phúc hơn nhiều và không còn cảm thấy buồn nôn mỗi khi kỳ kiểm tra tới.

Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp, Wong Long Fun, con trai 9 tuổi của Tong, hỏi Bộ trưởng Giáo dục Eddie Ng Hak Kim: “Ông có biết chúng cháu đang trải qua một thời gian khó khăn? Liệu hệ thống giáo dục có thể thay đổi?”.

“Đây là một vấn đề lớn đối với tất cả trẻ em, không riêng con trai tôi”, Tong cho hay.

Theo Connie Liu Kar Wai, Giám đốc LOK kiêm giảng viên cấp cao tại Đại học Quản lý Hang Seng, hệ thống giáo dục của Hong Kong chú trọng thành tích.

Liu cho biết một số sinh viên của bà được giáo viên dạy rằng họ chẳng là gì nếu họ không học đại học. Khi cô nói họ hãy tin vào bản thân, vài người bắt đầu khóc.

“Đây là hệ thống giáo dục mà chúng ta đang có và nó đang trở nên tồi tệ hơn, không phải tốt hơn”, Liu nhận định.

Giấc mơ Harvard và hàng loạt sinh viên tự tử vì áp lực

Dưới áp lực học tập cùng sự cạnh tranh khốc liệt tại những trường hàng đầu thế giới như Đại học Harvard, nhiều sinh viên tự tử vì căng thẳng và không chịu nổi thất bại.

Tại sao thanh niên chết trẻ?

Tự tử là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của thanh niên tại Hong Kong và là vấn đề phức tạp do xuất phát từ nhiều yếu tố.

Paul Yip Siu Fai, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phòng chống Tự tử tại Đại học Hong Kong, cho rằng nhiều học sinh đổ lỗi cho hệ thống trường học của thành phố tham thành tích.

“Để giảm tỷ lệ tự tử, chúng ta cần xem xét tình hình một cách toàn diện. Học sinh không chết vì một nguyên nhân”, vị giám đốc nói.

Một ủy ban do chính phủ thành lập vào năm ngoái để giải quyết 71 vụ tự tử của học sinh trong giai đoạn 2013-2016. Họ phát hiện khoảng 80% học sinh tự tử gặp vấn đề trong mối quan hệ với gia đình hoặc bạn bè.

Cũng theo Paul Yip Siu Fai, các trường cần thực hiện hệ thống cảnh báo sớm để mọi người có thể cảnh giác với những dấu hiệu của tình trạng căng thẳng hoặc áp lực ở học sinh, chẳng hạn viết những thông điệp tiêu cực trên mạng xã hội hay giảm sự hứng thú trong trường học.

Bên cạnh đó, các trường cũng nên định hướng và đào tạo nghề cho những người có thể không đỗ đại học.

'Tôi sẽ khuyên con bớt học đi và chơi nhiều hơn'

"Thay bằng việc mải miết học tập, con chúng ta phải biết đàn hát, nấu ăn, chơi thể thao và giải quyết xung đột. Cha mẹ hãy để trẻ bớt học đi, chơi nhiều hơn", một phụ huynh viết.

Kim Ngân

Bạn có thể quan tâm