77 học sinh lớp 7 của trường THCS Chủng viện Bunda Segala Bangsa ở thành phố Maumere (Indonesia) đã bị hai học sinh lớp 12 "trừng phạt" và buộc phải ăn phân người, theo Asia One.
Một trong số những nạn nhân cho biết sự việc xảy ra sau khi những học sinh quay trở về khu ký túc xá để nghỉ trưa.
Khi về đến ký túc xá, các học sinh lớp 12 tìm thấy một túi phân người được đặt bên trong chiếc tủ vốn luôn bị bỏ trống. Chúng liền tập hợp tất cả học sinh nhỏ tuổi hơn và hỏi xem ai là người cho túi đó vào tủ.
Ban giám hiệu nhà trường và các phụ huynh nạn nhân tại hội trường Chủng viện. Ảnh: Kompas. |
Do không ai nhận trách nhiệm, các học sinh lớp 12 này lấy thìa và xúc phân đút vào miệng 77 các em nhỏ tuổi hơn. Sau đó, chúng đe dọa những nạn nhân không được tố cáo sự việc với gia đình hay nhà trường.
“Thật là kinh tởm, nhưng chúng em không thể chống trả lại”, một học sinh chia sẻ.
Tuy nhiên, một nạn nhân liền chạy về nhà và báo với gia đình. Ngay lập tức, phụ huynh đã báo cáo lên nhóm cha mẹ học sinh của trường và yêu cầu xử lý thích đáng.
Maria Flora, mẹ của một học sinh lớp 7, cảm thấy vô cùng thất vọng trước hành vi vô nhân tính này. Cô yêu cầu những học sinh liên quan đến vụ bạo lực học đường man rợ phải bị trừng phạt vì hành động của chúng.
“Chẳng có quốc gia nào trên thế giới chấp nhận vụ việc trên. Chắc hẳn những học sinh năm cuối đó thực sự có vấn đề rồi”, cô nói.
Quang cảnh buổi họp giữa nhà trường và phụ huynh. Ảnh: Inakoran. |
Hetty Hendriyani, một phụ huynh khác, cũng bày tỏ sự tức giận của mình: “Chúng tôi gửi con cái tới trường để được giáo dục thành một người tốt, chứ không phải để bị đối xử thậm tệ như thế này. Đây là một điều đáng thất vọng”.
Được biết, Chủng viện Bunda Segala Bangsa đã tổ chức một buổi họp với các bậc cha mẹ học sinh để giải quyết vấn đề đáng tiếc này. Nhà trường đi đến quyết định đuổi học hai học sinh là thủ phạm gây ra vụ việc.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết bạo lực học đường là một trong những vấn đề của toàn cầu.
Theo số liệu của UNESCO vào năm 2017, tỉ lệ trẻ em và vị thành niên là nạn nhân của bạo lực học đường hàng năm lên đến 246 triệu người trên toàn thế giới.
Số liệu của Plan International và Trung tâm nghiên cứu quốc tế về phụ nữ (ICRW) chỉ ra Indonesia là quốc gia có số học sinh hứng chịu nạn bạo lực cao nhất với 84%.