Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Học sinh khóc ròng trong buổi kỹ năng sống, giáo dục hay thao túng?

Nhiều chuyên gia cho rằng cần quan tâm đến giáo dục thực chất hơn là việc lấy nước mắt học trò qua việc thao túng cảm xúc nhất thời trong những buổi diễn thuyết về kỹ năng sống.

Học sinh khóc trong buổi tư vấn tâm lý. Ảnh: Thanh Hùng.

Những năm gần đây, một số trường tổ chức hoặc liên kết tổ chức các buổi học kỹ năng sống do diễn giả diễn thuyết và khiến không ít học trò rơi nước mắt. Song vấn đề đặt ra liệu đó có phải cách giáo dục thực chất hay chỉ thao túng cảm xúc nhất thời, trong phút chốc.

Những buổi diễn thuyết của các diễn giả thường nói về ước mơ, khát vọng, sự hiếu thảo, câu chuyện cuộc đời và những vấn đề học sinh đang bế tắc trong xã hội hiện đại.

Sau khi nghe diễn giả chia sẻ, nhiều học sinh đã không kiềm chế được cảm xúc và bật khóc.

Hiệu trưởng một trường THCS ở Nghệ An cho rằng nên hạn chế những màn thao túng tâm lý học sinh kiểu này. Thông thường, những hoạt động này vào các trường học thông qua việc trường tổ chức một buổi ngoại khóa, có thu tiền học sinh để chi trả cho bên làm chương trình.

“Có trường tự mời diễn giả, có trường thì các trung tâm kỹ năng sống, diễn giả chủ động kết nối. Khi làm một chương trình như vậy, họ xây dựng một kịch bản có tính chất thao túng tâm lý để dẫn dắt học sinh đến cảm xúc nhất thời và rồi dẫn đến việc các em như bị thôi miên, 'lên đồng' tập thể và khóc. Thậm chí còn khóc theo tâm lý đám đông, trong không gian dễ bị tác động cảm xúc.

Song điều đáng nói là sau mỗi chương trình như vậy gần như không mang lại hiệu quả giáo dục đáng kể. Một số lãnh đạo, giáo viên lại coi tiêu chí lấy nước mắt học trò để đo sự thành công của chương trình. Đó là một sai lầm về cách giáo dục”.

Trong khi, theo vị này, để giáo dục lòng hiếu thảo, nhân ái của học sinh là cả một quá trình; trong đó có sự kết hợp từ các bài học trong nhà trường và những tấm gương phản chiếu ở gia đình và xã hội.

“Thậm chí, có người cho rằng nhà trường lâu nay không tổ chức những chương trình như vậy là không hoặc chưa quan tâm đến việc giáo dục lòng hiếu thảo, nhân văn cho học sinh,… Nhưng thực chất điều đó hoàn toàn không phải là giáo dục kỹ năng sống”, vị hiệu trưởng bày tỏ.

PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng mục tiêu của giáo dục không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức, làm thay đổi nhận thức của người học; mà sâu hơn là phải giáo dục được thái độ và thay đổi được thói quen hành vi của người học để hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ.

“Nhưng giáo dục để thay đổi thái độ khác với việc thao túng, 'tấn công' cảm xúc. Sự thành công của một bài học đạo đức không thể đo bằng số lượng nước mắt của người học. Cũng giống như việc chúng ta không thể khẳng định rằng những học sinh mắc lỗi đã thực sự rút ra bài học sâu sắc căn cứ vào thái độ hay sự thể hiện đau khổ, dằn vặt và tự trừng phạt bản thân của họ. Trên thực tế, nhiều người rất giỏi thể hiện sự ăn năn, hối lỗi, xin lỗi rất chân thành trên mạng xã hội nhưng trong cuộc sống thực vẫn 'chứng nào - tật ấy'”, ông Nam nói.

Ông Nam cho rằng ngay cả khi muốn giáo dục thái độ và cảm xúc của người trẻ, nhà giáo dục cũng hướng đến khơi gợi những cảm xúc tích cực như tự hào, trân trọng qua những câu chuyện thay vì gợi lên các cảm xúc tiêu cực như xấu hổ, tội lỗi ở học sinh.

“Vì những cảm xúc buồn bã, xấu hổ, tội lỗi này sẽ chỉ làm cho các em thấy các buổi học trở nên mệt mỏi, sợ hãi và mất năng lượng. Vì vậy, nếu những giọt nước mắt sau hoạt động giáo dục như thế này là những giọt nước mắt hạnh phúc và tự hào, tôi rất khuyến khích. Nhưng nếu những giọt nước mắt này chỉ đơn giản gợi lên cảm giác xấu hổ, mặc cảm, tội lỗi và không xứng đáng với những hy sinh của người khác thì không đúng tinh thần và không đạt mục tiêu của nền giáo dục nhân văn”, ông Nam nói.

Theo ông Nam, những người tổ chức hoạt động giáo dục cần đánh giá được mục tiêu giáo dục của từng bài học có đạt không; hành vi của học sinh sau mỗi bài học có thay đổi và được duy trì bền vững hay không chứ không phải đo đếm bằng sự xúc động nhất thời.

“Các bậc phụ huynh cũng đừng đánh giá chất lượng hoạt động giáo dục mà con em mình tham gia thông qua sự hối hận, ăn năn, cảm thấy tội lỗi và không xứng đáng. Đừng đánh giá người dạy tốt hay không thông qua số lượng học sinh rơi nước mắt mà không quan tâm đến sự thay đổi hành vi bền vững sau bài học. Nếu không, đó chỉ là một kỹ thuật thao túng tâm lý người khác của một người thợ học việc chứ chưa đạt đến trình độ một nhà giáo dục đang tổ chức một hoạt động giáo dục”, ông Nam chia sẻ.

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.

Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.

TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.

8 mẹo dạy con có trách nhiệm từ bé

Dạy trẻ về trách nhiệm từ sớm sẽ giúp con tự lập, tự tin và thành công trong cuộc sống. Việc này nên bắt đầu từ khi trẻ lên 3 tuổi để hình thành thói quen tốt và phát triển kỹ năng lâu dài.

https://vietnamnet.vn/hoc-sinh-khoc-rong-trong-nhung-buoi-ky-nang-song-giao-duc-hay-thao-tung-cam-xuc-2358532.html

Thanh Hùng / Vietnamnet

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm