Ảnh minh họa. |
Cô Hoàng Thanh Ngân: 5 lưu ý với môn Toán
Đề thi minh họa môn Toán của Bộ GD&ĐT thể hiện rõ các mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao thông qua 10 câu hỏi với 12 ý và phổ điểm hợp lý. Từ đó, hướng giáo viên và học sinh thấy rõ cấu trúc chương trình ôn tập.
Song, để đạt được cả hai mục tiêu đỗ tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học, cao đẳng, có một số vấn đề cần lưu ý sau:
Trong quá trình ôn tập, giáo viên cần rèn luyện học sinh các kĩ năng viết bài sao cho rõ ràng chính xác, logic, tránh mất điểm, do quy định chấm thi sai từ đâu bỏ từ đó.
Hệ thống hóa được kiến thức nhằm đáp ứng được lượng kiến thức trong đề thi rất rộng và không quen thuộc
Tích cực trong việc đánh giá giữa thầy với trò, trò với trò và tự đánh giá, qua đó rèn cho học sinh khả năng phát hiện lỗi sai từ bài viết của mình, của bạn, từ đó rút kinh nghiệm cho bản thân nhằm hoàn thiện kĩ năng kiểm tra lại bài sau khi làm bài thi
Học sinh cần chú ý rèn luyện kĩ năng làm bài trong các lần thi thử. Cụ thể, đọc toàn bộ đề, đọc kĩ và hiểu đúng yêu cầu của các câu hỏi; đánh số thứ tự các câu hỏi từ dễ đến khó theo khả năng của mình nhằm tiết kiệm thời gian.
Cuối cùng, kiểm tra bài sau khi làm được 50% đề thi, tiếp tục làm và kiểm tra sau khi làm được thêm 20% câu hỏi nữa. Hoàn thiện bài thi trong khả năng của mình và kiểm tra lại toàn bộ bài thi, nộp bài khi hết giờ, không nộp trước tránh những sai sót có thể phát hiện ra sau khi nộp bài.
Cô Mai Đức Hạnh: Chỉ cần nắm kiến thức cơ bản môn Hóa học
Đề minh họa môn Hóa học của Bộ GD&ĐT gồm 50 câu, đều nằm trong chương trình phổ thông; trong đó có khoảng 50% câu lí thuyết và 50 bài tập.
Khoảng 40% câu lý thuyết dễ, ở mức độ nhận biết, học sinh lực học trung bình có thể làm được. Các câu này tương tự đề thi tốt nghiệp THPT những năm trước đây.
Có 40% là câu bài tập khó, đòi hỏi tính toán mất thời gian và vận dụng sâu nhiều kiến thức tổng hợp. Những câu này tương tự câu khó của đề thi đại học trước đây, phải học sinh khá giỏi mới có thể làm được.
Khoảng 20% còn lại là các câu yêu cầu học sinh hiểu và vận dụng lí thuyết tốt, cũng như có kiến thức vận dụng vào cuộc sống hàng ngày.
Tôi đặc biệt đánh giá cao các câu mang tính ứng dụng cao, như: Câu 11, câu 27, câu 34, câu 35. Những câu hỏi này giúp học sinh thêm yêu môn Hóa và thấy được vai trò, vị trí của môn này trong thực tiễn đời sống.
Có thể nói, đề thi minh họa đã đảm bảo tính vừa sức cho học sinh chỉ thi tốt nghiệp, đồng thời cũng phân loại, chọn lọc được thí sinh giúp tuyển sinh vào đại học.
Với đề thi dạng, học sinh chỉ thi để xét tuyển tốt nghiệp chỉ cần học kĩ các kiến thức căn bản và làm bài tập trong SGK, chủ yếu là lớp 12 và một số chương lớp 10 và 11 là có thể đạt được từ 5 đến 7 điểm.
Với học sinh có đăng kí xét tuyển ĐH, ngoài nắm chắc kiến thức căn bản, phải trang bị cho mình các phương pháp giải nhanh toán hóa học. Mặt khác, phải luyện các kĩ thuật, kĩ năng để giải bài toán trong các đề thi tuyển sinh ĐH những năm trước, vì các câu khó đều có dạng bài tương tự như các năm thi trước.
Cô Nguyễn Minh Thảo: Các phần giảm tải không còn xuất hiện trong đề thi Vật lý
Cấu trúc đề thi minh họa môn Vật lý của Bộ GD&ĐT vẫn giữ nguyên như đề thi đại học năm 2014. Đề gồm 50 câu, nội dung kiến thức chủ yếu thuộc chương trình Vật lí 12 cơ bản. Các phần đã giảm tải không còn xuất hiện trong đề thi. Ngoài ra, đề còn có 1 câu liên quan đến thí nghiệm vật lí và một số câu liên quan đến thực tế.
Trong đề có khoảng 50% câu hỏi dễ, có thể hoàn thành nhanh chóng; 20% là câu hỏi yêu cầu một số biến đổi, suy luận ngắn gọn và 30% câu hỏi khó. Đặc biệt, khoảng 5 câu lạ và rất khó dành cho học sinh giỏi có đầu óc phân tích và phán đoán để có thể đạt điểm tối đa.
Với dạng đề thi minh họa này, học sinh cần học chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, cả lí thuyết và bài tập; xem lại kĩ năng và kiến thức các bài thực hành Vật lí. Học phải hiểu bản chất sâu sắc, kết hợp với với thuộc công thức tính nhanh;
Thí sinh cần học, ôn tập thường xuyên để không làm ngắt quãng cảm hứng học tập và tránh cảm giác chán môn học. Nên luyện đề tổng hợp các chương sớm để tránh hiện tượng học chương này thì quên chương khác.
Mỗi học sinh nên có một tờ tóm tắt kiến thức, dán trước bàn học để dễ dàng tra cứu khi làm bài tập; một quyển sổ để ghi lại các kiến thức mới đối hoặc những kiến thức mình hay quên.
Ngoài viên nên tham gia những buổi thi thử để làm quen với áp lực thời gian và môi trường thi thật, trong khi thi, nhớ tránh các câu hỏi khó, để làm sau cùng. Đọc đề lần lượt, câu nào định hình cách làm thì làm ngay; đồng thời, kết hợp các kĩ năng loại trừ, phán đoán tìm kết quả các câu khó.