Nguyễn Thu Thảo đang học lớp 9 một trường THCS tư thục tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Thu Thảo cho biết em phải học trên truyền hình, làm đề trên hệ thống của sở GD&ĐT và học online theo chương trình của trường.
Nữ sinh tâm sự em phải học 9 môn, buổi sáng từ 7h30-11h30, chiều từ 1h đến 5h. Một ngày, em chỉ có thời gian buổi trưa để ăn uống, nghỉ ngơi. Buổi tối, Thảo ăn vội để làm bài tập.
Thảo nói thường phải thức đến hơn 0h để làm xong bài tập. Học online giai đoạn này khiến em mệt hơn rất nhiều so với trên lớp.
Ngoài học, không còn thời gian làm gì khác
Trong thư gửi cô giáo, Nguyễn Thu Thảo viết mới đầu, khi học online, em rất hứng thú. Tuy nhiên, nhiều môn học online, nhiều bài tập khiến “thời gian còn lại của một ngày chỉ đủ ăn, ngủ, tập thể dục, không làm được gì thêm nữa”.
Cô giáo chia sẻ tâm sự của học sinh về áp lực học online. |
Thu Thảo bày tỏ việc học với em ngày càng áp lực. Em luôn nghĩ về số bài tập đang chờ và có cảm giác không muốn làm gì thêm trong những ngày nghỉ hiếm hoi.
Vì đang là học sinh lớp 9, phải chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, nhà trường và gia đình đặt quá nhiều kỳ vọng vào em.
“Con hiểu rằng thầy cô dạy cũng vì muốn con đạt nguyện vọng vào trường tốt. Nhưng việc học chỉ hiệu quả nếu con có tâm trạng thoải mái, thêm thời gian làm bài tập, được thư giãn" - trích thư của Thảo gửi cô giáo.
Nữ sinh bày tỏ mong muốn có thêm thời gian để làm nhiều việc khác như nấu ăn, làm bánh, chơi thể thao. Đây cũng là thời gian em cần dành cho gia đình và thỏa sức với các đam mê riêng.
"Con mong muốn sẽ được tạo điều kiện để học, thư giãn và rèn luyện kỹ năng mềm" - Thu Thảo gửi lời nhắn nhủ đến cô giáo của mình.
Nên giảm số môn học online
Sau khi đọc những dòng tâm sự của trò gửi cho mình, cô Kim Anh (giáo viên lớp 9), bày tỏ: “Tôi xót xa và biết mình nên làm gì. Tôi sẽ cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ các con nhiều hơn. Khi giảng dạy, tôi sẽ hướng dẫn tỉ mỉ hơn không chỉ trong kiến thức khoa học, mà cả thường thức cuộc sống”.
Là giáo viên dạy Toán của Thu Thảo, cô giáo Nguyên Ngọc cũng mong muốn truyền đạt kiến thức tốt nhất để học sinh không "hổng" trong thời gian nghỉ vì dịch. Nhưng, giáo viên có lẽ thương chưa đúng cách. Không phải học sinh nào cũng dám nói ra thẳng thắn như vậy.
Lý giải vì sao học sinh áp lực việc học online, cô Nguyên Ngọc phân tích có nhiều nguyên nhân như: Thay đổi hình thức học, thiếu tiếp xúc với môi trường bên ngoài, tâm sinh lý thay đổi, sinh hoạt xáo trộn…
Nữ giáo viên nêu quan điểm việc học online rất cần thiết trong giai đoạn này, đặc biệt với học sinh lớp 9, 12. Học sinh lớp 9 mỗi tuần có 6 buổi học trên truyền hình, chính khóa, ngoài ra còn học gia sư, học thêm…
“Giáo viên dạy lớp 9 cũng có nhiều áp lực, lo lắng chất lượng, áp lực thi cử. Hiện tại, Sở GD&ĐT Hà Nội chưa có quyết định giảm tải môn thi, cũng như thông tin về độ khó, dễ của đề thi. Học sinh không học đầy đủ, sẽ không thể đỗ vào trường cấp ba như mong muốn”, giáo viên này giải thích.
Cô Ngọc đề xuất nên giảm số lượng môn học online. Ví dụ môn Lịch sử, Công nghệ hay Giáo dục Công dân không nhất thiết dạy online.
Thay vào đó, các thầy cô có thể truyền đạt kiến thức bằng nhiều cách khác như: Giao đề, yêu cầu viết bài thu hoạch về nội dung bài học hoặc trình bày ý kiến, quan điểm về một vấn đề thực tế, sưu tầm các câu chuyện nhân văn...