Tháng 7 năm ngoái, một nữ sinh Nghệ An rơi vào tình trạng mệt mỏi, tâm trạng thất thường, thậm chí chán sống. Người em gầy rộc, mắt thâm quầng, thường nhốt mình trong phòng, không chịu ăn uống.
Những biểu hiện bất thường đó khiến gia đình lo lắng, vội đưa em đến khám. Kết quả cho thấy em mắc chứng trầm cảm, phải nhập viện điều trị tại Khoa Tâm thần, Bệnh viện 103.
Nữ sinh dừng bước trước kỳ thi THPT quốc gia, sau quãng thời gian dài ôn thi căng thẳng. Trên thực tế, em không phải trường hợp duy nhất rối loạn tâm thần vì áp lực học tập, thi cử.
Rối loạn tâm thần vì học
Nghiên cứu do Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam công bố cho thấy áp lực học tập là một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ em và trẻ vị thành niên ở nước ta gặp các rối loạn về sức khỏe tâm thần.
Học sinh nước ta đang chịu áp lực học tập, thi cử quá lớn. |
Nghiên cứu cũng chỉ ra hiện tượng trẻ bị trầm cảm, lo âu, rối loạn cảm xúc vì học tập có chiều hướng tăng.
Hàng ngày, chỉ mới hơn 6h sáng, đường phố còn thưa người, nhiều học sinh đã phải chờ sẵn để đón xe buýt đến trường. Các em phải luyện cho mình cách bắt kịp ngày học mới từ khi bắt đầu đi học.
Với học sinh, mọi thứ đều phải tranh thủ để có thời gian dành cho lịch học dày đặc, không chỉ ở trường mà còn học thêm ở trung tâm, nhà giáo viên hay học với gia sư. Một học sinh tiểu học chia sẻ hàng tuần, ngoài đến lớp, em còn học hai buổi tại nhà và hai buổi tiếng Anh bên ngoài, chỉ được nghỉ ngơi vào thứ bảy.
Trong khi đó, đối với học sinh cuối cấp, việc học còn mệt mỏi hơn nhiều. Các em thường xuyên cảm thấy lo âu, căng thẳng. Tại tổng đài tư vấn và hỗ trợ trẻ em, nhiều cuộc gọi tới của các em đều chia sẻ nỗi sợ hãi vì học tập.
Tâm thần do áp lực ngày càng phổ biến ở lứa tuổi học sinh . |
“Thời gian các con học nhiều hơn bố mẹ đi làm. Bố mẹ làm việc 8 tiếng, con cũng như thế nhưng buổi tối còn phải học, nhiều hôm đến 11h đêm vẫn chưa xong bài. Bố mẹ được nghỉ thứ bảy, chủ nhật, con vẫn phải đi học thêm”, tư vấn viên Phan Lan Hương nói.
Áp lực này một phần do kỳ vọng quá lớn từ phụ huynh. Họ ép con học vì tương lai mà nhiều khi quên mất cần dạy con cách học như thế nào, bao nhiêu là đủ và học thứ con thực sự đam mê.
Trong phóng sự do VTV thực hiện tại một trường điểm ở Hà Nội, các em không có đủ không gian để vui chơi vào giờ giải lao đồng thời thiếu các tiết thực hành trong chương trình học.
Học sinh phải làm quá nhiều bài tập. Nhưng áp lực lớn nhất đến từ việc phải học những môn mình không thích, đạt thành tích tốt cho bằng bạn bằng bè hay thậm chí bị yêu cầu vượt trội hơn bạn khác.
Đừng đẩy con vào bệnh viện vì kỳ vọng quá lớn
Phụ huynh đặt kỳ vọng cao hơn thực lực của con khiến các em phải nỗ lực nhiều để đạt kỳ vọng đó. Khi việc học không phù hợp với khả năng của trẻ, sinh bệnh là điều khó tránh khỏi.
Lúc này, thay vì là cánh cửa dẫn học sinh đến tương lai, học tập trở thành yếu tố đẩy các em vào bệnh viện với những bất ổn về sức khỏe tâm thần. Thậm chí một số em vẫn phải học tập dù đang trong quá trình điều trị trầm cảm tại bệnh viện. Việc học trở thành nỗi ám ảnh thường trực.
Học tập đẩy học sinh vào bệnh viện vì bất ổn trong sức khỏe tâm thần. |
Ở tuổi vị thành niên, các em có sự biến đổi mạnh về sinh lý, kéo theo biến đổi về tâm lý. Môi trường học tập với những thử thách vừa phải trong cuộc sống sẽ giúp các em trưởng thành. Nhưng khi nó là gánh nặng, gây hại cho sức khỏe của các em, hậu quả sẽ rất khó lường.
Trước tình trạng nhiều phụ huynh vô tình đẩy con vào nguy cơ từ các căn bệnh tâm thần, PGS Nguyễn Văn Dũng, Phó viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, khuyên người làm cha mẹ hiểu hơn về sinh lý của con, lấy sức khỏe của con là chính.
Ngoài việc chăm sóc con cẩn thận hàng ngày, phụ huynh nên đưa con đến khám với các bác sĩ chuyên khoa, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Cha mẹ cũng cần đóng vai trò bác sỹ của con bằng cách tạo cho con môi trường học tập thoải mái. Việc dạy con học bằng một thái độ tích cực rất quan trọng.
Đặc biệt, trước mỗi kỳ thi, phụ huynh nên dành thời gian trao đổi để con hiểu kết quả không quan trọng bằng việc con đã cố gắng như thế nào, đồng thời tránh gây áp lực đỗ-trượt, điểm thi lên con.