Những con số nói về mong muốn của học sinh là điều đáng chú ý trong tọa đàm giáo dục "Hành động vì hạnh phúc học sinh" do ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức chiều 14/12. Nó thể hiện mong đợi của học sinh trong quá trình giáo dục và tự giáo dục khi các sự việc đau lòng liên tiếp xảy ra thời gian qua.
PGS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm TP.HCM, dẫn điều tra của ông cùng cộng sự thực hiện với 181 học sinh khối 6, 7, 8 ở Sài Gòn, cho thấy những điều các em mong muốn ở thầy cô, nhà trường để "mỗi ngày đến lớp là một ngày vui".
Theo kết quả trên, 92,8% số học sinh tham gia khảo sát mong thầy cô cười nhiều hơn. 84% học sinh mong giáo viên nhẹ nhàng hướng dẫn khi các em làm sai. 82,4% mong thầy cô đừng phê bình học sinh trước mặt bạn bè, người lớn.
"Những con số trên khiến tôi tự hỏi có phải vẫn còn những tiết học giáo viên chủ nhiệm nặng nề và áp lực buổi chào cờ đầu tuần căng thẳng", thầy Sơn nói.
PGS Huỳnh Văn Sơn công bố kết quả điều tra về những điều học sinh mong muốn ở thầy cô. Ảnh: PN. |
Ngoài ra, 74% học sinh mong người dạy đừng nhắc đi nhắc lại môn học của mình rất quan trọng (thầy cô nào cũng nói môn mình quan trọng). 82,4% mong được tổ chức học tập xen kẽ vui chơi, thảo luận. 75,4% không muốn học thuộc lòng nhiều quá. 70,2% muốn hãy thưởng điểm, động viên nhiều hơn thay vì trách phạt, thưởng không phải thành thích học tập mà vì việc đến trường của các em.
66,3% những em được hỏi mong bớt bài tập về nhà. 62,4% muốn tăng cường thực tế, khám phá thực tiễn; 60% muốn thầy cô chấp nhận suy nghĩ, hành vi của các em dù điều đó chưa được như mong đợi.
Chia sẻ suy nghĩ về kết quả trên, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM), cho rằng những con số và mong muốn của các em học sinh hoàn toàn hợp lý.
Lấy ví dụ về những hoạt động của trường mình, thầy Phú nói để học sinh thấy vui khi đến trường, mỗi thầy cô cần hành động, đặt mình vào vị trí của các em để lắng nghe, thấu hiếu, thay vì tổ chức những hoạt động mang tính chất hình thức, giả tạo để báo cáo.
Thầy Phú chia sẻ ông đồng ý cho học sinh mang điện thoại đến trường và nữ sinh được trang điểm nhẹ. Ảnh: PN. |
Giáo viên hãy cố gắng thực hiện những nguyện vọng của các em dù chỉ là điều nhỏ nếu nó chính đáng. Sự thấu hiểu và chấp nhận của thầy cô sẽ khiến các em cảm thấy được tôn trọng và hạnh phúc.
"Học sinh đề xuất được sử dụng điện thoại ở trường, tôi cho các em sử dụng, thậm chí còn đầu tư phủ sóng Wi-Fi toàn trường. Trong giờ, các em dùng nó cho việc học, theo yêu cầu của giáo viên. Ra chơi, các em được sử dụng tự do, tùy thích. Tôi đồng ý cho học sinh nữ trang điểm nhẹ khi đến trường. Tại sao cấm các em, khi chính thầy cô thấy vui vẻ khi nhìn những gương mặt xinh xắn, vui tươi?", thầy Phú kể.