Sáng nay, 21/8, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Thái Nguyên Phạm Hồng Quang, Hiệu trưởng THCS&THPT Nguyễn Tất Thành Nguyễn Thị Thu Anh tham gia chương trình tọa đàm về đổi mới giáo dục.
Nội dung cuộc đối thoại xoay quanh các vấn đề liên quan đổi mới giáo dục phổ thông sắp tới: Vấn đề dạy và học, đào tạo giáo viên...
Các vị khách mời tham gia tọa đàm đổi mới giáo dục. Ảnh: Lê Phan. |
Ông Nguyễn Vinh Hiển cho biết, theo quy định của Luật giáo dục, chương trình giáo dục phổ thông có chương trình phổ thông tổng thể và các môn học.
Chương trình tổng thể là quy định chung nhất về môn học, định hướng nội dung, phương pháp..., là căn cứ để xây dựng chương trình các môn học cụ thể.
Mục tiêu của chương trình mới là giáo dục hình thành năng lực của người lao động mới, tự học, vận dụng kiến thức vào thực tiễn một cách hiệu quả.
Theo ông Phạm Hồng Quang, chương trình tổng thể đã có đầy đủ cơ sở khoa học giáo dục, tiếp cận xu hướng tiến bộ của thế giới, phát huy được ưu điểm của chương trình hiện hành.
Bên cạnh đó, bà Thu Anh cho rằng, chương trình mới đã kế thừa được ưu điểm và khắc phục hạn chế của chương trình hiện hành. Điểm nổi bật nhất là phát triển năng lực của học sinh. Vì thế sắp tới, các trường phổ thông phải thay đổi rất nhiều để phù hợp và thực hiện đúng.
Học sinh không thờ ơ với môn Lịch sử
Khi Bộ GD&ĐT ban hành chương trình tổng thể, dư luận lo lắng việc phân hóa ở bậc THPT cho phép học sinh được tự chọn một số môn học và Lịch sử liệu có bị “ế”?
Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, trong chương trình mới, môn Công dân với Tổ quốc, bao gồm các nội dung đạo đức công dân, lịch sử, quốc phòng. Đây là môn học bắt buộc từ lớp dưới đến lớp trên.
Lên THPT, Lịch sử là môn lựa chọn. “Tại các kỳ thi quốc gia, ít thí sinh lựa chọn Lịch sử. Nhưng khi thi tìm hiểu về lịch sử, nhiều thí sinh tham gia. Điều này nói rằng lịch sử không bị thờ ơ” – ông Hiển khẳng định.
Là người quản lý tại trưởng phổ thông, bà Thu Anh cho rằng, học sinh thích học lịch sử hay không phụ thuộc giáo viên. Ở trường Nguyễn Tất Thành, ngoài giờ học lịch sử hấp dẫn được học sinh, trường còn tổ chức nhiều hoạt động giáo dục như Em yêu lịch sử Việt Nam, tìm hiểu về cuộc đời của Bác.
Sản phẩm của các em thường làm thầy cô, các bạn, phụ huynh bất ngờ. Chương trình mới chắc chắn môn Lịch sử sẽ hấp dẫn hơn, vì ngoài mục đích môn học, còn có sự định hướng nghề nghiệp sau này.
Hết ngô ngọng ngoại ngữ
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, theo Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, Việt Nam có 6 khung tham chiếu như châu Âu. Theo đó, học hết THPT, học sinh Việt Nam đạt đến bậc 3 của khung tham chiếu, nghĩa là có thể đọc được tài liệu, giao tiếp được bằng ngoại ngữ.
Đánh giá về dạy và học ngoại ngữ thời gian vừa qua, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng cho biết, còn nặng ngữ pháp, từ vựng. Học xong, học sinh, sinh viên chỉ biết đọc, viết.
Chương trình mới nâng cao năng lực giao tiếp cho học sinh, nên toàn bộ chương trình, phương pháp dạy học thay đổi. Học sinh, sinh viên ngoài đọc, viết còn nghe, nói được.
“Hiện có nhiều mô hình trường học ngoại ngữ rất hay, như học du lịch. Học sinh mời người nước ngoài đến dạy tiếng Anh”, Thứ trưởng Hiển cho biết.