Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Học sinh vi phạm giao thông sẽ bị bí mật ghi hình

Để hạn chế tình trạng vi phạm giao thông và nâng cao trình độ nhận thức của học sinh trong việc tham gia giao thông, trong thời gian tới Công an TP Hà Nội và Sở Giáo dục Hà Nội sẽ tiến hành ghi hình bí mật các em học sinh vi phạm giao thông từ đó có biện pháp xử lí.

Học sinh vi phạm giao thông sẽ bị bí mật ghi hình

Để hạn chế tình trạng vi phạm giao thông và nâng cao trình độ nhận thức của học sinh trong việc tham gia giao thông, trong thời gian tới Công an TP Hà Nội và Sở Giáo dục Hà Nội sẽ tiến hành ghi hình bí mật các em học sinh vi phạm giao thông từ đó có biện pháp xử lí.

Theo Đại tá Trần Thùy, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, bình quân hàng năm cả nước xảy ra trên 13.000 vụ chết người do tai nạn giao thông. Trong đó có tới 75% vụ việc liên quan đến người điều khiển xe máy. Riêng tại Hà Nội, năm 2010, Công an thành phố đã xử lý và xử phạt trên 200 tỷ đồng từ các lỗi vi phạm luật khi tham gia giao thông. Mặc dù chưa có một thống kê đầy đủ nào về số vụ tai nạn giao thông do học sinh đi xe máy gây ra nhưng hiện tượng học sinh đi xe máy đến trường đang là thực trạng đáng báo động.

Hà Nội có gần 1,4 triệu học sinh với hơn 2.000 trường học, nếu các trường cùng triển khai hiệu quả các biện pháp giáo dục về ý thức chấp hành luật khi tham gia giao thông thì chắc chắn Hà Nội sẽ có nhiều biến chuyển tốt về tình hình giao thông trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên thực tế, hầu hết các trường học vẫn có học sinh đi xe máy đến trường.Trong số hàng trăm xe của học sinh đang sử dụng phần lớn là xe phân khối lớn như Dream II, Spaycy, Jupiter, Honda @...

Lãnh đạo Công an TP Hà Nội lí giải nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do nhận thức của cha mẹ học sinh đối với việc mua sắm phương tiện đi lại cho con em mình. Nhiều gia đình không ngần ngại bỏ ra gần trăm triệu đồng mua cho con một chiếc xe máy " xịn", mà không quan tâm đến nhu cầu thực tế, xem con em mình sử dụng chiếc xe ấy ra sao. Nhiều học sinh nhà chỉ cách trường 700-800 m nhưng cũng " rước" xe máy đến trường, cốt chỉ để ra oai và khẳng định "đẳng cấp con nhà giàu" với bạn bè cùng lớp.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, xử lý của lực lượng CSGT có phần bị sao nhãng, thiếu kiên quyết. Hàng ngày, trên đường phố Hà Nội nhan nhản hiện tượng học sinh đeo cặp sách, mặc đồng phục đi xe máy nhưng dường như không có sự kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng trừ khi xảy ra tai nạn.

Để ngăn chặn tình trạng học sinh đi xe máy tới trường, Sở giáo dục và Công an thành phố Hà Nội đã ký kết kế hoạch thực hiện công tác an ninh trường học. Theo đó, ngoài việc tăng cường tuyên truyền trong nhà trường, các lực lượng Công an thành phố sẽ tăng cường xử lý các hành vi như học sinh chưa đủ điều kiện điều khiển mô tô, xe máy có dung tích từ 50 phân khối trở lên, không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ không cài quai đúng quy định…

Đặc biệt, một biện pháp được ủng hộ nhiều nhất là công an và nhà trường phối hợp bí mật ghi hình, quay camera, chụp ảnh những học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ khi đến trường. Danh sách học sinh vi phạm sẽ được thông báo về nhà trường hàng tuần. Hai đơn vị trên sẽ thực hiện thí điểm mô hình bảo đảm trật tự an toàn giao thông từ nay đến hết năm học.

Ông Nguyễn Hữu Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, Hà Nội đã lựa chọn 5 trường THPT để tham gia mô hình thí điểm. Theo đó, lần đầu nhà trường phát hiện, học sinh sẽ bị đình chỉ học trong 3 ngày gửi về gia đình quản lý, hạ 1 bậc hạnh kiểm, nhiều lần tái phạm nhà trường sẽ đình chỉ học 6 tháng và nhận mức hạnh kiểm yếu. Nếu áp dụng mức kỷ luật này, học sinh này sẽ bị lưu ban.

Theo VTC

Theo VTC

Bạn có thể quan tâm