Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hội chứng có thể khiến trẻ sơ sinh chậm phát triển

Trẻ sơ sinh dễ mắc hội chứng đầu phẳng do phải nằm ở một tư thế trong thời gian dài. Nếu không được điều trị, trẻ có thể bị chậm phát triển, khiếm khuyết về thị giác.

Đến nay, bác sĩ Susanna Koh, Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe Orthopaedia (Singapore), vẫn nhớ về lần một người đàn ông bước vào phòng khám của cô và đề nghị điều trị hội chứng đầu phẳng cho con trai của anh. Trước khi bác sĩ Susanna chuẩn bị tư vấn thêm cho người này, anh nói không cần và đã sẵn sàng cho con trai điều trị.

Bác sĩ Susanna rất ngạc nhiên và hỏi tại sao anh ta lại quyết định nhanh như vậy. Người này sau đó đã thú nhận rằng bản thân đã từng mắc hội chứng này khi còn nhỏ.

Bác sĩ Susanna cho biết sau khi quan sát kỹ, cô nhận thấy khuôn mặt của người đàn ông không cân xứng, một bên đầu bẹt hơn. Người này cho biết anh không thể đeo vừa kính, khiến thị lực hai bên mắt không đồng đều. Răng của anh cũng bị lộn xộn. Khi nói chuyện với mọi người, người này phải nghiêng đầu vì thính giác một bên kém hơn. Vì vậy, anh không muốn con trai mình phải chịu bất cứ điều gì như vậy.

Nguyên nhân gây hội chứng đầu phẳng

Hội chứng đầu phẳng, hoặc hội chứng đầu bẹt, thường xảy ra khi trẻ ngủ với đầu quay về cùng một bên trong những tháng đầu đời. Điều này khiến một phần đầu bị phẳng, ở một bên hoặc phía sau đầu, dẫn đến hình dạng không cân xứng.

Hoi chung dau phang o tre so sinh anh 1

Trẻ sơ sinh thường bị hội chứng đầu phẳng khi nằm ngủ với một tư thế trong thời gian dài. Ảnh: Healthline.

Tình trạng này khá phổ biến. Trong nghiên cứu năm 2013 ở 440 trẻ sơ sinh từ 7 đến 12 tuần tuổi tại thành phố Calgary, Alberta của Canada được đăng trên tạp chí Nhi khoa, 205 trẻ (46,6%) được quan sát thấy có một số dạng bệnh đầu bẹt. Trong số đó, 78,3% có dạng nhẹ.

Nghiên cứu khác của Italy được công bố trên Tạp chí Nhi khoa châu Âu năm 2018 cho biết trong số 283 trẻ sơ sinh được kiểm tra, 107 trẻ (37,8%) được phát hiện có hội chứng đầu phẳng khi được 8 đến 12 tuần tuổi.

Theo Bệnh viện Nhi Johns Hopkins ở bang Florida (Mỹ), nguyên nhân phổ biến nhất gây ra chứng đầu bẹt là tư thế ngủ của trẻ. Trẻ sơ sinh thường xuyên nằm ngửa nhiều giờ trong ngày nên đầu đôi khi bị bẹp một chỗ. Điều này không chỉ xảy ra khi trẻ ngủ mà còn khi ngồi trên ghế ôtô dành cho trẻ sơ sinh, xe nôi, xe đẩy, xích đu và ghế xếp.

Trẻ sinh non dễ bị bẹp đầu vì có hộp sọ mềm hơn so với trẻ sinh đủ tháng. Nguyên nhân khác là chúng cũng phải nằm nhiều hơn trong phòng chăm sóc đặc biệt do sinh thiếu tháng.

Hội chứng đầu phẳng này thậm chí có thể bắt đầu trước khi sinh nếu có áp lực lên hộp sọ của em bé từ xương chậu của người mẹ hoặc từ bé còn lại của cặp song sinh, đa thai.

Hội chứng đầu phẳng cũng có thể là do cơ cổ bị căng khiến trẻ khó quay đầu. Tình trạng này được gọi là chứng vẹo cổ. Vì khó quay đầu, trẻ sơ sinh có xu hướng giữ đầu ở vị trí cũ khi nằm. Điều này có thể gây ra tình trạng phẳng.

Hoi chung dau phang o tre so sinh anh 2

Phần trán phồng lên có thể là dấu hiệu nhận biết hội chứng đầu phẳng ở trẻ. Ảnh: Unsplash.

Biến chứng của hội chứng đầu phẳng

Theo tạp chí Kidshealth, khi cha mẹ gội đầu cho con và nhận thấy hình dạng đầu không đối xứng, đó là thời điểm cần chú ý.

Các dấu hiệu khác cần để ý bao gồm phần sau đầu của trẻ bị phẳng hơn ở một bên; trẻ có ít tóc hơn ở một phần đầu; một bên tai cao hơn hoặc nhô ra phía trước nhiều hơn bên còn lại. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, trán của trẻ có thể nhô cao, phồng lên so với phần trán bị bẹt và nhìn bằng mắt thường có thể trông không đồng đều. Cổ, hàm và mặt cũng có thể không cân xứng.

Hầu hết trẻ sơ sinh bị hội chứng đầu phẳng trong giai đoạn ngắn và không gặp vấn đề nghiêm trọng vì tình trạng này không làm ảnh hưởng não, dây thần kinh. Và hình dạng hộp sọ sẽ cải thiện theo thời gian.

Tuy nhiên, nếu đã cố gắng điều chỉnh tư thế ngủ của trẻ trong một thời gian mà không thấy thay đổi về hình dạng đầu, cha mẹ nên đưa con đi kiểm tra tại bệnh viện hoặc phòng khám.

Thông thường, trẻ mắc hội chứng đầu phẳng vẫn có cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, khi không được điều trị, nhiều trường hợp nghiêm trọng có nguy cơ chậm phát triển, khiếm khuyết thị giác, nhiễm trùng tai, hỏng tai giữa, thay đổi xương hàm, khó khăn trong học tập và các chứng chậm phát triển tâm lý khác.

May mắn là hội chứng đầu phẳng không ảnh hưởng đến sự phát triển não của em bé. Tuy nhiên, nó đôi khi làm cứng cổ, dẫn đến trẻ chậm phát triển ở thời kỳ đầu. Trẻ sơ sinh phải mất rất nhiều sức mới có thể quay đầu. Vì vậy, những trẻ bị bẹt nghiêm trọng ở một bên thường có xu hướng nằm ở bên đó, và cổ bị cứng do bị căng, không sử dụng được. Khi đó, trẻ sơ sinh phải thực hiện vật lý trị liệu cho chứng vẹo cổ hoặc cứng cổ.

Vì vậy, các chuyên gia sức khỏe khuyên những người chuẩn bị làm cha mẹ nên tìm hiểu về hội chứng đầu phẳng và cách ngăn ngừa tình trạng này. Cho trẻ nằm sấp từ lúc mới sinh và xen kẽ các tư thế ngủ là một trong những cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa chứng đầu bẹt trong ba tháng đầu đời của trẻ.

Đặc điểm mắc Covid-19 ở trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh có thể mắc Covid-19 từ mẹ hoặc tiếp xúc gần F0. Trẻ thường không có triệu chứng hoặc biểu hiện nhẹ như sốt, ho, bú kém, li bì.

Phương Mai

Bạn có thể quan tâm