Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

Hội chứng Covid-19 kéo dài sau khi khỏi bệnh

Mệt mỏi, khó thở, rối loạn khứu giác, suy giảm khả năng hoạt động là những triệu chứng thường được mô tả và chưa có loại thuốc điều trị nào được chấp thuận.

Người ta ước tính rằng 15% những người mắc Covid-19 sẽ bị ảnh hưởng lâu dài bởi các triệu chứng khác sau khi khỏi bệnh. Các triệu chứng này được gọi chung là hội chứng Long Covid. Một số lượng lớn các triệu chứng khác nhau đã được báo cáo ở những người bị ảnh hưởng bởi Long Covid.

Các triệu chứng và đề xuất điều trị Long Covid

Mệt mỏi, khó thở, rối loạn khứu giác và suy giảm khả năng hoạt động là những triệu chứng thường được mô tả. Tới nay, các can thiệp điều trị an toàn trong hội chứng Long Covid vẫn chưa được hướng dẫn rõ ràng.

Hướng dẫn mới của Hội khoa học Y tế Đức (AWMF) đã đưa ra các đề xuất về cách trợ giúp điều trị cho bệnh nhân sau khi mắc Covid-19. Ngoài ra, các loại thuốc mới và cũ cũng đang được thử nghiệm chuyên sâu để tìm phương pháp điều trị triệu chứng của hội chứng Long Covid.

Vấn đề liên quan hô hấp

Hướng dẫn của AWMF cho biết thở hỗ trợ bằng máy và vật lý trị liệu có thể giúp ích cho bệnh nhân gặp vấn đề về phổi. Ho dai dẳng là một triệu chứng phổ biến của Covid-19 trong 6 đến 12 tuần đầu tiên sau khi bị bệnh cấp tính, tuy nhiên có thể cải thiện theo thời gian.

Trường hợp các triệu chứng nặng hơn hoặc kéo dài, có thể điều trị bằng corticosteroid dạng hít hoặc thuốc cường giao cảm β2 tương tự như các khuyến cáo về ho sau nhiễm trùng, đặc biệt nếu có dấu hiệu tăng tiết phế quản.

Mệt mỏi

Các triệu chứng tâm lý cũng phải được tính đến khi thực hiện điều trị và phục hồi chức năng sau Covid-19 theo hướng dẫn. Nhu cầu nghỉ ngơi và giảm căng thẳng cần được xem xét nghiêm túc, bệnh nhân cần được dành đủ thời gian để phục hồi.

Điều trị tâm lý chỉ định khi chẩn đoán liên quan lâm sàng, được các bác sĩ xác nhận. Trong trường hợp trầm cảm và rối loạn lo âu trầm trọng, điều trị tâm thần cũng cần được xem xét. Các hoạt động thể chất cũng cần được đánh giá có cải thiện tình trạng mệt mỏi hay làm trầm trọng thêm tình trạng đó hay không.

Nếu có bệnh về tim mạch, bệnh nhân cần điều trị theo hướng thường được khuyến khích, dựa trên các hướng dẫn hiện hành. Điều này bao gồm việc bắt đầu điều trị bằng thuốc khi có bằng chứng về việc giảm chức năng bơm của tim và chống đông máu trong trường hợp có biến chứng huyết khối tắc mạch giai đoạn cấp tính.

Tuy nhiên, theo hướng dẫn của AWMF, khuyến cáo chung về điều trị dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch trong trường hợp cấp tính không biến chứng hiện không thể được đưa ra cho giai đoạn sau Covid-19. Tuy nhiên, chỉ định này ở những bệnh nhân có nguy cơ cao nên được áp dụng trong trường hợp riêng lẻ. Ngoài ra, bệnh nhân cần được xem xét điều trị kéo dài trong khoảng 3 tháng.

Hoi chung Covid-19 keo dai anh 1

Nhân viên y tế cấp cứu cho bệnh nhân Covid-19 tại TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng.

Mất khứu giác

Rất nhiều bệnh nhân Covid19 có triệu chứng mất khứu giác sau khi bị bệnh. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân báo cáo sự cải thiện của khứu giác trong vòng một đến 2 tháng. Nếu tình trạng rối loạn khứu giác vẫn còn, người bệnh có thể thử điều trị bằng phương pháp huấn luyện khứu giác. Việc này để kích thích sự tái tạo các tế bào thần kinh thụ cảm trong vùng niêm mạc khứu giác.

Theo các phương pháp cổ điển, các mùi hương hoa hồng, chanh, bạch đàn và đinh hương có thể được sử dụng. Theo đó, mỗi mùi hương trong số này nên được ngửi trong 30 giây vào buổi sáng và buổi tối. Việc này nên thực hiện trong khoảng thời gian kéo dài từ vài tuần tới vài tháng, đến khi khả năng khứu giác trở lại bình thường.

Triệu chứng về da

Hướng dẫn của AWMF thông báo rằng hầu hết tổn thương da được mô tả liên quan đến Covid-19 sẽ tự lành và không cần điều trị cụ thể trong vài tuần. Trong trường hợp bắt buộc, chẳng hạn như ngứa nghiêm trọng và tổn thương biến dạng, người bệnh có thể điều trị (ví dụ, bằng thuốc kháng histamine và corticoid tại chỗ cũng như làm mát) tùy theo triệu chứng.

Các loại thuốc điều trị Long Covid

Hiện nay, chúng ta chưa có bất kỳ loại thuốc nào chỉ định điều trị Long Covid được chấp thuận. Tuy nhiên, một số chất khác nhau đang được thử nghiệm lâm sàng. Chúng ta sẽ mất một thời gian trước khi được phê duyệt và không phải tất cả dự án đều thành công. Một số loại thuốc đang đạt được các bước tiến tốt để tiến tới giai đoạn thử nghiệm cuối cùng và xin cấp phép.

Ví dụ, trong một nghiên cứu giai đoạn 2 của Anh, thành phần cần sa là cannabidiol (CBD) được sử dụng. Người ta đang kiểm tra xem liệu CBD có thể cải thiện các triệu chứng như mệt mỏi, khó thở, đau và rối loạn giấc ngủ ở những người bị ảnh hưởng hay không. Các nhà nghiên cứu cũng muốn kiểm tra tác dụng chống viêm có thể có của thuốc.

Montelukast cũng được biết đến như một loại thuốc với những tác dụng tốt. Montelukast hoạt động như một đối kháng thụ thể leukotriene đã được sử dụng trong điều trị hen suyễn từ lâu. Thuốc này đang được thử nghiệm trong nghiên cứu giai đoạn 3 với bệnh nhân Long Covid nhằm cải thiện các triệu chứng hô hấp.

Hoi chung Covid-19 keo dai anh 2

Hiện nay, chúng ta chưa có bất kỳ loại thuốc nào chỉ định điều trị Long Covid được chấp thuận. Ảnh minh họa: Indiabizforsale.

Trước đây, Natri pyruvate cũng được thử nghiệm như một liệu pháp chống oxy hóa cho các bệnh phổi khác như COPD. Trong một nghiên cứu ở giai đoạn 2/3, chất chống oxy hóa này hiện sử dụng cho bệnh nhân Long Covid dưới dạng thuốc xịt mũi và được cho là có tác dụng chống viêm.

Một nghiên cứu khác nhằm mục đích tìm hiểu liều dùng nicotinamide riboside, chẳng hạn, có thể cải thiện việc phục hồi các chức năng nhận thức hay không. NAD+ (nicotinamide adenine dinucleotide) cũng có nguồn gốc từ vitamin B3 và được sử dụng cùng với naltrexone liều thấp trong một nghiên cứu.

Trong số này, người ta muốn kiểm tra xem liệu tình trạng mệt mỏi ở bệnh nhân Covid kéo dài có thể được cải thiện với thuốc hay không. Ở Aarhus, Đan Mạch, coenzyme Q10 liều cao đang được thử nghiệm như lựa chọn khả thi để chống lại các triệu chứng Long Covid.

Liệu pháp tế bào chống lại Long Covid

Tế bào mô đệm trung mô (mesenchymal stromal cells) cũng có thể hữu ích không chỉ với chính Covid-19 mà còn với Long Covid. Trong một nghiên cứu giai đoạn 2, các tế bào được kiểm tra ở những người có triệu chứng hô hấp kéo dài. Các tế bào mô đệm trung mô được biết là có tác dụng điều hòa miễn dịch và chống viêm.

Aperture là một dịch lọc có trọng lượng phân tử thấp từ Albumin huyết thanh người. Nó được cho là có khả năng điều chỉnh mức độ cytokine gây viêm. Điều này đang được thử nghiệm lâm sàng cho cả Covid-19 và Long Covid.

Vài tuần trước, Công ty Mercaptor Discoveries (Mỹ) đã công bố các cuộc điều tra sâu hơn với chất thử nghiệm MD-004 (chất đối kháng P2RX7). MD-004 là dự án với mục đích ban đầu tìm kiếm một loại thuốc chống động kinh. Tuy nhiên, tác dụng của MD-004 trong não cũng có thể giúp làm chậm các quá trình viêm trong thần kinh trung ương có liên quan triệu chứng Long Covid, đặc biệt là mất nhận thức.

Để ngăn ngừa một triệu chứng có thể xảy ra sau Covid-18, Đại học Chicago(Mỹ) đang tìm cách xem liệu chất ức chế miễn dịch sirolimus có làm giảm khả năng phát triển xơ phổi ở những bệnh nhân nhập viện vì viêm phổi do Covid-19 hay không.

Bài viết do TS.DS Tạ Thanh Sơn (từng học tại Đại học Philipps Marburg; tốt nghiệp tiến sĩ tại Viện công nghệ dược sinh học, Đại học Marburg, CHLB Đức), cung cấp thông tin.

Khi nào người mắc Covid-19 cần sử dụng kháng sinh?

Có phải tất cả bệnh nhân Covid-19 đều sử dụng kháng sinh? Việc dùng loại thuốc này bừa bãi có gây hại cho người bệnh?

Dịch Covid-19

Tạ Thanh Sơn

Bạn có thể quan tâm