“Hội chứng” học không vô

Học không vô. Ảnh minh họa
"Mình không thể tìm một chút hứng thú ở việc học, mình chán nản lắm rồi!”, một bạn đọc tự nhận là “Dốt forever” đã gửi thư về Mực Tím tâm sự như thế khi năm học mới vừa bắt đầu “chuyển động”...

Chuyện bình thường (!?)
Một cuộc khảo sát nhỏ trong thời gian cuối tháng 8 với sự tham gia của 90 bạn học sinh - sinh viên. Kết quả cho thấy, cô bạn “Dốt forever” không phải là một người lẻ loi đã và đang... chán học.
Có đến 87/90 bạn cho biết thường xuyên chán học. Chỉ có 3 bạn khẳng định chắc nịch “mình mê học lắm”! Tuy phần lớn bạn chỉ “thỉnh thoảng chán học thôi” (73/90) chứ không hẳn “chán học kinh khủng” (14/90) nhưng điều đó cũng cho thấy, nếu không “chẩn đoán” và “chữa trị” kịp thời, “hội chứng” học không vô có nguy cơ “bùng phát”, ảnh hưởng lớn đến việc học tập của các bạn. Nhất là điều ấy lại xảy ra ngay đầu năm học mới.
Với những con số vừa nêu, không có gì lạ khi bạn M.T (lớp 12 trường N.C.T, Q. Gò Vấp) tuyên bố: “Chán học là chuyện bình thường mà. Học hành phải có lúc này lúc khác chứ!”
101 nguyên nhân
Cuộc khảo sát cho thấy có nhiều lí do để các bạn chán học. Trong đó, bài vở quá nhiều, thầy cô dạy không hấp dẫn, mê chơi, tìm được sở thích khác được “vote” nhiều nhất.
Như Phước (lớp 12 trường C, TP Cần Thơ) thỉnh thoảng “cực kì chán học” vì “chạy show” quá nhiều. “Chỉ hè này thôi, mình đã học thêm đến 4 môn. Chủ nhật, thứ 7 chẳng những không được nghỉ mà còn phải “chạy show” từ sáng đến 7 giờ tối. Học nhiều vậy, không chán mới lạ!”, Phước than thở.
Còn Ngân (lớp 12 trường N, Q. Gò Vấp) thì không chán học mà chỉ ngán các môn Sử, Địa vì phải học những kiến thức cực khô khan theo những đề cương mà thầy cô soạn sẵn. Trong khi đó, T.Thùy (thanhthuy_89...@yahoo.com) chán học vì không biết làm gì mai này với những kiến thức đang học bây giờ. “Bài vở quá nặng về lí thuyết, ít thực hành, nên khi gặp chuyện trong cuộc sống cảm thấy lúng túng và những kiến thức học được thì quên hết trơn”, bạn cho biết. Áp lực cũng là lí do dẫn đến việc nhiều bạn... chán học. Như cô bạn “Dốt forever” đã gửi thư đến Mực Tím.
Chính vì áp lực phải học tốt đã khiến bạn cảm thấy việc học quá ư mệt mỏi, từ đó đâm không hứng thú với việc học nữa. Tương tự với cô bạn này, M.Thư (keobonggon...@yahoo.com.vn) cũng thỉnh thoảng chán học vì áp lực. Nhưng áp lực mà Thư phải “chịu” không chỉ duy trì danh hiệu học sinh giỏi mà phải điểm cao hàng top mới được. Rồi chuyện thầy cô dạy kiểu đọc chép, không tí nào hấp dẫn cũng khiến học trò... chán học như mấy bạn ở lớp 10 trường T (Q. Tân Bình). “Giáo viên dạy môn Sử chán lắm. Tới giờ học, tụi mình chỉ ngồi... ngáp dài, ngáp ngắn. Đến khi kiểm tra thì chạy đi hỏi bài tùm lum”, C, một thành viên của lớp này kể.
Phải làm gì đây?
Thật khó để thú nhận với ba mẹ hay thầy cô rằng mình đang... không muốn đến trường. Và dần dần, những cảm giác chán ngán, uể oải, sợ cầm sách và buồn ngủ vật vã trong một vài môn học đã kéo dần một vài bạn học trò xa ra khỏi con đường mà lẽ ra bạn phải đi.
T. (một bạn xin giấu địa chỉ của mình) đã kể rằng bạn gần như đã ngủ gục trong suốt giờ học thêm Toán. Vì bạn không hiểu và hoàn toàn không thích môn Toán mà ba mẹ cứ bắt bạn phải thi khối D. Không dám nói ra sự thật, T. đã cặm cụi xách cặp đi... ngủ suốt 1 năm ròng luyện thi và tất nhiên đã trượt ĐH.
Đừng lẩn tránh nỗi sợ/ngán/chán học mãi thế. Hãy nhìn thẳng vào vấn đề, chia sẻ với ba mẹ và bạn bè, thầy cô, để tìm ra nguồn cơn căn bệnh của mình, chữa chạy ngay khi còn chưa quá muộn. Bởi vì, chúng mình sẽ không thể lớn lên mà thiếu kiến thức được, phải không bạn?
Kết quả khảo sát do PV và nhóm CTV tiến hành với 90 bạn * Bạn có chán học không? Có: 14/90 Chỉ thỉnh thoảng thôi: 73/90 Không. Mình thích học lắm: 3/90 * Lí do khiến bạn chán học? - Bài vở nhiều quá: 45 ý kiến - Thầy cô dạy không hấp dẫn: 31 - Mê chơi, tìm được sở thích ngoài chuyện học: 29 - Học dở: 16 - Bị thầy cô, phụ huynh la: 14 - Lí do khác: 12 - Chưa quen môi trường: 6 - Thất tình: 5 - Gia đình có chuyện buồn: 5 - Đua đòi theo bạn bè: 4 |
Theo Mực Tím