Theo phác đồ điều trị Covid-19 trẻ em mới nhất, Bộ Y tế đã đánh giá Hội chứng viêm đa hệ thống (MIC-S) ở trẻ em mắc Covid-19 hiếm gặp, thường gặp ở giai đoạn muộn sau nhiễm SARS-CoV-2 khoảng 2-6 tuần. Đây là biến chứng nặng có thể gây tử vong và có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây.
Trẻ nguy kịch do hội chứng MIC-S
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết mới đây, đơn vị này đang điều trị cho bé trai H.M.T., 10 tuổi, cân nặng 42 kg (bình thường ở lứa tuổi này cân nặng 28-32 kg), ngụ ở quận Bình Chánh, TP.HCM.
Trước đó, bé có triệu chứng khó thở, tím tái kéo dài khoảng 8 ngày. Kết quả test nhanh của bé và bố đều dương tính với SARS-CoV-2, được điều trị tại nhà.
Đến ngày thứ 9, bé trai ho nhiều, thở mệt. Khi được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, bé tím tái, nồng độ oxy máu (SpO2) còn 78% (bình thường 96-98%), nhịp tim nhanh.
"Bé được chẩn đoán mắc Covid-19 nặng, nguy kịch, được cho thở áp lực dương liên tục, truyền thuốc kháng sinh, kháng viêm, kháng đông. Sau đó, bé trai tiếp tục được thở oxy dòng cao HFNC. May mắn là sau 2 tuần điều trị, tình trạng bé cải thiện tốt và được xuất viện", bác sĩ Tiến nói.
Bé trai gặp hội chứng viêm đa hệ thống sau khi khỏi Covid-19. Ảnh: BSCC. |
Tuy nhiên, ngay trước ngày xuất viện, trẻ đột ngột sốt cao 39,5 độ C, sau đó đỏ mắt, da ở mặt bụng và tứ chi. Kết quả xét nghiệm máu có biểu hiện phản ứng viêm tăng mạnh. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi mắc hội chứng viêm đa hệ thống liên quan Covid-19.
Bé tiếp tục ở lại viện điều trị với corticoid liều cao, chống đông, hạ sốt tích cực. Sau một tuần, trẻ ổn định dần, hết sốt, da, mắt hết đỏ và được xuất viện điều trị tiếp lộ trình kháng viêm, chống đông và tái khám theo hẹn.
Bác sĩ Tiến nhận định đây là trường hợp hiếm gặp do trẻ mắc hội chứng viêm đa hệ thống ngay sau khi phục hồi Covid-19 cấp nặng (MIC-S) trong khi hội chứng này thường xảy ra ở trẻ mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc biểu hiện nhẹ thoáng qua mà phụ huynh không để ý.
Trước đó, đơn vị này cũng điều trị hội chứng MIC-S cho một bé trai 11 tuổi, nặng 52 kg. 10 ngày trước khi nhập viện, bé có triệu chứng sốt cao, đau bụng quanh rốn, ói, tay chân lạnh. Sau khi các bác sĩ xét nghiệm kháng thể, gia đình mới biết trẻ từng mắc Covid-19.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết trong thời gian từ 1/10/2021 đến 22/2, đơn vị này đã tiếp nhận 92 ca mắc hội chứng viêm đa hệ thống hậu Covid-19 ở trẻ em, trong đó có 12% trẻ biểu hiện nặng với sốc, suy hô hấp, suy đa cơ quan, nhiều ca phải lọc máu.
Dấu hiệu nhận biết trẻ mắc hội chứng MIC-S
Theo phác đồ điều trị Covid-19 trẻ em của Bộ Y tế (cập nhật ngày 22/2), hội chứng viêm đa hệ thống liên quan Covid-19 ở trẻ em (MIC-S) hoặc ở trẻ sơ sinh (MIS-N), xảy ra chủ yếu 2-6 tuần sau nhiễm SARS-CoV-2.
Với trẻ sơ sinh có biểu hiện tổn thương đa cơ quan và mẹ từng được chẩn đoán hay nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2, cần nghĩ ngay đến hội chứng MIS-N. Mặc dù hội chứng viêm đa hệ thống ít gặp, bệnh thường diễn tiến nặng có thể gây tử vong.
Một bệnh nhi mắc hội chứng suy đa cơ quan được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Ảnh: BSCC. |
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến lưu ý phụ huynh cần quan sát, theo dõi sức khỏe của trẻ nếu bé sốt cao trên 2 ngày, nổi hồng ban da, đỏ mắt, đau bụng, tiêu chảy, ói... Lúc này, trẻ cần được đưa đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để được bác sĩ thăm khám, xét nghiệm định bệnh chính xác, điều trị thích hợp.
Các dấu hiệu này thường dễ nhận biết nhưng khó phân biệt được chính xác bệnh, bởi ngoài hội chứng viêm đa hệ thống, trẻ có thể mắc sởi, rubella, sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng, nhiễm trùng huyết, viêm ruột thừa...
Trong khuyến cáo của Bộ Y tế, các dấu hiệu điển hình cho thấy trẻ có khả năng mắc hội chứng viêm đa hệ thống là: Sốt cao liên tục trên 5 ngày, rối loạn tiêu hóa nặng như đau bụng nhiều, tiêu chảy; rối loạn đông máu, CRP hoặc Procalcitonin tăng cao; D-dimer cao.
Ngoài ra, trẻ có thể bị sốc, nổi ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc, phù nề niêm mạc miệng, bàn tay, chân và không tìm thấy nguyên nhân nhiễm trùng nào giải thích được.
Khi nhập viện, bác sĩ cần chẩn đoán phân biệt với một số bệnh có triệu chứng tương tự như Kawasaki, sốt phát ban (sởi, Rubella), sốt xuất huyết dengue, nhiễm trùng huyết (tụ cầu, liên cầu, mycoplasma), hội chứng sốc độc tố, viêm ruột thừa, tay chân miệng, hội chứng Stevens Johnson, hội chứng thực bào máu...
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến cho biết trong một nghiên cứu khảo sát do bệnh viện thực hiện, trong số trẻ đến nhập viện do hội chứng MIC-S, có đến 77,2% mắc bệnh mà phụ huynh đều không biết con từng nhiễm nCoV.
"Có thể bé mắc Covid-19 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng sốt nhẹ, ho ít thoáng qua nên phụ huynh không để ý tới. Vì vậy, phụ huynh nên đưa trẻ trong độ tuổi quy định đi tiêm chủng vaccine Covid-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế", bác sĩ Tiến khuyến cáo.