1. Bệnh Rubella là bệnh gì?
Bệnh Rubella là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virut Rubella gây ra. Phần lớn bệnh thường ở mức độ nhẹ, thường gặp ở trẻ em và thanh niên. Bệnh Rubella gây tác hại nguy hiểm đến sức khỏe của bà mẹ cũng như thai nhi nếu bà mẹ bị nhiễm virut trong thời kỳ mang thai.
2. Bệnh Rubella lây truyền qua đường nào?
Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng. Giai đoạn lây nhiễm xảy ra từ 7 ngày trước cho đến 7 ngày sau khi phát ban. Cũng như sởi, virut Rubella có khả năng lây lan cao nên có thể gây dịch lớn cho những cộng đồng không có miễn dịch với virut Rubella.
3. Có trường hợp người lành mang virut Rubella không?
• Khi bị nhiễm virut Rubella sẽ mắc bệnh Rubella nếu chưa có miễn dịch với virut Rubella. Không có trường hợp người lành mang virut.
• Những người đã có miễn dịch với virut Rubella (do đã từng mắc bệnh Rubella hoặc đã tiêm vắc xin Rubella trước đó) hầu hết không bị mắc bệnh nữa.
4. Những ai có nguy cơ mắc bệnh Rubella?
• Tất cả những người chưa có miễn dịch với Rubella đều có nguy cơ mắc bệnh. Sống ở nơi đông dân cư là yếu tố thuận lợi làm tăng nguy cơ mắc loại bệnh lây lan theo đường hô hấp này.
• Tại Việt Nam, nhóm người có nguy cơ mắc Rubella cao là trẻ em, thiếu niên và thanh niên. Do vậy, các nhóm đối tượng này cần được tiêm chủng vắc xin Rubella để phòng bệnh.
5. Bệnh Rubella có biểu hiện như thế nào?
Bệnh thường có biểu hiện lâm sàng nhẹ. Biểu hiện của bệnh bao gồm: sốt nhẹ, phát ban và viêm long nhẹ đường hô hấp, nổi hạch vùng chẩm, sau tai và cổ. Ở người lớn có thể có sưng đau khớp. Tuy nhiên, có tới 50% số trường hợp có biểu hiện lâm sàng không điển hình làm cho bệnh nhân dễ bị nhầm tưởng là bệnh khác.
6. Tại sao bệnh đặc biệt nguy hiểm đối với phụ nữ có thai?
Một số bệnh do biến chứng Rubella gây ra. Ảnh: Dự án Tiêm chủng mở rộng- Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương |
Bệnh Rubella rất nguy hiểm đối với phụ nữ có thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ là giai đoạn hình thành các bộ phận của thai nhi. Virut có thể qua hàng rào nhau thai, xâm nhập vào bào thai và tác động tới quá trình phát triển của bào thai. Có khoảng một nửa số trường hợp mắc bệnh không có dấu hiệu lâm sàng điển hình nên nhiều phụ nữ có thai mắc Rubella không được phát hiện, gây ra nhiều hậu quả nặng nề về sức khỏe đối với người mẹ và thai nhi.
• Nhiễm Rubella trong thời kỳ đầu khi mang thai có thể gây ra sẩy thai, thai chết lưu hoặc đẻ non. Trẻ sinh ra từ các bà mẹ này có nguy cơ cao mắc hội chứng Rubella bẩm sinh với nhiều dị tật nghiêm trọng như dị tật tim, điếc, đục thủy tinh thể, chậm phát triển... Ngoài ra, trẻ có thể mắc đái tháo đường, vàng da, xuất huyết, xương thủy tinh, viêm não màng não, viêm phổi, nhẹ cân, sinh non... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe giống nòi. Một số trường hợp trẻ tử vong do hậu quả của hội chứng Rubella bẩm sinh.
• Hội chứng Rubella bẩm sinh có thể gặp ở 70 - 90% trẻ sinh ra từ bà mẹ bị nhiễm Rubella trong 3 tháng đầu mang thai.
• Một số dị tật bẩm sinh do virut Rubella gây ra: dị tật tim bẩm sinh; viêm não; ban xuất huyết; giảm thính lực; tật đầu nhỏ; dị tật ở mắt: đục thủy tinh thể, glô-côm, rung giật nhãn cầu, nhãn cầu nhỏ...
7. Tình hình bệnh Rubella và hội chứng Rubella bẩm sinh ở Việt Nam như thế nào?
• Năm 2011, trên toàn quốc ghi nhận trên 7.200 ca mắc Rubella tại 59 tỉnh/thành phố, tập trung ở nhóm trẻ em, thanh niên và phụ nữ tuổi sinh đẻ. Trên thực tế, số mắc này còn cao hơn nhiều lần do nhiều trường hợp có biểu hiện nhẹ không đến cơ sở y tế.
• Trong các năm 2011-2012, tại các bệnh viện: Nhi Trung ương, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 đã ghi nhận hơn 300 ca mắc hội chứng Rubella bẩm sinh với các dị tật bẩm sinh. Trong đó 90% mắc tim bẩm sinh với các dị tật phức tạp ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ, 45,3% đục thủy tinh thể; 37,7% lách to; 15,3% vàng da nhân; 11,3% trẻ có kích thước đầu nhỏ; 12,3% chậm phát triển; 3,7% có các tổn thương não phức tạp (bại não, xuất hiện giãn não thất, xuất huyết não); 1% viêm não màng não và các hậu quả khác như nhẹ cân khi sinh (73,2%), đẻ non (33,5%), suy dinh dưỡng bào thai, tổn thương gan. Hơn 80% các trường hợp này mắc từ 2 dị tật trở lên.
• Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm Việt Nam có từ 1.267-6.145 ca mắc hội chứng Rubella bẩm sinh.
8. Cần làm gì khi bị nghi nhiễm Rubella?
• Khi bị nghi nhiễm Rubella cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán. Đối với trường hợp bệnh nặng lên hoặc có dấu hiệu biến chứng phải điều trị và cách ly tại bệnh viện.
• Cách ly bệnh nhân trong vòng 7 ngày kể từ khi phát ban. Trường hợp bệnh nhẹ cách ly tại hộ gia đình (nghỉ học, nghỉ làm, không tham gia các hoạt động tập thể, tập trung đông người) để tránh lây nhiễm cho những người xung quanh. Trong thời gian cách ly, bệnh nhân phải đeo khẩu trang y tế. Tẩy trùng, thông thoáng nơi ở, làm việc. Sử dụng biện pháp bảo vệ cá nhân như dùng khẩu trang, hóa chất sát trùng...
9. Làm thế nào để phòng bệnh Rubella?
Bệnh Rubella là bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên chủ động tiêm vắc-xin Rubella là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh.
10. Làm thế nào để phòng hội chứng Rubella bẩm sinh?
• Tiêm vắc xin Rubella là biện pháp hiệu quả nhất để phòng hội chứng Rubella bẩm sinh.
• Phụ nữ trong thời kỳ mang thai cần hạn chế tiếp xúc với các bệnh nhân có sốt, phát ban và trẻ mắc hội chứng Rubella bẩm sinh.
• Phụ nữ có thai, đặc biệt có thai trong những tháng đầu nếu bị sốt, phát ban nên đến các cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, chẩn đoán, tư vấn kịp thời.