Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước đã hết nhiệm vụ lịch sử?

Mỗi năm, hàng trăm giáo sư, phó giáo sư làm hồ sơ để được công nhận và hàng chục hội đồng xét duyệt chức danh gây tốn kém cho xã hội, trong khi hiệu quả không cao.

Những ngày qua, vấn đề công nhận chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận. Không ít tranh cãi nảy ra xung quanh chất lượng của các GS, PGS và sự ngộ nhận về những chức danh này ở Việt Nam.

Zing.vn giới thiệu bài viết của TS Đàm Quang Minh về vấn đề này. Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả. 

Giáo sư - theo nhu cầu hay năng lực?

Đầu tiên cần phải hiểu GS, PGS nên là gì? Theo thông lệ quốc tế, đây là chức danh dành cho những người làm khoa học trong các viện nghiên cứu hoặc các trường đại học nghiên cứu. Giáo sư hay Professor (dịch nôm là chuyên gia) là những người chịu trách nhiệm chính về hướng phát triển của một ngành tại đơn vị nghiên cứu hoặc đào tạo. 

ra soat chat luong giao su anh 1
TS Đàm Quang Minh từng được xem là hiệu trưởng trường đại học trẻ nhất Việt Nam khi 35 tuổi. Ảnh: ĐH FPT.

Nhưng hiện nay, GS, PGS của Việt Nam ngày càng mang tính vinh danh nhiều hơn. Vậy nên, nhiều người sắp về hưu cũng phấn đấu trở thành GS, PGS trước khi nghỉ. Khi được xét duyệt, Nhà nước tổ chức trao chứng nhận rất trọng thể theo hình thức vinh danh. Trong khi đó, GS, PGS nên để phục vụ công việc.

Việc xét tuyển GS hiện tại theo năng lực. Nghĩa là, ai đủ các tiêu chí sẽ được công nhận đủ tiêu chuẩn, sau đó được các trường đại học bổ nhiệm. Hầu như chưa thấy ai đủ tiêu chuẩn mà không được bổ nhiệm.

Trong khi đó, nếu xét GS như là nhu cầu của xã hội sẽ khác. Nhu cầu của xã hội cần bao nhiêu GS thì sẽ có bấy nhiêu vị trí để đăng ký. Những người đủ năng lực sẽ nộp đơn để được chấp thuận vị trí như vậy.

Hiện nay, quy định để được công nhận đủ tiêu chuẩn GS hết sức rườm rà, vừa khó vừa dễ. So sánh đúng chuẩn quốc tế là quá khó vì yêu cầu GS phải có viết sách, có đề tài cấp quốc gia. Ngay ở các quốc gia có nền khoa học tiên tiến, họ cũng không yêu cầu GS phải có những tiêu chuẩn như vậy.

Nhưng liệu có phải vì vậy khiến chất lượng GS của Việt Nam cao hơn chất lượng GS quốc tế? Chắc là không! Nhiều ứng viên để đủ tiêu chuẩn đã cho ra đời những cuốn sách chẳng ai đọc, gây lãng phí trong xã hội.

Đánh giá năng lực giáo sư chỉ cần 2 tiêu chí quan trọng nhất là đào tạo và nghiên cứu. Về đào tạo, GS cần hướng dẫn được thành công các thạc sĩ, tiến sĩ. Về nghiên cứu, GS cần có hồ sơ khoa học tốt, được thể hiện bằng những công bố khoa học trong các danh mục được đánh giá cao trên thế giới.

Xét duyệt giáo sư gây lãng phí lớn

Việc hàng năm tổ chức xét duyệt hồ sơ và vinh danh các GS là vô cùng lãng phí và không cần thiết. Riêng việc hồ sơ của các ứng viên đã là những tài liệu khổng lồ. Hội đồng xét duyệt các cấp toàn là những nhà khoa học uy tín, phải bỏ rất nhiều thời gian để đọc, phản biện, ra quyết định. Tất cả đều mất chi phí và thời gian vô cùng lớn. Trong khi đó, kết quả mang lại có thực sự xứng đáng với chi phí?

Để dễ so sánh, một vị trí có vai trò không kém quan trọng trong một trường đại học là hiệu trưởng. Tiêu chí và quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng của một trường đại học hiện nay đơn giản và nhẹ nhàng hơn nhiều so với quy trình để bổ nhiệm một GS.

Hiệu trưởng có ảnh hưởng việc phát triển nghiên cứu khoa học và đào tạo hơn là GS trong đơn vị. Nhưng hiện nay, việc bổ nhiệm hiệu trưởng lại không rắc rối, nhiều tranh cãi và khiếu nại như bổ nhiệm GS.

Vì vậy, nên trả vị trí GS, PGS trở về vị trí đúng của nó trong các đơn vị nghiên cứu và đào tạo. Nhà nước chỉ cần yêu cầu tiêu chí cứng về năng lực chuyên môn, còn việc tín nhiệm và đánh giá về uy tín hãy để Hội đồng khoa học của các đơn vị tự thực hiện và đề xuất bổ nhiệm theo nhu cầu thực tế của các đơn vị sử dụng.

Một nghịch lý hiện nay là có nhiều nơi, GS, PGS rất ít việc chuyên môn, đào tạo, trong khi đó nhiều đơn vị nghiên cứu, đào tạo hiệu quả nhưng lại rất ít GS, PGS. Có lẽ, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử và nên trả GS về cho các trường đại học, đơn vị nghiên cứu.

Vấn đề của việc bổ nhiệm GS, PGS không nằm ở quy trình vì nói chung các hội đồng làm việc nghiêm túc và công tâm. Nó nằm ở hệ thống này đã lạc hậu và không còn đáp ứng được nhu cầu thực tiễn phát triển của khoa học và giáo dục đại học.

Do đó, nên bổ nhiệm GS, PGS theo nhu cầu thực tế của các đơn vị đào tạo và nghiên cứu thay vì công nhận mang tính dựa theo năng lực hiện nay. Thứ nữa là cần bỏ cơ chế Hội đồng học hàm các cấp mà chuyển về cho các Hội đồng Khoa học và đào tạo của các trường đại học hoặc Viện nghiên cứu. Hãy trả các GS, PGS về các nơi thực sự cần và tránh hình thức, phù phiếm trong học thuật.

Nhiều bất cập khi phong hàm giáo sư và phó giáo sư Nhiều người tài hiện ngại việc phong hàm giáo sư, phó giáo sư vì những vấn đề hành chính và thủ tục rắc rối.

'Bộ trưởng Giáo dục và Y tế không nhất thiết phải là giáo sư'

Theo TS Lê Viết Khuyến, quan chức gắn với giáo sư, dù có thanh minh thế nào cũng thể hiện ham muốn chức danh.


Đàm Quang Minh

Bạn có thể quan tâm