Cuối tháng 4, Việt Nam bước vào làn sóng Covid-19 mới. Đây cũng là thời điểm TP.HCM phát hiện ca mắc đầu tiên ngoài cộng đồng sau nhiều tháng. 20 ngày sau (18/5), TP.HCM phát hiện ca bệnh không rõ nguồn lây, đối mặt đợt bùng phát mới và rất phức tạp. Theo số liệu của Bộ Y tế, trong vòng 17 ngày (18/5-3/6), thành phố có 257 ca mắc Covid-19. Tốc độ lây nhiễm nhanh chưa từng có.
3 chuỗi lây nhiễm
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) nhận định hơn 2 tuần qua, thành phố cùng lúc đối mặt 3 chuỗi lây nhiễm.
Đầu tiên là chuỗi lây nhiễm tại công ty kiểm toán ở quận 3, phát hiện ngày 18/5. Chùm ca bệnh này chỉ ghi nhận tổng cộng 2 người mắc Covid-19, cùng trong một công ty, nơi cư trú ở quận 7 và TP Thủ Đức.
Thứ hai là chuỗi lây nhiễm tại quán bánh canh ở quận 3, phát hiện ngày 21/5. Ca bệnh đầu tiên là bà Đ.T.T. Hiện, tổng số ca bệnh của ổ dịch quán bánh canh tại quận 3 là 7 (5 người thuộc gia đình bà T., 2 F1). Trong đó, BN5463, con gái bà T., đã tử vong do mắc Covid-19 với nhiều bệnh lý nền nặng như suy tim, suy thận mạn tính giai đoạn cuối. Đây cũng là ca mắc Covid-19 tử vong đầu tiên của TP.HCM.
Thứ ba là ổ dịch liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, phát hiện từ ngày 26/5. Đến nay, TP.HCM đã có 248 ca mắc Covid-19 liên quan ổ dịch này. Trong đó, chuỗi lây nhiễm của cặp vợ chồng được phát hiện mắc Covid-19 ở Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cũng liên quan nhóm tôn giáo này.
BA CHUỖI LÂY NHIỄM SARS-CoV-2 TẠI TP.HCM TỪ NGÀY 18/5 ĐẾN 2/6 | |||
Công ty kiểm toán (quận 3) | Quán bánh canh (quận 3) | Nhóm tôn giáo (quận Gò Vấp) | |
Số bệnh nhân | 2 | 7 | 248 |
Số F1 | 193 | 174 | 3.370 |
Số người tiếp xúc khác | 1.380 | 835 | 15.200 |
Số mẫu xét nghiệm | 10.686 | 2.391 | 181.004 |
Ca tử vong | 0 | 1 (BN5463, con gái bà T.) | 0 |
Biến chủng SARS-CoV-2 | Biến chủng B.1.617 từ Ấn Độ | Biến chủng B.1.1.7 từ Anh | Biến chủng B.1.617.2 từ Ấn Độ |
Giả thuyết về nguồn lây | BN4514 lây từ BN4583 - người từng có lịch sử tới Hải Phòng | - Người con từng đi Đà Nẵng - Đoàn khách Hà Nội, Đà Nẵng, nhiều tỉnh miền Trung từng ghé quán ăn này | - Chuỗi lây nhiễm ở Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn có liên quan - Chưa điều tra nguồn gốc |
Đánh giá chung | Tạm thời được kiểm soát | Tạm thời được kiểm soát | - Phức tạp, nghiêm trọng nhất từ trước đến nay - Nguy cơ còn rất cao |
Nguồn: Sở Y tế TP.HCM. |
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định: "Đợt bùng phát dịch liên quan nhóm tôn giáo đã trải qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm, có mức độ nguy hiểm nhất, khó kiểm soát với với các đợt bùng phát từ trước đến nay tại TP.HCM". Nhiều tòa nhà, khu dân cư, trường học, quán cà phê, công ty, đã trở thành ổ dịch do liên quan nhóm tôn giáo.
Các hội viên sống ở 16/22 quận, huyện và lây nhiễm tiếp cho các bệnh nhân tại nơi họ sống, làm việc, hình thành ổ dịch tại 20/22 địa phương của TP.HCM. Thành phố chỉ còn huyện Cần Giờ và quận 11 chưa xuất hiện ca mắc Covid-19. Đặc biệt, từ chùm ca bệnh này, dịch đã lan sang 6 tỉnh, thành phố: Long An, Tây Ninh, Bạc Liêu, Trà Vinh, Bình Dương, Đồng Tháp.
Hiện nay, một số ổ dịch đáng chú ý liên quan nhóm tôn giáo tại Công ty TNHH THIÊN TÚ FN ở Tân Bình (50 ca), Công ty TNHH IDS ở Tân Phú (23), Trường Mầm non song ngữ ở quận 12 (20).
Hơn 70% thành viên Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng ở quận Gò Vấp, TP.HCM, mắc Covid-19. Đồ họa: Thiên Nhan. |
Nhiều biện pháp dập dịch quyết liệt
Theo HCDC, nhóm tôn giáo sinh hoạt dưới 20 người nhưng khả năng lây nhiễm được đánh giá là nguy cơ cao. Nguyên nhân là họ cùng sinh hoạt trong khu vực có diện tích khoảng 50 m2, không gian kín. Trong lúc họp hội, các hội viên không đeo khẩu trang. Môi trường sinh hoạt không đảm bảo các nguyên tắc phòng chống dịch.
Nguy cơ trên đã tạo điều kiện cho virus lây lan nhanh. Minh chứng là gần như toàn bộ hội viên đều nhiễm bệnh với tốc độ lây lan nhanh, 60% người có triệu chứng.
Nhận định về ổ dịch Covid-19 liên quan nhóm tôn giáo tại quận Gò Vấp, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho rằng: "Số ca tăng nhanh trong nhóm tôn giáo làm cho tình hình dịch thành phố trở nên rất phức tạp, nhưng nó cho thấy lực lượng chống dịch của thành phố đã phản ứng rất quyết liệt".
Nơi lây nhiễm của ổ dịch Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng. Đồ họa: Thiên Nhan. |
Sau khi phát hiện nhiều ổ dịch chưa rõ nguồn lây cùng lúc, TP.HCM đã có nhiều biện pháp quyết liệt để dập dịch. Từ 0h ngày 31/5, toàn thành phố giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15+, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 trong 15 ngày.
Đặt trọng tâm chống dịch trên hết, thành phố không chủ quan, không loại trừ khả năng còn nguồn lây nhiễm khác. Một trong những sáng kiến rất hiệu quả của thành phố là tầm soát ngẫu nhiên các địa điểm có nguy cơ cao, song song với truy vết các chuỗi lây nhiễm. Giải pháp này đang được ngành y tế thành phố mở rộng.
Toàn ngành y tế được huy động tham gia lấy mẫu xét nghiệm, có ngày đạt công suất 100.000 người/ngày. Thành phố cũng chuẩn bị sẵn sàng phương án tổ chức cách ly điều trị trong tình huống có 5.000 người bệnh Covid-19.
Toàn ngành y tế TP.HCM được huy động để lấy xét nghiệm với số lượng lớn chưa từng có. Ảnh: Chí Hùng. |
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại thành phố, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên kêu gọi người dân thành phố bình tĩnh, cần cảnh giác cao độ, nhưng không hoảng hốt, sẵn sàng tham gia cùng lực lượng hỗ trợ, phòng chống dịch với ý thức trách nhiệm cao. Ngành y tế cũng đang tích cực điều tra nguồn lây, truy vết, không để lây nhiễm trong hệ thống chính quyền các cấp.
GS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, nhận định SARS-CoV-2 lan rộng tại các "sự kiện siêu lây nhiễm". Nó không bắt đầu từ một người mang tải lượng virus đặc biệt lớn mà là các hoạt động tập trung đông người, trong không gian kín, nhiều sự tiếp xúc.
Do đó, mỗi người dân cần ý thức được tầm quan trọng của việc hạn chế các hành vi nguy cơ này. Nếu người dân đều thực hiện nghiêm quy tắc 5K, dù biến chủng nào của SARS-CoV-2 cũng khó có khả năng lây lan.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.