Trong 3 ngày 25, 26, 27/12, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định tiếp nhận và điều trị cho hơn 30 bệnh nhi sốt cao sau tiêm vắc xin ComBE Five do Ấn Độ sản xuất. Loại vắc xin này phòng ngừa 5 loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/màng não do vi khuẩn Hib, thay thế cho vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem của Hàn Quốc đã ngưng sản xuất. Đây là thông tin xác nhận bởi ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định, với phóng viên Zing.vn vào chiều 31/12.
Theo đó, ngày 25 bệnh viện tiếp nhận 18 ca, ngày 26 là 8 ca và ngày 27 là 5 ca. Trong đó, có 5 trường hợp nặng (lúc đầu là 3 sau có thêm 2 trường hợp), sốt nặng, tím tái, khó thở. Các bác sĩ đã xử trí kịp thời, theo đúng phác đồ điều trị. Hiện các trẻ đã ổn định và được xuất viện.
Cũng theo ông Hùng, những ca nặng được nhận định là do phản ứng với vắc xin chứ không phải sốc phản vệ. Những ca khác sốt thông thường, bởi khi tiêm vắc xin là đưa kháng nguyên vào, cơ thể tạo kháng thể chống lại kháng nguyên đó nên gây sốt.
Vắc xin ComBE Five. |
Tùy cơ địa từng bé mà có bé sốt nhẹ, có bé sốt nặng, cũng có bé bị sốt cao gây co giật. Trẻ tiêm vắc xin xong thường bị sốt, điều quan trọng nhất đối với bác sĩ là phải theo dõi tỉ lệ nặng là bao nhiêu. Vì vậy ông Hùng khuyên các phụ huynh không nên quá lo lắng.
“Cũng giống như Quinvaxem, thời gian đầu khi tiêm ComBE Five, những mũi đầu tiên trẻ chưa thích nghi nên trẻ phản ứng cao. Những mũi tiêm nhắc lại, cơ thể thích nghi hơn, tỉ lệ phản ứng sẽ giảm xuống”, ông Hùng nói.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, đến ngày 27/12, đã có 12 tỉnh triển khai tiêm vắc xin ComBe Five gồm: Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Giang, Quảng Nam, Bình Định, Quảng Ngãi, Kon Tum, Bà Rịa Vũng Tàu, Kiên Giang, Long An với tổng số trẻ được tiêm là 69.929 trẻ. Theo báo cáo của các địa phương, ngoài phản ứng thông thường như (sốt nhẹ, sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm, các triệu chứng khác như khó chịu, quấy khóc...) ghi nhận một số trường hợp sốt cao, quấy khóc kéo dài ở Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Bình Định, Quảng Ngãi, Kon Tum với tỷ lệ khoảng 0,05% - 5,5%, các trường hợp này đều đã ổn định sau khi được cán bộ y tế theo dõi, điều trị.
Riêng tại tỉnh Nam Định, có hai trường hợp trẻ tử vong tại nhà sau tiêm chủng từ 36 đến 48 tiếng. Tuy nhiên, Hội đồng đánh giá tai biến phản ứng nặng sau tiêm chủng của tỉnh Nam Định kết luận: Trẻ tử vong không nghĩ đến phản vệ nặng liên quan đến vắc xin; không do thực hành tiêm chủng; việc tử vong chưa xác định được nguyên nhân…
Ngoài hai trường bị tử vong trên, sau tiêm chủng, toàn tỉnh Nam Định ghi nhận có 40 trường hợp trẻ phải nhập viện điều trị vì bị sốt cao, quấy khóc, một số trường hợp bị tím tái toàn thân, khó thở từ nhẹ đến nặng. Ngoài ra còn có 716 trường hợp có một số phản ứng thông thường như sốt nhẹ, sưng đau tại vị trí tiêm. Các trường hợp trên đều đã được xử lý, sức khỏe trẻ đã ổn định.