Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hơn 300 bài dự thi tham gia ‘Tri thức trẻ vì giáo dục 2017’

Cuộc thi với giải thưởng lên đến 100 triệu đồng nhanh chóng hu hút hàng trăm bài dự thi từ các cá nhân đến từ mọi vùng miền trên cả nước.

Khác với năm 2016, vòng chung khảo năm nay mở rộng cho nhiều đối tượng tham gia. Đại diện ban tổ chức chương trình - ông Trịnh Văn Hào, Giám đốc marketing, Tập đoàn Thiên Long cho biết: “Với điểm mới này, chương trình mong muốn xã hội hiểu rõ các đánh giá chuyên môn của hội đồng chung khảo về những điểm mới và tính khả thi của từng công trình. Đồng thời, nhờ truyền thông, trí thức trẻ có cơ hội chia sẻ những trăn trở, tâm huyết cho ngành giáo dục”.

Cuộc thi năm nay thu hút 329 công trình, sáng kiến của đoàn viên, thanh niên, trí thức trẻ trong cả nước. Trong đó có 171 công trình, sáng kiến đổi mới giáo dục; 84 công trình, sáng kiến sáng tạo, chế tạo ra các công cụ phục vụ giảng dạy và học tập; 74 công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục. Sau vòng sơ khảo, chương trình chọn ra 10 công trình xuất sắc nhất để bước vào vòng chung kết.

Tri thuc tre vi giao duc anh 1
Top 10 công trình được chọn vào vòng chung kết “Tri thức trẻ vì giáo dục 2017”.

Tại vòng chung khảo, các tác giả của 10 công trình được chọn vào vòng chung khảo sẽ có 7 phút để trình bày những điểm mấu chốt. Dựa trên hai tiêu chí là tính mới mẻ và tính khả thi, hội đồng giám khảo sẽ phản biện để thẩm định và quyết định kết quả cuối cùng.

Tri thuc tre vi giao duc anh 2
Hội đồng chung khảo (từ trái sang phải) gồm: GS. TS Nguyễn Minh Thuyết - Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016-2021, TS. Nguyễn Quân, Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và PGS. TS. Trần Quang Quý - Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nhận xét về chung về 10 công trình tiêu biểu của cuộc thi, TS. Nguyễn Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá: “Đa số công trình trong top 10 đều mới và có tính sáng tạo. Nhiều công trình bám sát thực tiễn, nghiên cứu sâu các vấn đề để nâng cao chất lượng giáo dục".

"Điểm nổi bật là hầu hết công trình đều ứng dụng công nghệ thông tin như thí nghiệm ảo, lớp học ảo… Khả năng ứng dụng của những công trình này cao vì công nghệ thông tin đang chiếm ưu thế lớn. Chúng tôi cũng đánh giá cao những công trình kết hợp thực tại ảo và thực tế để học sinh phát triển toàn diện và hệ thống hóa kiến thức”, TS. Nguyễn Quân nói thêm.

Tri thuc tre vi giao duc anh 3
Phần thuyết trình của cô giáo Nguyễn Thu Quyên, tác giả công trình vận dụng công nghệ 3D thiết kế và sử dụng bảo tàng ảo trong dạy học lịch sử ở trường THPT.

Trong khi đó, GS. TS Nguyễn Minh Thuyết - Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016-2021, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông cho biết: “Tôi thấy nhiều công trình dự thi xuất phát từ thực tế giảng dạy. Nếu trong thời gian tới, các tác giả hoàn thiện sẽ góp phần phát triển năng lực học sinh, tăng sự trải nghiệm thực tế với kinh phí thấp”. Đồng thời, ông Thuyết cũng rất ấn tượng với các tác giả mới là học sinh nhưng đã có những đề tài hay nhằm nâng cao kỹ năng sống cho bạn bè đồng trang lứa.

Không chỉ đưa ra những câu hỏi phản biện, hội đồng giám khảo cũng đưa ra nhiều ý kiến góp ý để hoàn thiện công trình. Bạn Phạm Hoàng Ân - tác giả công trình “Áp dụng hình thức debate quốc tế vào chương trình THPT tại Việt Nam” chia sẻ: “Ý kiến góp ý của các thầy trong ban giám khảo rất hợp lý và gợi mở cho tôi nhiều hướng để tiếp tục tích hợp hình thức tranh biện vào các môn học”.

Kết quả chung cuộc chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục 2017 sẽ được công bố trong lễ trao giải, diễn ra vào tối 9/11 tại Hà Nội.

Mộc Trà

Bạn có thể quan tâm