Hôn nhân không hạnh phúc vì "sống thử"
“Dám yêu, dám sống nhưng giới trẻ sống chung chưa đủ bản lĩnh đương đầu với dư luận”. Đó là nhận xét của thạc sĩ Lưu Phương Thảo khi thực hiện đề tài nghiên cứu.
Từ những khó khăn gặp phải, những bạn trẻ dấn thân vào cuộc sống thử dần trở nên mất niềm tin vào sự ổn định của cuộc sống chung. Số liệu khảo sát cho thấy lòng tin vào độ bền vững của cuộc sống chung giảm dần theo thời gian.
Khảo sát trên 228 bạn trẻ đang sống thử để thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Hiện tượng chung sống trước hôn nhân của giới trẻ độc thân tại TPHCM trong mối quan hệ với độ ổn định của gia đình trẻ” do thạc sĩ Lưu Phương Thảo (Trung tâm Xã hội học – Viện KHXH vùng Nam Bộ) làm chủ nhiệm, cho thấy: Các bạn trẻ độc thân sống chung với nhau từ dưới 1 năm đến 2 năm có tỉ lệ mong muốn kết hôn là 77,3%. Tỉ lệ này chỉ còn 58,8% sau hơn 3 năm chung sống.
Tỉ lệ cảm thấy hạnh phúc không cao
Theo thạc sĩ Lưu Phương Thảo, đối với việc chung sống trước hôn nhân, ban đầu đó là niềm vui vì họ được ở bên nhau, được chăm sóc cho nhau, được có tình yêu và chung sống như một gia đình trẻ. Nhưng rồi cuộc sống chung không chỉ có những ngày êm đềm hạnh phúc mà có cả những ngày ảm đạm... Những nỗi lo lắng về việc phải che giấu cuộc sống chung với cha mẹ, họ hàng, bạn bè, láng giềng rồi lo lắng cơm áo gạo tiền, có thai ngoài ý muốn, cãi nhau, nhàm chán nhau...
Từ những khó khăn gặp phải, những bạn trẻ dấn thân vào cuộc sống thử dần trở nên mất niềm tin vào sự ổn định của cuộc sống chung. Số liệu khảo sát cho thấy lòng tin vào độ bền vững của cuộc sống chung giảm dần theo thời gian. Đối với các đôi sống chung dưới 2 năm, 58% tin rằng cuộc sống chung sẽ bền vững. Trong khi đó, tỉ lệ này giảm xuống chỉ còn 33% đối với các cặp đã sống chung hơn 3 năm. Thời gian sống thử càng lâu thì người trong cuộc càng kém niềm tin vào độ ổn định của cuộc sống chung.
“Dám yêu, dám sống nhưng giới trẻ sống chung chưa đủ bản lĩnh đương đầu với dư luận”. Đó là nhận xét của thạc sĩ Lưu Phương Thảo khi thực hiện đề tài nghiên cứu. Vì vậy tỉ lệ cảm thấy hạnh phúc không cao, nhất là ở phía bạn gái. Nếu như họ có đủ bản lĩnh dám sống, dám yêu và dám chịu trách nhiệm với tình yêu của mình thì cho dù người ngoài cuộc có nói gì, dư luận xã hội có lên án đi chăng nữa thì họ vẫn có thể cảm thấy hạnh phúc. Nhưng đằng này, họ lại không đủ tự tin để cho rằng mình đã lựa chọn đúng.
Không nên sống chung trước hôn nhân
Một bạn gái trong cuộc tham gia vào đề tài nghiên cứu nói trên, hiện là nhân viên bán hàng, trình độ đại học, chung sống với bạn trai được 2 năm, chia sẻ: “Đừng bao giờ sống chung trước, vì không có gì ràng buộc chắc chắn để giữ được anh ta. Đối với tôi, cho đến hôm nay chưa có gì biết được anh ta có thật lòng với mình hay không, vì ngay cả gia đình anh ở đâu tôi cũng không biết”.
Tỉ lệ về lời khuyên không nên chung sống trước hôn nhân cũng khá cao ở những người trong cuộc. 27,6% cho rằng “không nên chung sống trước hôn nhân vì điều đó mang lại những bất hạnh”, 17,5% cho rằng “hãy suy nghĩ cho thật kỹ để không hối tiếc”. Rất nhiều lời khuyên khác như “hãy lo cho sự nghiệp trước đã”, “nên cho gia đình biết rồi hãy sống chung” hoặc là “kết hôn trước rồi hãy sống chung”...
Theo Người Lao Động