Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hơn nửa Millennials và Gen Z ở Mỹ vẫn xin tiền cha mẹ

Phần lớn Millennials (sinh năm 1981-1996) và Gen Z (sinh năm 1997-2012) vẫn chưa thoát khỏi việc phụ thuộc tài chính vào cha mẹ.

2/3 Millennials cảm thấy xấu hổ khi phải nhờ sự hỗ trợ tài chính từ gia đình.

Theo một cuộc khảo sát từ văn phòng tín dụng Experian được công bố hôm 28/6, hơn một nửa (54%) số người thuộc 2 nhóm thế hệ này vẫn nhờ sự trợ giúp về mặt kinh tế từ gia đình, Insider đưa tin.

47% Millennials được hỏi cho biết họ rất cần hỗ trợ tiền bạc từ phụ huynh. Con số này ở nhóm Gen Z là 60%.

Theo các nhà phân tích, có hai điểm thú vị được rút ra trong nghiên cứu của họ. Một là phần lớn người tham gia không cảm thấy vui vẻ khi nhận giúp đỡ của cha mẹ.

Hơn 2/3 (70%) thế hệ Millennials ở Mỹ thấy xấu hổ khi phải nhờ gia đình hỗ trợ. Số đông Gen Z cũng có cảm nhận tương tự.

Điểm đặc biệt thứ 2 là người trẻ không đồng ý với thói quen chi tiêu của cha mẹ mặc dù đang phụ thuộc vào nguồn tiền này.

64% người trả lời rằng họ không nghĩ các bậc phụ huynh là những tấm gương tốt để noi theo.

Hơn 40% tiết lộ cha mẹ họ có hành vi tiêu xài xấu hoặc đã từng làm vậy trong quá khứ.

Khoảng 1/3 chia sẻ cha mẹ không dạy cho họ những kiến thức về tài chính cá nhân và 16% hoàn toàn tránh nói chuyện tiền bạc.

Ngoài ra, 57% Gen Y và Gen Z cũng gặp khó khăn trong việc từ chối mua hàng bốc đồng. Hơn 60% muốn chi tiền cho những trải nghiệm cuộc sống hiện tại hơn là tiết kiệm rồi bỏ vào quỹ hưu trí.

Millennials va gen z anh 1

Nhiều người trẻ Mỹ trở về nhà cha mẹ trong bối cảnh tiền thuê nhà, sinh hoạt phí tăng cao. Ảnh: The Hill.

Thống kê của Experian dựa trên phản hồi trực tuyến từ 2.008 người trưởng thành ở Mỹ và được thực hiện trong tháng 3-4/2023.

Theo Bloomberg, chi phí nhà ở tăng chóng mặt, nợ sinh viên và nhiều vấn đề khác đang khiến giới trẻ Mỹ khó tìm được chỗ đứng.

Các cột mốc từng được cho là quan trọng như chuyển ra ngoài sống và mua nhà riêng ngày càng trở thành giấc mơ xa tầm với, đặc biệt là khi lạm phát đẩy giá nhu yếu phẩm lên cao.

Cuối năm 2022, Cục Thống kê Dân số Mỹ báo cáo gần một nửa số thanh niên trong độ tuổi 18-29 đang sống cùng cha mẹ. Trong đó, nam giới chiếm 18% và nhóm còn lại là 12%. Đây là con số lớn chưa từng có kể từ cuộc Đại suy thoái toàn cầu năm 2009.

Thực tế, ngày càng nhiều người trẻ chọn sống chung cùng cha mẹ, dù còn độc thân hay đã lập gia đình.

Nguyên nhân được đưa ra là do lãi suất thế chấp cao, giá bất động sản tăng liên tục, cuộc khủng hoảng chi phí khiến không ít người đã từ bỏ việc tiết kiệm, mua nhà.

Thay vào đó, họ đang hướng tới mục tiêu ngắn hạn và dễ đạt hơn: sở hữu túi hiệu, quần áo và phụ kiện xa xỉ.

Trong một chương trình, nhân vật nổi tiếng về tài chính cá nhân Dave Ramsey (62 tuổi) đã chia sẻ suy nghĩ về việc giới trẻ ngày này được coi là những kẻ lười biếng, được phụ huynh quá nuông chiều.

"Các bạn sống dưới tầng hầm của mẹ, nhưng lại mua được một chiếc túi hàng hiệu. Bạn không thể trốn tránh cuộc sống mãi được, mẹ bạn cũng không thể bảo vệ bạn mãi được", ông chỉ trích.

Niềm vui và nỗi buồn của công việc

Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con.

Hai mục tiêu khác biệt của Gen Z và Millennials khi đi làm

Trong khi Millennials đặt ra mục tiêu, động lực rõ ràng cho sự nghiệp thì Gen Z quan tâm nhiều hơn đến mức lương, chế độ đãi ngộ và khả năng sếp đầu tư cho mình.

Thảo Ngân

Bạn có thể quan tâm