Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hồng Nhung xin lỗi vì hát sai ca khúc của cố nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo

Sau phần thể hiện "Làng quan họ quê tôi", Hồng Nhung nán lại sân khấu để xin lỗi khán giả vì đã hát sai lời ca khúc của cố nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo.

'Làng lúa, làng hoa' - Hồng Nhung, Tùng Dương Đây là lần đầu hai ca sĩ song ca "Làng lúa, làng hoa", sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Ngọc Khuê.

Đêm nhạc Mùa xuân nho nhỏ, do nhạc sĩ Hồng Kiên làm giám đốc nghệ thuật, diễn ra vào tối 27/1 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội. Đây là live show có chủ đề về Tết xưa với sự góp giọng của Hồng Nhung, Tùng Dương, Trọng Tấn và Tấn Minh. 

Đa số các khán giả nữ đến với đêm nhạc mặc áo dài. Họ cùng nhau chụp ảnh tại sảnh chính của Nhà hát Lớn, nơi được trang trí giống một góc phố chợ xuân với đào, cánh thiệp in hoa...

Hong Nhung xin loi anh 1
Hồng Nhung xuất hiện với áo dài đỏ, không giới thiệu từ trước và cất tiếng hát Làng quan họ quê tôi.

Trong đêm nhạc, Hồng Nhung là giọng ca được chờ đợi nhất. Nữ ca sĩ xuất hiện với áo dài đỏ, không giới thiệu từ trước và cất tiếng hát Làng quan họ quê tôi. Đây là sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, ông vừa qua đời vào ngày 7/1 trong sự tiếc thương của bạn bè, văn sĩ, khán giả.

Âm thanh của Làng quan họ quê tôi cất lên cũng như một lời tri ân, tưởng nhớ đến cố nhạc sĩ tài hoa. Tuy vậy, do lần đầu thể hiện ca khúc, Hồng Nhung đã hát sai lời đôi chỗ. Ngay sau đó, nữ ca sĩ mở lời xin lỗi khán giả. Sau khi mở lời, cô tếu táo "xin được trừ cát-xê" khiến khán giả cười ồ.

Nhưng sau đó cũng chính Hồng Nhung khiến khán giả nao lòng khi hát Nhớ về Hà Nội với những câu tình tự: "Ôi nhớ chiều ba mươi Tết, chen giữa đào hoa tươi thắm/ Đường phố đông vui chờ đón Tân niên, là phút thiêng liêng lắng nghe thơ Người".

Ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, đồng thời cũng là một trong những bản hit của Hồng Nhung nhận được sự tán thưởng của người nghe. Một thời "ta đánh giặc trên mâm pháo", đơn sơ, cổ kính, đẹp đẽ, lãng mạn đến từng góc phố con đường như vẫn còn đây trong âm nhạc. 

Sau những nỗi buồn của hôn nhân, Hồng Nhung vẫn nồng nàn khi hát về Hà Nội bằng những tình cảm không phải giọng ca nào cũng có được. Sau đó, diva tiếp tục dành tặng khán giả Làng lúa, làng hoa, kết hợp với Tùng Dương. Nữ ca sĩ kể cô sinh ra ở cạnh Hồ Tây, ông ngoại là hiệu trưởng trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An), do vậy, cô có nhiều kỷ niệm với "làng lúa, làng hoa".

Ngoài Hồng Nhung, các nghệ sĩ khác thể hiện tròn trịa trong đêm nhạc. Tấn Minh với Gửi người em gái (Đoàn Chuẩn), Mùa xuân (Phạm Minh Tuấn), Trở về (Dương Thụ).

Trọng Tấn được yêu thích khi hát ca khúc gắn liền với tên tuổi của bản thân - Cung đàn mùa xuân (Cao Việt Bách). Phần trình diễn acoustic Mùa chim én bay (Hoàng Hiệp) của Trọng Tấn với nhạc sĩ Thanh Phương cũng là một trong những tiết mục ấn tượng.

Hong Nhung xin loi anh 2
Trọng Tấn được yêu thích khi hát ca khúc gắn liền với tên tuổi của bản thân - Cung đàn mùa xuân (Cao Việt Bách).

Trong khi, Tùng Dương vẫn giữ được vị trí của một giọng hát tốt khi solo Đàn chim Việt (nhạc: Văn Cao, lời: Phạm Duy), Mộng dưới hoa (Phạm Đình Chương). Khi hát Mùa xuân bên cửa sổ (Xuân Hồng), anh được khán giả đón nhận và hát cùng. 

Đêm nhạc khép lại với Xuân chiến khu (Xuân Hồng) và ca khúc chủ đề Mùa xuân nho nhỏ (Trần Hoàn) do cả bốn ca sĩ cùng thể hiện. Công bằng, phối và chơi nhạc không quá đột phá, cách sắp xếp ca sĩ cũng còn gây tiếc nuối. Tuy nhiên, một live show như vậy cũng mang đến những tình tự đẹp đầu xuân.

Hong Nhung xin loi anh 3
Đêm nhạc khép lại với Xuân chiến khu (Xuân Hồng) và ca khúc chủ đề Mùa xuân nho nhỏ (Trần Hoàn) do bốn ca sĩ cùng thể hiện.

Nhà báo Diễm Quỳnh ngồi ngay hàng đầu, sau đêm nhạc, chị viết trên trang cá nhân: "Mỗi bài hát thuở loa phường lần lượt vang lên thật lộng lẫy huy hoàng. Cứ tưởng như mỗi người đều trở về căn nhà xưa yêu dấu của mình, phập phồng chờ Tết đến, rạo rực nghe hát hội, lặng lẽ ngắm ai đó hôn nhau bên cửa sổ cao cao".

"Quá khứ nghèo và gian nan về vật chất nhưng giàu có nồng hậu tình người cứ ùa về thênh thang qua từng giai điệu cũ thân quen. Sau này già đi, hẳn mình sẽ như ông bà cha mẹ, quên hết những âu lo vất vả, mà dành ký ức cho những điều đẹp đẽ ngọt ngào, trong đó ắt phải tràn đầy âm nhạc, thứ kỷ niệm mà mỗi khi được gợi nhớ, lại khiến tim mình rung rinh. Một Mùa xuân nho nhỏ, nhưng là một món quà thật to, đủ đầy dư vị cho những ai đang bồi hồi đón Tết nay mà nhớ về Tết cũ", nữ nhà báo bày tỏ.

Khuê Tú

Bạn có thể quan tâm