Đa số các huấn luyện viên thường trao đổi lịch ăn uống, tập luyện với học viên để nâng cao hiệu quả. Ảnh: Freepik. |
"Mỗi ngày 2-3 lần, tôi đều gửi hình bữa ăn của mình cho huấn luyện viên. Đây là một trong những yêu cầu khi tôi ký hợp đồng tập luyện. Thực đơn mỗi ngày ăn gì, lượng calo tiêu thụ bao nhiêu, tôi đều được huấn luyện viên gửi lịch sẵn", Trịnh Hải Yến (23 tuổi, Hà Nội) nói.
Ngoài việc trao đổi thực đơn ăn uống, Hải Yến cho hay huấn luyện viên cũng thường xuyên thúc giục cô đi tập đều đặn, đúng giờ.
Áp lực vì phải báo cáo ăn uống và tập luyện mỗi ngày
"Thời gian đầu tôi thấy không quen lắm vì bữa nào ăn gì cũng phải chụp lại ảnh và gửi cho huấn luyện viên. Việc này khiến tôi khá áp lực vì phải từ bỏ nhiều món ăn yêu thích hay có những ngày muốn nghỉ nhưng huấn luyện viên lại liên tục nhắn tin yêu cầu đi tập", cô gái 23 tuổi kể.
Tuy nhiên, vì mong muốn tập luyện có hiệu quả, Hải Yến vẫn tuân thủ đầy đủ các yêu cầu huấn luyện viên đưa ra. Dù khá bất tiện và áp lực nhưng cô thấy việc này có hiệu quả. Nhờ những yêu cầu này, cô ăn uống khoa học và tập luyện đều đặn hơn. Từ một cô gái có thân hình mũm mĩm, Hải Yến hiện sở hữu vóc dáng cân đối, thon gọn.
Hải Yến cảm thấy áp lực vì thường xuyên phải báo cáo với huấn luyện viên mỗi ngày nhưng cô nhận thấy đây là việc cần thiết. Ảnh: NVCC. |
"Huấn luyện viên quan tâm bữa ăn, giấc ngủ của tôi còn hơn cả bạn trai", đó là chia sẻ của Bích Ngọc (28 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội). Bích Ngọc cho hay trong khoảng một tháng đầu, huấn luyện viên nhắc nhở cô rất kỹ lưỡng về chế độ ăn và việc tập luyện ra sao. Gần đây, khi đã quen hơn với cách ăn uống khoa học và tập đều đặn, hành động này cũng thưa dần.
"Khoảng một tuần liền không thấy tôi báo cáo, huấn luyện viên sẽ hỏi lại. Tuy nhiên, huấn luyện viên khá tin tưởng vào nếp sinh hoạt và tập của tôi rồi nên sẽ để tôi chủ động báo cáo. Một số buổi tôi quá bận, không thể đến phòng tập, huấn luyện viên sẽ gọi facetime để hướng dẫn tập ngay tại nhà", Bích Ngọc nói.
Với Võ Quang Tiến (25 tuổi, TP.HCM), anh cho hay bản thân thường xuyên "trốn" trao đổi với huấn luyện viên vì kết quả tập luyện kém. "Tôi mua gói tập online với huấn luyện viên gym trong 3 tháng qua mạng. Mỗi tuần, họ yêu cầu phải báo cáo kết quả tập một lần bằng hình ảnh nhưng tôi thường tìm lý do để trốn tránh. Bởi tôi không tập đầy đủ theo lịch của huấn luyện viên, dẫn đến kém hiệu quả", Quang Tiến cho hay.
Theo sát chế độ của học viên là cần thiết
Theo huấn luyện viên thể hình Vũ Hùng Anh, chủ phòng tập private (mô hình phòng gym cung cấp dịch vụ huấn luyện cá nhân 1 kèm 1), cho hay trước khi bắt đầu khóa tập, anh đều yêu cầu học viên báo cáo đầy đủ về hình ảnh thực đơn ăn uống mỗi ngày.
"Dinh dưỡng chiếm phần quan trọng trong việc quyết định kết quả tập nên cần được tuân thủ nghiêm ngặt, dù mục tiêu của bạn là giảm hay tăng kg. Tuy nhiên, chỉ khoảng 50% học viên báo cáo đầy đủ. Những người này cũng thường đi tập chăm chỉ hơn. Trường hợp không báo cáo thường có nhiều lý do như đi chơi, đi nhậu, đi tiệc cưới...", huấn luyện viên Hùng Anh nói.
Theo các huấn luyện viên, việc trao đổi thường xuyên với huấn luyện viên là cần thiết. Ảnh: NVCC. |
Huấn luyện viên này cũng cho biết thường chỉ sau khoảng 2 tuần, học viên sẽ "lười" báo cáo hơn dù huấn luyện viên có thúc giục. Một số trường hợp thậm chí không muốn nhắn tin hay nghe điện thoại gọi đến phòng gym chỉ sau vài buổi tập.
"Việc tương tác với học viên mỗi ngày tôi thấy rất cần thiết vì tác động nhiều đến kết quả tập. Những người ăn uống lành mạnh và tập luyện đều đặn sẽ có kết quả tốt hơn. Nam giới cũng thường hời hợt hơn vì phái đẹp luôn quan tâm đến bản thân nhiều hơn đàn ông. Đàn ông thường hay nghĩ 'bụng to một chút cũng không sao'", nam huấn luyện viên nói.
Ngoài ra, cũng không ít trường hợp than vãn rằng bị stress hay áp lực vì huấn luyện viên thường xuyên nhắn tin, gọi điện yêu cầu đi tập và ăn đúng theo thực đơn. Huấn luyện viên Hùng Anh cho hay những khi như vậy anh thường động viên và mong khách hàng thông cảm. Những việc này để đảm bảo sự tiến bộ của học viên và chất lượng giảng dạy.
Cũng từ việc thường xuyên trao đổi, trò chuyện với học viên, đặc biệt nữ giới, huấn luyện viên này cho biết có đồng nghiệp của anh từ rơi vào tình huống khó xử như chồng, bạn trai của khách hàng ghen tuông.
"Nhiều người có thể vẫn còn ác cảm với nghề huấn luyện viên. Tuy nhiên, huấn luyện viên cần đặt mục tiêu của học viên lên trên hết và biết cách giữ khoảng cách trong từng hành động để tránh bị hiểu lầm", Hùng Anh chia sẻ.
Huấn luyện viên Hùng Anh cho biết không ít trường hợp than vãn rằng bị stress hay áp lực vì huấn luyện viên thường xuyên nhắn tin, gọi điện yêu cầu đi tập và ăn đúng theo thực đơn. Ảnh: NVCC. |
Đồng quan điểm, huấn luyện viên Ngô Thu Thủy (Hà Nội) cho rằng việc tập luyện phụ thuộc rất nhiều vào ý thức tự giác của mỗi người. Huấn luyện viên luôn "giao kèo" việc đi tập đầy đủ và báo cáo chế độ ăn uống thường xuyên, nhưng không phải ai cũng thực hiện được.
Theo huấn luyện viên Phạm Văn Dũng (chủ phòng tập private tại Hai Bà Trưng, Hà Nội), khi học viên hào hứng với việc tập luyện, huấn luyện viên cũng có nhiều động lực hơn trong việc hướng dẫn.
"Không phải một số nhỏ mà rất nhiều người chỉ chăm chỉ tập trong khoảng 2 tuần đến một tháng đầu đi tập. Sau đó, họ tìm cách giãn dần các buổi tập, dẫn đến kết quả không cao. Một số học viên có yêu cầu huấn luyện viên phải cam kết kết quả tập bằng con số cụ thể. Vì vậy, các huấn luyện viên đôi khi cần đưa ra những quy định trong thời gian tập để nâng cao hiệu quả", nam huấn luyện viên cho hay.