5h sáng, anh Lưu Trí Nghĩa (1986) chuẩn bị đồ đạc rồi cùng mẹ đến quán cà phê nhỏ trên đường Bắc Hải, quận 10 để làm việc. Từ khi dịch bùng phát hồi đầu năm 2020, anh Nghĩa đã tập làm quen với công việc mới - bán cà phê sáng.
Mở điện thoại ra xem lại những tấm hình cũ, anh thoáng buồn: “Hơn một năm nay không đi tour, lâu lâu chỉ biết mở hình cũ lên xem cho đỡ nhớ”.
Đổi nghề
Quán buổi sáng, khách đến liên tục anh Nghĩa hết hướng dẫn khách chỗ đậu xe, rồi lại chạy vào quầy pha chế để lấy nước ra cho khách. Anh cho biết công việc hướng dẫn viên vốn là làm dịch vụ, chăm sóc cho khách hàng nên khi chuyển sang bán cà phê cũng không quá lúng túng.
Anh Nghĩa đã dần quen với công việc mới trong mùa dịch. Ảnh: Toàn Nguyễn. |
Trí Nghĩa theo nghề hướng dẫn viên du lịch từ năm 2009, dẫn tour nội địa đến năm 2015 thì anh chuyển sang dẫn tour quốc tế. Tháng 2 năm ngoái, Covid-19 bùng phát. “Mình dẫn đoàn khách từ Hàn Quốc về thì công việc bị tạm hoãn. Ban đầu tôi nghĩ chắc dịch chỉ kéo dài 1-2 tháng, tự an ủi là có thời gian để nghỉ ngơi, nhưng dịch không ngờ lâu đến như vậy ".
Mọi thứ trong cuộc sống bắt đầu xáo trộn. “Nhiều lúc tôi bị stress. Tôi bắt đầu dùng đến tiền tiết kiệm, rồi rút bảo hiểm xã hội. Lâu ngày không đi làm đầu óc cũng tù túng, ù lì hơn”, anh Nghĩa nói.
Anh Nghĩa thường lại mở lại hình ảnh chuyến đi cũ cho vơi nỗi nhớ công việc. Ảnh: NVCC. |
Nhiều đồng nghiệp của anh nhanh chóng tìm công việc mới để trang trải cho cuộc sống, có người chạy xe ôm công nghệ, có người làm bảo vệ, hay chuyển sang kinh doanh nhỏ…
Dịch bệnh xảy ra bất ngờ, không phải ai cũng đủ tâm thế và kiến thức nền để đổi nghề ngay lập tức. Anh Nghĩa bắt đầu tìm hiểu kinh doanh online rồi tập tành buôn bán, được một thời gian thì đi phụ bán cà phê để kiếm thêm thu nhập. Buổi sáng anh đến quán bán, chiều về nếu có đơn thì đi giao cho khách.
Sau khi trải qua nhiều công việc Hải quyết định ổn định bằng cách tự kinh doanh. Ảnh: Toàn Nguyễn. |
Trần Ngọc Hải (1996) là một hướng dẫn trẻ ở TP.HCM, như các đồng nghiệp trong mùa dịch Hải đã trải qua nhiều công việc để ổn định cuộc sống.
“Ban đầu mình chuyển sang làm shipper, nhưng đơn hàng không nhiều nên lại tiếp tục tìm cơ hội ở công việc khác", Hải kể.
Có thời điểm, anh làm cùng một lúc 3 công việc. “Buổi sáng mình đi làm hướng nghiệp ở trường đại học, trưa tranh thủ nhận làm thêm thiết kế, tối lại chạy qua quán ăn để phụ việc. Nhiều khi nghĩ làm nhiều để không có thời gian nhớ đến những ngày đi tour".
Hy vọng ngày trở lại
Trải qua nhiều công việc, hiện tại Hải cùng một người quen mở một xe bán gỏi đu đủ Thái (Som Tum) ở chợ Hồ Thị Kỷ. “Tôi nghĩ mình cần làm cái gì đó chắc chắn hơn, để nếu dịch có diễn biến ra sao thì vẫn xoay sở được. Mùa dịch cũng như một phép thử cho bản thân tôi, nó giúp tôi cứng cáp hơn, học thêm nhiều điều hay", Hải tâm sự.
Anh Nghĩa cũng đồng quan điểm với Hải, anh cho biết: “Dịch bệnh đem tới rất nhiều bất lợi, nhưng cũng là dịp để thử thách mỗi người, buộc chúng ta bước ra khỏi vùng an toàn của mình, biết thích nghi với thời cuộc, để sống”.
Hải, anh Nghĩa cũng như nhiều đồng nghiệp là hướng dẫn viên đang mong chờ ngày du lịch mở cửa. Ảnh: NVCC. |
Trước câu hỏi: sau này có tiếp tục theo nghề hướng dẫn viên du lịch nữa không? Anh Nghĩa thật lòng nói: “Tôi vẫn hy vọng được trở lại với công việc hướng dẫn viên, vì đó là công việc tôi yêu thích, cũng như đã dành nhiều thời gian để học tập, theo nghề”.
“Lâu lâu ngồi nhớ nghề, lên mạng chia sẻ lại hình cũ, rồi có hôm nằm mơ thấy mình dẫn khách đi shopping mall. Vậy nên tôi chờ ngày được trở lại với công việc cũ lắm", Hải chia sẻ.
Theo anh Nghĩa nhiều đồng nghiệp của anh đã dành thời gian này để theo học các khoá học nâng cao kiến thức, vốn ngoại ngữ, chuẩn bị sẵn sàng “chiến đấu" sau khi dịch được kiểm soát. “Anh em hướng dẫn viên động viên nhau cùng cố gắng đợi ngày du lịch mở cửa", Hải nói.