Nhằm giới thiệu mô hình xuất khẩu thông qua sàn thương mại điện tử và nền tảng Amazon, hội thảo chuyên đề “Tăng doanh số bán hàng cùng Amazon, Tiki” diễn ra với sự góp mặt của đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng 300 doanh nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất, phân phối, xuất nhập khẩu…
Với sự phát triển mạnh mẽ của nền tảng công nghệ 4.0, việc ứng dụng các phương thức thanh toán không tiền mặt, QR code trong bán hàng hay đề xuất giải pháp tăng doanh số bán hàng rất được chú trọng. Bên cạnh đó, hệ lụy từ diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến Nhà nước yêu cầu cấp bách việc đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đảm bảo an sinh xã hội.
Các diễn giả tham dự hội thảo chuyên đề. |
Tại buổi thảo luận, các doanh nghiệp đưa ra nhiều đề xuất ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nhằm xúc tiến thương mại, góp phần ổn định kinh tế nước nhà. Doanh nghiệp cũng được lắng nghe những ý kiến chia sẻ từ chuyên gia đầu ngành để có cái nhìn tổng quan về lĩnh vực phân phối và xuất khẩu hàng hóa.
Đại diện Amazon Việt Nam cho biết: “Sau hơn 20 năm thành lập và phát triển, chúng tôi đã xây dựng thành công hệ sinh thái thương mại toàn cầu. Thông qua Amazon, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội tiếp cận khách hàng toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt cơ hội để hội nhập, đưa những sản phẩm ‘made in Vietnam’ đi khắp thế giới”.
Tuy nhiên, vị này cũng khẳng định dịch Covid-19 đã thay đổi xu thế tiêu dùng của người dân. Các nước trên thế giới đang dần tái khởi động nền kinh tế, mở cửa biên giới. “Cơ hội phát triển trên sàn thương mại điện tử ngày càng mạnh mẽ, xu thế thay đổi nhanh, mình không làm sẽ có người khác làm ngay bây giờ”, đại diện Amazon nói.
Đứng trước xu hướng kinh doanh hiện tại, một sàn thương mại điện tử khác là Tiki đã áp dụng nhiều chiến lược để có thể tìm được chỗ đứng trên thị trường. Trong buổi thảo luận, đại diện thương hiệu này đã chia sẻ chiến lược xây dựng trải nghiệm mua sắm và bí quyết giúp tăng tốc nhanh, tinh gọn với mạng lưới thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Văn Chính - Phó tổng giám đốc CTCP iCheck. |
Đứng trước những cơ hội, thách thức cho các doanh nghiệp sản xuất hiện nay, việc khẳng định thương hiệu và uy tín là một trong những yêu cầu cốt lõi giúp doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là tìm ra giải pháp xử lý tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan.
iCheck được biết đến là thương hiệu hoạt động trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc hàng hóa, giúp chống hàng giả, hàng kém chất lượng và đưa sản phẩm chính hãng đến tay người tiêu dùng. Hệ thống Agri360 của iCheck đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai đào tạo, tập huấn công nghệ mới vào quá trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Chính - Phó tổng giám đốc CTCP iCheck cho biết, dịch vụ truy xuất nguồn gốc này là công cụ hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp về quy trình đăng ký mã số và đánh giá vùng trồng, nhà xưởng; quá trình ghi chép nhật ký hoạt động nội bộ gồm xuống giống, bón phân, chăm sóc cây, vật nuôi, thu hoạch, sản xuất, chế biến, đóng gói...; ghi chép các hoạt động tư vấn, kiểm tra, giám sát vùng sản xuất, trang trại, nhà xưởng đóng gói, nhà máy; mua bán, cung cấp, chuyển giao, trao đổi, tiêu hủy sản phẩm hoặc vật tư; vận chuyển sản phẩm, vật tư.
Bình luận