Trí tuệ sắc bén, kiến thức sâu rộng, chuyên môn vượt trội, lãnh đạo tốt, tích cực hoạt động thiện nguyện… là những đánh giá của đồng nghiệp cũng như đối tác dành cho tiến sĩ (TS) 35 tuổi Nguyễn Đình Quý.
Nền tảng công nghệ và dữ liệu lớn kết nối gần 500.000 người Việt toàn cầu
Vị TS từng tốt nghiệp ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) hiện là quản lý phát triển - kỹ sư cấp cao của Mitsubishi Electric Ltd. tại Mỹ.
Với mong muốn đóng góp cho đất nước từ xa trong lĩnh vực nghiên cứu và giáo dục, Nguyễn Đình Quý cùng một số bạn bè Việt Nam ở Mỹ đã xây dựng dự án công nghệ và trang web VietSearch (https://vietsearch.org/) nhằm thúc đẩy ứng dụng STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghệ 4.0 tại Việt Nam. VietSearch bao gồm nhiều dữ liệu về người Việt, công ty Việt và sự kiện Việt trên thế giới.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Quý. |
"Công nghệ thông tin và các ứng dụng mới (thu thập dữ liệu tự động, thống kê, phân tích, trí tuệ nhân tạo…) có thể tạo thành kênh thông tin và môi trường kết nối giữa người Việt trên toàn thế giới một cách dễ dàng hơn.
Đặc biệt, các bạn trẻ trong nước có thể tìm kiếm thông tin nhanh chóng và tổng hợp về giáo dục, công nghệ (học bổng, các du học sinh, các giáo sư người Việt, các chuyên gia người Việt tại nước ngoài…) để trao đổi kiến thức và hợp tác nghiên cứu từ xa", TS Nguyễn Đình Quý khẳng định.
VietSearch được xây dựng trên nền tảng công nghệ thông tin (web, khai phá dữ liệu, phân tích dữ liệu…) nhằm tạo cơ sở dữ liệu và cầu nối các hoạt động kinh doanh/giáo dục/từ thiện... giữa người Việt trong và ngoài nước.
Dự án đã hoàn thiện giai đoạn 1 với nền tảng công nghệ và dữ liệu lớn với gần 500.000 người Việt toàn cầu và hơn 50.000 công ty Việt tại Mỹ, châu Âu, cũng như các thống kê về du học sinh, Hội Sinh viên Việt Nam, các sự kiện Việt trong và ngoài nước với bản đồ VietMap.
Về tiềm năng, TS Quý cho biết VietSearch sẽ phát triển thành một hệ sinh thái 4.0 (ecosystem 4.0) với nhiều giải pháp hiệu quả, tiết kiệm cho giáo dục và kinh tế tại Việt Nam. Bốn mũi nhọn của hệ sinh thái này bao gồm: Xây dựng hệ thống chuyên gia người Việt trong các lĩnh vực công nghệ cao để hỗ trợ nền công nghiệp 4.0; kết nối chuyên gia với các sự kiện kinh tế, giáo dục, nghiên cứu tại Việt Nam thông qua hội nghị, hội thảo, hội thảo trực tuyến, đào tạo...; xây dựng mô hình đào tạo và tư vấn người Việt toàn cầu; xây dựng và thu hút đầu tư cho các công ty công nghệ tại Việt Nam.
Ở vị trí hiện tại trong Công ty Mitsubishi Electric Ltd., TS trẻ quê Hà Nội được giao trọng trách phát triển lĩnh vực đang là chủ đề nóng nhất trong thế giới công nghệ, đồng thời là lĩnh vực cạnh tranh quyết liệt của những nền công nghiệp hàng đầu thế giới - đó là trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI).
Với thế mạnh này cùng kinh nghiệm gần 10 năm trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển sản phẩm của các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ, bao gồm Mitsubishi và trước đó là Schlumberger, TS Nguyễn Đình Quý đưa ra các đề xuất công nghệ tiên tiến dành cho nền công nghệ 4.0 của Việt Nam, bao gồm AI và tự động hóa.
Anh đánh giá cao khả năng thực hiện những đề xuất này của Việt Nam nhằm thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh các tập đoàn nước ngoài và nước nhà đang dành nhiều khoản đầu tư công cho lĩnh vực sản xuất.
Về ứng dụng AI, đề xuất của chuyên gia trẻ nhằm vào 3 điểm chính: Ứng dụng thuật toán máy học (Machine Learning, Deep Learning) cho việc dự kiến các quy trình hoạt động và bảo hành sản phẩm điện tử và máy móc; phát triển công nghệ điều khiển thông minh và tương tác hiệu quả giữa con người với máy móc; ứng dụng công nghệ đám mây (Cloud) và AI.
Về tự động hóa, đề xuất cũng tập trung vào 3 nội dung: Sử dụng các thiết bị điều khiển (PLC, HMI, SCADA…) và cảm biến (Sensor, Actuator…) cho điều khiển và truyền dữ liệu giữa người điều hành và máy móc trong nhà máy; sử dụng các thuật toán tối ưu cho quy trình tự động hóa các máy móc và dây chuyền sản xuất; phát triển các mô hình ảo (Digital Twin) cho nhà máy và các dây chuyền sản xuất, kinh doanh.
Về nước cống hiến
- Theo TS, Việt Nam có thuận lợi và khó khăn gì trong đón nhận và tiến lên phía trước với công nghệ 4.0?
- Việt Nam sở hữu vị trí địa lý thuận lợi trong giao thông, luân chuyển và thương mại (trung tâm Đông Nam Á, hơn 3.000 km bờ biển…).
Đồng thời, nền chính trị ổn định và định hướng phát triển công nghệ 4.0, nguồn nhân lực trẻ, chi phí thấp hơn so với các nước phát triển, thị trường tiêu thụ lớn (với dân số 96,5 triệu người, đứng thứ 15 thế giới) là những thế mạnh đáng kể. Bên cạnh đó, lợi thế lớn khác của nước ta là kết nối mạng internet và điện thoại bao phủ trên cả nước cùng lực lượng dùng công nghệ internet và điện thoại thông minh hết sức hùng hậu.
Bất lợi của Việt Nam nằm ở chỗ thiếu nguồn nhân lực chuyên môn cao trong các công nghệ mới, chưa có hệ sinh thái nghiên cứu và phát triển đủ mạnh để thu hút các tập đoàn công nghệ lớn (Google, Facebook, Amazon, Apple, Microsoft...). Việt Nam cũng đang thiếu các giáo sư đầu ngành và chuyên gia nghiên cứu sâu trong trường ĐH với những ngành công nghệ mới.
- Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Giám đốc World Bank Việt Nam Ousmane Dione nói rằng một số giải pháp đúng với 4.0 là hiện đại hóa khả năng quản lý, hiện đại hóa lực lượng công chức. Sẽ không có công nghệ 4.0 với một bộ máy 1.0, TS nghĩ sao về ý kiến này?
- Tôi nghĩ việc xây dựng một nền công nghệ 4.0 đòi hỏi nhiều ban, ngành và sự hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt trong quá trình hiện đại hóa quản lý, công nghệ và nhân sự. Hiện tại, tổ chức Diễn đàn Toàn cầu Boston (BGF) và Viện Michael Dukakis (MDI) đã có sáng kiến đề xuất AI for Government (Chính phủ trí tuệ nhân tạo) để xây dựng cơ chế góp phần thúc đẩy các phát triển công nghệ và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nhiều mặt của xã hội. Mô hình này đang được quan tâm của nhiều nước trên thế giới, trong đó có chính phủ Phần Lan, Estonia…
- Dự án công nghệ mà TS đang thực hiện và nhiều hoạt động tình nguyện giúp đỡ trẻ em khó khăn cho thấy TS dành nhiều tâm sức cho Việt Nam. Vậy, TS có ý định về nước để thực hiện những dự án mới không?
- Là người sinh ra, lớn lên và học tập tại Việt Nam, tôi và nhiều anh chị em người Việt ở nước ngoài đều mong muốn đóng góp cho đất nước. Với công việc nghiên cứu và quản lý hiện tại ở Boston, tôi đang và sẽ đóng góp cho đất nước qua các dự án công nghệ (VietSearch, Tự động hóa, Trí tuệ nhân tạo...), các hoạt động quản lý, giới thiệu cơ hội (học bổng, quỹ đầu tư…) cho các bạn trẻ và các hoạt động tình nguyện tại Việt Nam.
Tôi sẽ kết hợp về nước thường xuyên để tham dự các hội thảo, tổ chức các buổi chia sẻ kiến thức và đào tạo công nghệ, cũng như một số hoạt động từ thiện.
Tôi cũng mong muốn và đang kết nối với nhiều anh chị em người Việt, gốc Việt thành công tại Mỹ và một số nước để cùng đóng góp trong lĩnh vực công nghệ, nghiên cứu khoa học tại Việt Nam. Hy vọng mình sẽ là một phần cầu nối cho cộng đồng người Việt trong và ngoài nước.