Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TS Trần Nam Dũng - người đốt lên tình yêu Toán học

TS Trần Nam Dũng khởi xướng chương trình "Đem Toán đến cho mọi người". Anh cùng cộng sự về các trường giao lưu, khơi dậy tình yêu Toán học, tình yêu sách với học sinh.

1. Năm 2017, đội tuyển Việt Nam dự thi Toán quốc tế lập thành tích xuất sắc với 4 huy chương vàng, 1 huy chương bạc, 1 huy chương đồng, xếp thứ 3 toàn đoàn. Trong sự sục sôi của truyền thông thời điểm đó, xuất hiện loạt bài viết về các gương mặt vàng của Việt Nam qua các kỳ thi toán quốc tế, kiểu “xem dung nhan ấy bây giờ ra sao”.

Bài viết nào cũng đầy đặn, chi tiết, “đi guốc vào bụng” nhân vật, đôi chỗ tác giả còn thả lỏng cho ngôn từ phiêu theo cảm xúc cá nhân nên hấp dẫn hơn những bài báo chân dung khoa học thông thường. Tôi đọc, ngỡ là của nhà báo thạo nghề nào đó, hóa ra không phải, tác giả là TS Trần Nam Dũng.

Bẵng đi khoảng thời gian, đủ cho những bài báo của Trần Nam Dũng ngủ quên ở đâu đó, tôi gặp lại anh trên Facebook. Lúc này, tôi mới biết anh là “người nhà” của dân làm Toán và dạy Toán. Tôi ấn like và thả tim cho những dòng trạng thái của anh, rồi nhận về từ anh sự hồi âm tương tự.

Đến một ngày, tôi nhận được tin nhắn, anh nói chào nhà văn, rằng anh thích những dòng trạng thái hài hước cùng các hoạt động nhen lên tình yêu với sách mà tôi cùng các đồng nghiệp ở Nhà xuất bản Kim Đồng đang làm.

Được lời như cởi tấm lòng, tôi nói chào nhà Toán học, không quên chúc mừng anh mới nhận cương vị phó hiệu trưởng trường Phổ thông Năng khiếu TP.HCM. Xem như xong thủ tục “sờ chân nắn tay” nhau. Cuối cùng, anh bảo, có khi nhà văn và nhà toán kết hợp lại sẽ sinh chuyện... hay. Cụ thể, chắc phải hẹn cuộc cà phê.

TS Tran Nam Dung anh 1
TS Trần Nam Dũng. Ảnh: Công An Nhân Dân.

2. Hẹn cà phê. Nói dễ mà lại không dễ, bởi Trần Nam Dũng bận. Lịch công việc của anh nay đây mai đó kín mít. Phải sau chín hẹn mười chờ tôi mới gặp được anh, trong một chiều trời Sài Gòn cực thấp, đùng đục màu chì chực chờ mưa.

Từ đây, tôi thấy rõ hơn vẻ đẹp của toán và hành trình đánh thức vẻ đẹp Toán học để lan tỏa đến cộng đồng của Trần Nam Dũng. Có lẽ những ai dõi theo các thế hệ học sinh Việt Nam “đem chuông đi đánh xứ người”, đều biết Trần Nam Dũng chính là người đầu tiên mang huy chương toán quốc tế về cho Đà Nẵng.

Huy chương bạc IMO năm 1983 của Trần Nam Dũng, khi mới học lớp 11, là cú đột phá khẩu, mở ra thời kỳ rực rỡ nhất của trường THPT Phan Châu Trinh, bởi tiếp đó là Nguyễn Văn Hưng và Võ Thu Tùng, rồi Lâm Tùng Giang và Nguyễn Hùng Sơn lần lượt lên bục nhận huy chương tại IMO 1984, 1985, 1986.

Năm anh em Dũng - Tùng - Hưng - Giang - Sơn trên "chiếc xe - tăng - Toán" là kỳ tích không dễ gì lặp lại. Phải 19 năm sau, huy chương Toán quốc tế mới về thêm với thành phố bên bờ sông Hàn.

Như bao hạt giống cỡ quốc tế khác, tốt nghiệp THPT, Trần Nam Dũng du học. Nhưng, lại khác khá nhiều các hạt giống, cầm trên tay tấm bằng tiến sĩ, Trần Nam Dũng về nước. Đấy là năm 1995, thời điểm mà ở Nga thì chỉ có thể sống bằng việc... đi buôn, chứ làm khoa học là... đói.

Trở về, Trần Nam Dũng được sư huynh Lê Bá Khánh Trình “rủ” về khoa Toán - Tin, Đại học Tổng hợp TP.HCM. Song song với dạy đại học, Lê Bá Khánh Trình cùng Trần Nam Dũng thành cặp bài trùng “song kiếm hợp bích” trong việc đào tạo đội tuyển học sinh giỏi Toán khối chuyên Toán - Tin, từ năm 1996 là lớp chuyên toán của trường Phổ thông Năng khiếu.

Hàng loạt học sinh trưởng thành từ các cuộc thi Olympic Toán châu Á - Thái Bình Dương, Olympic Toán quốc tế gắn liền với bao giờ lên lớp của thầy Trình và thầy Dũng.

3. Còn nhớ, khi Lê Bá Khánh Trình giành huy chương vàng với số điểm tuyệt đối cùng giải đặc biệt dành cho thí sinh có lời giải đẹp tại IMO 1979 ở London, Anh, cả nước xem anh như thần đồng.

Nhưng rồi sau 9 năm du học về chỉ dạy Toán chứ không làm Toán, nhiều người lại xem anh như thần đồng thất bại. Người ta mặc định anh phải làm nghiên cứu, thành nhà Toán học ở đại học danh tiếng nào đó mới phải. Mỗi anh thấy việc dạy học là... bình thường. Anh hạnh phúc với công việc giảng dạy. Tương tự, Trần Nam Dũng cũng không trở thành người làm Toán mà chỉ... dạy Toán.

Nhưng, nếu Trần Nam Dũng chỉ dạy Toán ở ngôi trường của anh thì bài viết này đã có thể dừng lại ở đây. Trần Nam Dũng đã và đang cháy hết mình với Toán, để lan tỏa năng lượng tích cực từ toán học, bởi anh biết và tin điều GS Hà Huy Khoái nói là đúng:

“Nếu xem giỏi Toán chỉ đơn giản là giải đúng được nhiều bài tập khó là sai lầm. Giỏi Toán là phải hiểu được bản chất của Toán và thực tế, những người giỏi Toán thường rất giỏi ở những môn học khác. Có tư duy Toán tốt sẽ mở ra nhiều công ăn việc làm trong tương lai, không phải chỉ có một đường là trở thành người nghiên cứu Toán học”.

Năm 2010, Trần Nam Dũng cùng cộng sự thành lập Công ty Cổ phần Giáo dục Titan với phương châm “Dạy học là tạo ra sự đam mê, yêu thích, học Toán gắn liền ứng dụng thực tiễn, dạy học là hướng dẫn học sinh biết cách học”.

8 năm qua, Titan thu hút hơn 20.000 lượt học sinh theo học. Anh bảo: “Vui nhất là mỗi lần đến Titan thấy con cháu của bạn bè, đồng nghiệp mình vẫn theo học. Chứng tỏ bạn bè, đồng nghiệp tin tưởng và đường hướng giáo dục của Titan là đúng đắn. Rất nhiều thế hệ học trò trưởng thành từ đây, bay xa rồi trở về tri ân, tiếp sức cho thế hệ sau”.

Cũng năm 2010, Trần Nam Dũng đứng ra kêu gọi và trực tiếp cầm trịch tổ chức các chương trình Trường Đông toán học, Trường Hè toán học, Trường Xuân toán học, nhằm thúc đẩy việc dạy và học Toán ở các trường thuộc các tỉnh thành phía Nam.

Nhờ vậy, anh đánh thức được tiềm năng học Toán của nhiều em học sinh ở các địa phương. Đồng Tháp và Bà Rịa - Vũng Tàu gây ngạc nhiên khi có huy chương toán quốc tế, một phần không nhỏ nhờ khởi đi từ các chương trình này hàng năm.

Cuối năm 2014, Trần Nam Dũng đứng ra tổ chức “xuất bản” tạp chí Toán học Epsilon phiên bản điện tử. Đây là sân chơi hấp dẫn cho những người yêu Toán. Đều đặn 2 tháng một số, Epsilon được đánh giá đã làm xong sứ mệnh lịch sử của nó, khép lại ở số 13 vào tháng 2/2017, khi tạp chí Pi do GS Ngô Bảo Châu khởi xướng và TS Trần Nam Dũng là một trong 4 phó tổng biên tập, ra đời.

Năm 2015, Trần Nam Dũng qua Arabia Saudi, sau đó là Philippines (2017) và Myanmar (2018) giảng dạy đội tuyển thi toán quốc tế, đồng thời tập huấn cho giáo viên của các nước. Năm 2016, anh “chủ trò” tổ chức các kỳ thi Toán học quốc tế cho hàng nghìn học sinh tham gia, từ năm 2017 có các kỳ thi giải toán qua mạng Internet.

Trần Nam Dũng khởi xướng chương trình "Đem Toán đến cho mọi người". Anh cùng cộng sự về các trường giao lưu, khơi dậy tình yêu Toán học, tình yêu sách với các em học sinh. Anh cùng các thầy giáo trẻ đi dạy ở các tỉnh xa như An Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Lâm Đồng, Lai Châu, Quảng Ngãi...

Kể ra để thấy, phải là người được nể, được thương và được tin thật nhiều thì anh mới có thể kết nối những người yêu toán lại với nhau được như vậy.

TS Tran Nam Dung anh 2
Tiến sĩ Trần Nam Dũng (bên phải) và GS Hà Huy Khoái tại Ngày hội Toán học mở TP.HCM. Ảnh: Công An Nhân Dân.

4. Nếu chỉ “lướt qua” Trần Nam Dũng, ít ai nghĩ con người này có thể “ôm” hết từng ấy việc. Điệu bộ anh chậm, nếu không muốn nói là lừ đừ. Áo quần giản dị, giản dị đến mức hơi... đại khái. Đầu tóc thì kiểu... chưa kịp chải, sao cũng được. Và tuổi tác như lộ rõ trên khuôn mặt và ánh mắt.

Thế nhưng, khi anh trình bày vấn đề gì đó thì khác. Có một Trần Nam Dũng khác, mạch lạc, khúc chiết, quyết liệt, riết róng và... hóm hỉnh. Cảm giác anh đang ở độ tuổi sung sức nhất, nhiều năng lượng nhất, 25 chứ không phải 52.

Tôi biết, bởi vừa qua, đứng ra chủ trì tổ chức Ngày hội Toán học mở tại TP.HCM, anh mời một vài đơn vị làm sách lớn tham gia gian hàng. Tại sao Ngày hội Toán học lại có gian hàng sách? Anh nói, người học Toán, mê Toán nói riêng và mê khoa học nói chung càng phải đọc sách, không chỉ sách khoa học thường thức mà cả sách văn hóa, lịch sử, triết học, văn học... Đọc văn cũng cần thiết cho người học Toán, giải Toán cũng cần tưởng tượng và... bay bổng.

Tôi còn bất ngờ hơn khi biết hồi mới “tái hòa nhập cộng đồng” trong nước, Trần Nam Dũng “bắt cá hai tay” theo nghĩa tích cực, là vừa giảng dạy ở Đại học Tổng hợp, vừa làm ở tập đoàn FPT. Anh có 13 năm gắn bó với FPT, qua nhiều vai trò, vị trí khác nhau. Dấu ấn anh để lại ở đây là không ít. Có vẻ như khi lao vào việc, tuổi tác không ảnh hưởng nhiều đến Trần Nam Dũng. Hay với anh lúc nào cũng là “Thời thanh niên sôi nổi”.

5. Hiện nay, ở cương vị phó hiệu trưởng trường Phổ thông Năng khiếu, nơi vẫn được xem là lò nuôi gà chọi, Trần Nam Dũng lại nghĩ khác, anh cho rằng: “Bên cạnh các kì thi học sinh giỏi truyền thống (vốn chỉ dành cho khoảng 5% học sinh của trường), các trường chuyên phải dành thời gian, tâm sức để tạo điều kiện phát triển toàn diện cho các em.

Học sinh có thể tham gia nghiên cứu khoa học, tham gia kì thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, tham gia câu lạc bộ robotics, câu lạc bộ AI, câu lạc bộ Nhà cơ khí trẻ tuổi... Ai giỏi cờ vua thì thi cờ vua, giỏi âm nhạc thì thi âm nhạc, rồi viết bài, rồi tranh biện... Nếu chỉ chăm chăm luyện gà, chúng ta sẽ bỏ mất 95% tiềm năng nhân tài của các trường chuyên. Thành công lâu dài của học sinh mới là điều các trường chuyên cần hướng đến và tự hào”.

Quả thật, nhìn lại những điều Trần Nam Dũng nói và cách anh đang truyền lửa, truyền năng lượng tích cực cho thế hệ trẻ, cho các bạn yêu Toán, yêu sách, tôi chợt nghĩ, nếu đặt lên bàn cân một Trần Nam Dũng làm nghiên cứu Toán với một Trần Nam Dũng lăn xả với phong trào học Toán, đưa Toán học đến gần hơn với cuộc sống, không biết phía nào sẽ nặng hơn?

Chắc chắn nhiều người thích gọi anh là thầy hơn, bởi sau anh là lớp lớp thế hệ đã định hình, trong đó có các nhà toán học, các kĩ sư công nghệ, doanh nhân, những người hoạt động nghệ thuật đã khẳng định được vị trí của mình trong cuộc sống.

'Thi học sinh giỏi ở nhiều nước không áp lực thành tích như Việt Nam'

TS Trần Nam Dũng cho rằng với cách tổ chức thi học sinh giỏi Toán như hiện nay, thí sinh bị ám ảnh vì cách học và thi kiểu nhồi nhét, đua thành tích.

http://antgct.cand.com.vn/Nhan-vat/11-Nguoi-dot-len-nhung-tinh-yeu-Toan-hoc-531284/

Theo Văn Thành Lê / Công An Nhân Dân

Bạn có thể quan tâm