Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Thi học sinh giỏi ở nhiều nước không áp lực thành tích như Việt Nam'

TS Trần Nam Dũng cho rằng với cách tổ chức thi học sinh giỏi Toán như hiện nay, thí sinh bị ám ảnh vì cách học và thi kiểu nhồi nhét, đua thành tích.

Sau khi nêu quan điểm đề thi Toán học sinh giỏi quốc gia hời hợt, sao chép đề cũ, TS Trần Nam Dũng - người từng đoạt huy chương bạc Olympic Toán quốc tế năm 1983, giảng viên khoa Toán - Tin học, ĐH Khoa học Tự nhiên, Phó hiệu trưởng trường Phổ thông Năng khiếu thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM - cho rằng nên cải tổ kỳ thi này để giảm áp lực cho học sinh, thầy cô, cũng như định hướng tốt hơn sự phát triển của các bạn trẻ.

"Lăn tăn" sau mỗi kỳ thi học sinh giỏi quốc gia

Không phải đến kỳ thi diễn ra ngày 13 và 14/1 mới có ý kiến về kỳ thi học sinh giỏi Toán quốc gia. Hàng năm, sau mỗi lần thi, nhiều câu chuyện được nêu ra như đề thi quá khó, dàn trải, kiến thức cần bổ sung quá nhiều.

Tiêu cực vẫn xuất hiện như coi thi không nghiêm túc, đề thi bị rò rỉ, chấm sai. Những bất cập trên gần như không được xử lý, có chăng chỉ là lời hứa, rồi mọi thứ lại như cũ.

Tôi đã lăn lộn với phong trào học sinh giỏi nhiều năm, đi và gặp gỡ, tâm sự với giáo viên chuyên Toán, cũng như thầy cô trong ban giám hiệu các trường. Không phải họ không tích cực, cố gắng, mà đôi khi do mất phương hướng, không biết bắt đầu từ đâu, phải làm gì.

Làm thế nào để kỳ thi học sinh giỏi không quá nặng nề với học sinh, thầy cô? Làm sao để nó thực sự là ngày hội chứ không phải nỗi ám ảnh? Làm gì để kỳ thi học sinh giỏi thật sự là chất xúc tác và định hướng cho phong trào học tập của học sinh ở mỗi tỉnh, thành?

Theo dõi đề thi học sinh giỏi ở một số nước, tôi thấy đề ở Việt Nam có thể xếp vào hàng khó nhất. Đa số quốc gia tiếp cận, tổ chức kỳ thi học sinh giỏi (Olympic quốc gia - National Olympiad) một cách nhẹ nhàng.

Có nước cho thi trắc nghiệm, có nơi thi nhiều bài toán điền đáp số. Ngay cả những nước tổ chức thi giống Việt Nam như Nga, Bulgari, Rumani, Anh, đề thi vòng quốc gia cũng khá nhẹ nhàng.

de thi hoc sinh gioi Toan anh 1
TS Trần Nam Dũng cho rằng nên tổ chức kỳ thi học sinh giỏi quốc gia nhẹ nhàng, minh bạch, tránh áp lực thành tích cho thầy và trò. Ảnh: NVCC

Nên tổ chức thi nhẹ nhàng, minh bạch, công khai

Ở Nga, Bulgaria, Rumani, đề thi được chia thành các khối lớp chứ không chỉ có một như Việt Nam. Học sinh lớp dưới muốn thi phải học vượt. Anh chỉ có một đề nhưng học kiến thức lớp 10 là có thể thi.

Ngoài các nước tổ chức thi bằng hình thức trắc nghiệm hoặc điền đáp số thường khống chế thời gian, những nơi thi tự luận, học sinh được cho nhiều thời gian để suy nghĩ (từ 4-5 giờ làm 3 đến 4 bài toán). Điều này là hợp lý, vì gặp một bài toán mới, học sinh phải nghĩ cách tiếp cận, giải, sau đó trình bày cẩn thận, rất mất thời gian.

Đề thi ở Việt Nam lại khác khi ở ngày thứ nhất (13/1), thí sinh phải làm 4 bài toán trong vòng 3 giờ. Nếu không biết trước, không học sinh nào có thể làm nổi.

Chúng ta nên học tập các nước, tổ chức kỳ thi học sinh giỏi quốc gia theo hướng nhẹ nhàng. Đề thi không cần quá khó, không nặng nề về kiến thức và nên phân chia thành độ tuổi (tôi thích cách phân chia của Mỹ - AMC8, AMC10 và AMC12). Thầy cô hãy đánh giá học sinh thông qua khả năng giải quyết vấn đề, suy luận thông minh, thay vì thuần túy kiến thức và kỹ thuật.

TS Trần Nam Dũng từng là học sinh chuyên Toán trường Trung học Phan Châu Trinh ở Đà Nẵng. Sau khi đoạt huy chương bạc Olympic Toán quốc tế năm 1983 tại Paris, Pháp, ông sang Nga học đại học và làm nghiên cứu sinh tại ĐH Tổng hợp Matxcova mang tên Lomonosov.

Về nước, ông giảng dạy tại khoa Toán - Tin học, ĐH Khoa học Tự nhiên và trường Phổ thông Năng khiếu thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM, hiện là Phó hiệu trưởng trường này. Ông có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy chuyên Toán, bồi dưỡng học sinh giỏi Toán và đội tuyển Olympic Toán.

Để chống những "lăn tăn" không đáng có về đề thi, coi thi, chấm thi, chúng ta nên học tập các nước làm việc công khai, minh bạch.

Thứ nhất, ban tổ chức công bố tên tác giả đề Toán. Bài nào sưu tầm cần chỉ rõ nguồn (đề thi các nước cũng không đòi hỏi 100% mới mà vẫn dùng lại đề của nơi khác, hay các bài toán kinh điển, gọi là folklor).

Việc công khai này làm cho tác giả có trách nhiệm hơn với bài toán của mình, cũng như họ được tôn vinh. Từ đó, ban tổ chức dễ mời thêm nhiều "cao thủ" tham gia đóng góp.

Thứ hai, cho phép học sinh (hoặc thầy giáo đại diện) đối chất với người chấm bài khi xảy ra thắc mắc. Người chấm thi chắc chắn sẽ có trách nhiệm hơn và thí sinh cũng thoải mái, ngay cả khi khiếu nại bị bác bỏ.

Điều này hơi khó với cách tổ chức thi hiện nay (tỉnh nào thi tỉnh đó và chấm tập trung tại trung ương). Có hai hướng giải quyết vấn đề này. Một là sử dụng Internet cho khiếu nại; hai là tổ chức các cuộc thi tập trung.

Mô hình thi tập trung rất hay, kỳ thi sẽ thực sự như ngày hội. Học sinh đến, khai mạc, thi, tham quan, nghe bài giảng. Trong lúc đó, thầy tập trung chấm, công bố kết quả sơ bộ, tổ chức nghe khiếu nại, chốt điểm, công bố và tổ chức lễ trao giải.

Nga áp dụng cách làm này rất thành công. Nước ta cũng có những kỳ thi ở mức độ khu vực được tổ chức như vậy, là Olympic 30/4, Trại hè Hùng Vương, trại hè Phương Nam… Các tỉnh, trường đã liên kết làm được nên Bộ GD&ĐT chắc chắn sẽ thành công ở mức độ tốt, rộng hơn. Khi đó, học sinh thực sự có ngày hội vui vẻ, bổ ích, công bằng, minh bạch.

Học sinh giỏi không nên là thành tích của cả tỉnh

Rất ít quốc gia áp dụng đánh giá trường gắn với thành tích học sinh giỏi. Nhiệm vụ của một trường, dù là chuyên, không chỉ bó gọn ở đào tạo học sinh giỏi. Vì thế, thành tích thi học sinh giỏi không thể là chỉ số quan trọng để đánh giá trường, sở giáo dục. Nếu có, nó chỉ nên chiếm 5% tỷ trọng.

Nhưng hiện nay thì ngược lại, nó được đề cao và gần như gánh cho cả ngành giáo dục. Điều này tạo sức ép lớn với lãnh đạo sở giáo dục, ban giám hiệu trường chuyên, thầy cô phụ trách đội tuyển và cuối cùng là học sinh. Từ đây, tập huấn, dạy nhồi nhét xuất hiện, với mong muốn tiếp cận định hướng đề thi… Các em học mà không còn niềm vui, chỉ thấy áp lực.

Nếu cởi bỏ được áp lực thành tích, coi đó chỉ là gia vị cho món ăn chính là chất lượng chung của toàn ngành, mọi việc sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Học sinh sẽ được học để khám phá, hiểu biết thêm.

'Đề thi học sinh giỏi Toán quốc gia hời hợt, sao chép đề cũ'

Nhiều giáo viên, chuyên gia Toán học nhận xét đề thi học sinh giỏi quốc gia môn Toán năm 2019 quá dài và khó, được sao chép, tham khảo từ nhiều đề thi trước đó.

TS Trần Nam Dũng

ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM)

Bạn có thể quan tâm