Ngày nay, nhiều người nghĩ nên chia chế độ ăn hàng ngày thành 3 bữa lớn - bữa sáng, bữa trưa và bữa tối - để có sức khỏe tối ưu. Niềm tin này chủ yếu bắt nguồn từ văn hóa và các nghiên cứu dịch tễ học ban đầu.
Song gần đây, theo Medical News Today, các chuyên gia bắt đầu thay đổi quan điểm. Họ cho rằng ăn các bữa nhỏ hơn, thường xuyên hơn có thể là cách tốt nhất để ngừa bệnh mạn tính và giảm cân. Do đó, một bộ phận người dân thay đổi cách ăn uống theo hướng ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày.
Những người ủng hộ việc ăn các bữa nhỏ thường xuyên cho rằng cách ăn uống này có thể cải thiện cảm giác no; tăng cường trao đổi chất và cấu tạo cơ thể; ngăn ngừa sự giảm năng lượng; ổn định lượng đường huyết; ngăn ngừa hội chứng ăn quá nhiều.
Một bộ phận người dân thay đổi cách ăn uống theo hướng ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày. Ảnh: Raisingchildren.net.au. |
Mặc dù một số nghiên cứu ủng hộ những khuyến nghị như vậy, nhiều nghiên cứu khác lại dẫn tới những khuyến nghị trái ngược. Trên thực tế, một số nghiên cứu cho thấy ăn 3 bữa lớn có thể là giải pháp tốt hơn.
Các nghiên cứu dịch tễ học ban đầu cho thấy tăng số bữa ăn có thể cải thiện mức lipid (chất béo) trong máu và giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Do đó, nhiều chuyên gia khuyên mọi người tăng số lần ăn và giảm lượng thực phẩm trong mỗi bữa.
Vài năm qua, một số nghiên cứu chỉ ra rằng những người ăn các bữa nhỏ nhưng đều đặn sẽ có mức cholesterol tốt hơn những người ăn ít hơn 3 bữa mỗi ngày.
Đặc biệt, một nghiên năm 2019 chứng minh ăn từ 4 bữa trở lên mỗi ngày làm tăng cholesterol HDL (lipoprotein mật độ cao). Mức HDL càng cao, nguy cơ mắc bệnh tim càng giảm.
Một quan niệm phổ biến cho rằng ăn từ 4 bữa nhỏ trở lên mỗi ngày có thể hỗ trợ giảm cân. Tuy nhiên, Medical News Today nhấn mạnh nghiên cứu về chủ đề này luôn tạo ra những kết quả trái ngược nhau.
Ví dụ, một nghiên cứu đã so sánh lượng mỡ thừa trong cơ thể và cảm giác đói giữa nhóm người ăn 3 bữa lớn mỗi ngày và nhóm người ăn 6 bữa nhỏ mỗi ngày. Cả hai nhóm đều nhận được lượng calo đầy đủ để duy trì trọng lượng cơ thể hiện tại của họ bằng cách sử dụng cùng một cơ chế phân phối chất dinh dưỡng đa lượng như sau: 30% năng lượng từ chất béo, 55% từ carbohydrate và 15% từ protein.
Các nhà nghiên cứu không thấy sự khác biệt về tiêu hao năng lượng và giảm mỡ cơ thể giữa hai nhóm. Điều thú vị là những người ăn 6 bữa nhỏ trong ngày có mức độ đói và thèm ăn cao hơn so với những người ăn 3 bữa lớn mỗi ngày.
Mặc dù lượng calo hấp thụ được kiểm soát ở cả hai nhóm, các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết những người ăn 4 bữa nhỏ trở lên có khả năng tiêu thụ nhiều calo hàng ngày hơn những người ăn 3 bữa.
Kết quả của một nghiên cứu quy mô lớn khác cho thấy rằng những người trưởng thành khỏe mạnh có thể ngăn ngừa tăng cân lâu dài bằng cách giảm số bữa; ăn sáng và ăn trưa cách nhau 5 đến 6 giờ; tránh ăn vặt; ăn bữa lớn nhất vào buổi sáng; nhịn ăn qua đêm trong 18-19 giờ.
Hơn nữa, theo Báo cáo của Ủy ban Tư vấn Hướng dẫn Chế độ Ăn uống năm 2020 thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ, do sự thiếu nhất quán và hạn chế về bằng chứng khoa học, chúng ta không có đủ bằng chứng để xác định mối quan hệ giữa tần suất bữa ăn, thành phần cơ thể và nguy cơ thừa cân hay béo phì.