Thông tin từ Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết bệnh viện vừa nội soi lấy ra dị vật "có một không hai" sâu trong phế quản bệnh nhân.
Dị vật là cầu răng gồm 9 chiếc dài 5 cm, bị mắc vào trong phế quản gốc trái của bệnh nhân. Ca can thiệp đã diễn ra kịp thời và đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương, đây là trường hợp của cụ ông N.T., ngụ tại huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, 89 tuổi. Ông đã “gắn bó” với cầu răng giả hàm dưới nhiều năm nay. Hàng ngày, cụ thường xuyên có thói quen tháo lắp hàm răng để vệ sinh.
Ê-kíp nội soi lấy cầu răng giả khỏi phế quản bệnh nhân. Ảnh: Sức khỏe Đời sống. |
Ngày 13/8, cụ ông nằm viện điều trị di chứng do tiền sử lao phổi cách đây 6 năm. Trong cơn ho khạc đờm mạnh, toàn bộ hàm răng giả bị rơi và mắc kẹt vào phế quản, gây tắc nghẽn đường thở, đe dọa tính mạng.
Ngay sau đó, cụ được các bác sĩ chuyển sang khoa Hồi sức tích cực và được tiến hành nội soi phế quản gắp dị vật ra bên ngoài, giải phóng đường thở. Hiện tại, người bệnh đã cảm thấy dễ chịu hơn.
Trước đó, năm 2018, Bệnh viện Phổi Trung ương từng tiếp nhận cụ ông bị rơi hàm gồm 4 chiếc răng vào phế quản. Tuy nhiên, trường hợp của cụ ông T. nói trên rất hy hữu vì dị vật rơi vào phế quản là 9 chiếc răng sứ kim loại với chiều dài lên tới 5 cm. Quá trình nội soi lấy dị vật phức tạp hơn, đòi hỏi các chuyên gia nội soi nhiều kinh nghiệm.
Bác sĩ Nguyễn Lê Nhật Minh, Trưởng khoa Nội soi chẩn đoán và can thiệp, Bệnh viện Phổi Trung ương, cho biết: “Đây là trường hợp dị vật khó, do bề mặt răng sứ rất trơn nên không thể dùng kìm để gắp được. Hơn nữa, người bệnh còn bị suy hô hấp, đang phải thở máy".
Theo bác sĩ Minh, ê-kíp nội soi phế quản lấy dị vật đã phải đưa ống nội soi vào trong ống nội khí quản, dùng thiết bị thòng lọng để thít vào cầu răng giả và lấy ra đồng thời khi rút ống nội khí quản.
Ngay sau đó, người bệnh được đặt lại ống nội khí quản, mọi chỉ số thông khí đều ổn định trước và sau khi can thiệp.