Hàng quán cần niêm yết giá, thông báo trước việc phụ thu dịp Tết. Ảnh: Phương Lâm. |
Tết năm 2023, Thế Nghiệp (26 tuổi, sinh sống tại Hà Nội) bức xúc khi phải trả 150.000 đồng cho một bát phở. Theo anh, quán phở này nằm trong ngõ nhỏ, phong cách bình dân, không phải địa chỉ nổi tiếng.
Đáng nói, quán không hề treo biển phụ thu, nhân viên cũng ngó lơ khi nghe khách phàn nàn về mức giá. Trải nghiệm không vui kể trên khiến Thế Nghiệp quyết định chỉ ăn ở nhà vào ngày Tết.
“Đi ăn sẽ mất vui nếu thấp thỏm bị ‘chặt chém’ hoặc không rõ phụ thu ra sao. Tôi thường đợi qua Tết đi rồi ăn uống cho thoải mái”, anh nói với Tri Thức - Znews.
Khách sợ phụ thu kiểu ‘lén lút’
Mỹ Linh (30 tuổi, sinh sống tại TP.HCM) cũng từng có trải nghiệm không mấy vui vẻ tại Đà Lạt vào dịp Tết năm 2022. Gia đình cô gọi 3 bát bún bò (2 bát lớn, 1 bát nhỏ) và 2 ly đậu nành tại tiệm bún gần chợ với giá gần 350.000 đồng.
“Khi nghe số tiền hai vợ chồng tôi nhìn nhau, sững người vài giây. Quán buôn bán kiểu nhỏ lẻ, không treo biển hay thông báo phụ thu. Khi hỏi nhân viên xác nhận lại giá tiền, chúng tôi nhận lại câu trả lời khá hời hợt và khó chịu ‘chị thông cảm xíu đi, Tết mà’”, Linh nhớ lại.
Theo nữ du khách, nếu quán ăn thông báo tăng giá từ đầu, gia đình cô vẫn sẽ thoải mái dùng bữa. Việc “lén lút” phụ thu rồi thông báo khi thanh toán khiến bữa ăn không còn ngon miệng.
Nhiều khách hàng cho biết chấp nhận việc phụ thu nếu được cơ sở kinh doanh thông báo công khai từ đầu. Ảnh: Phương Lâm. |
Trong khi đó, Minh An (35 tuổi, Đà Nẵng, làm việc trong lĩnh vực bất động sản) - người thường xuyên phải tiếp khách hàng - cho biết việc các nhà hàng, quán xá phụ thu 30-50% vào dịp Tết là chuyện bình thường. Tuy nhiên, đơn vị kinh doanh cần thông báo trước, đồng thời duy trì chất lượng phục vụ tương xứng với giá tiền.
“Mùng 3 Tết năm ngoái, tôi chiêu đãi khách hàng bữa ăn lên đến 5 triệu đồng/3 người tại một quán nhậu ở Đà Nẵng. Lúc đầu, tôi thấy giá hơi ‘chát’. Nhưng ngẫm nghĩ lại, tôi lại thấy xứng đáng. Nhờ nhân viên nhiệt tình tiếp đãi, khách hàng của tôi vui vẻ, cân nhắc ký hợp đồng. Hôm đó, tôi chốt được căn hộ 2,3 tỷ đồng”, Minh An cho hay.
Hàng quán cần phụ thu và nên công khai
Ông Nguyễn Hoàng Long - đồng sáng lập kiêm Giám đốc marketing nhà hàng Bếp Quán (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) - cho rằng thực khách thường khó chấp nhận phụ thu nếu cơ sở kinh doanh không công khai từ đầu.
“Các đơn vị nên khéo léo trong việc thông báo ngay từ ban đầu với khách. Đồng thời, quán nên thông báo qua các kênh truyền thông để khách có được sự chuẩn bị từ trước, thay vì thanh toán xong mới biết”, ông Long nói.
Theo ông Long, những ngày Tết, hầu hết mọi người đều được nghỉ và dành thời gian bên nhau. Tuy nhiên, các nhân sự trong ngành dịch vụ vẫn dành khoảng thời gian đó để phục vụ khách. Vì vậy, đa phần vào các ngày Tết, khách sử dụng dịch vụ vui vẻ và còn lì xì thêm cho nhân viên.
Đồng quan điểm, ông Châu Nguyễn - Quản lý nhà hàng HIDA Chay (TP.HCM) - cho biết khách hàng sẽ thông cảm với chính sách phụ thu nếu nhà hàng có thông báo rõ ràng.
"Tại quán tôi, các bạn phục vụ sẽ thông báo cho khách về việc thu thêm phí phục vụ dịp Tết trước lúc đưa menu cho khách. Như vậy khách hàng sẽ hiểu và vui vẻ thưởng thức bữa ăn”, ông Châu Nguyễn cho hay.
Cơ sở kinh doanh nên dựa vào 4 yếu tố mặt bằng, nhân sự, quy mô và phân khúc để đưa ra mức phụ thu phù hợp. Ảnh: Phương Lâm. |
Trong khi đó, theo ông Hoàng Tùng, nhà sáng lập Pizza Home, các hàng quán mở xuyên Tết nên phụ thu. Nhưng, việc phụ thu bao nhiêu, có công khai không, chất lượng dịch vụ ra sao cần được tính toán cụ thể. Cơ sở kinh doanh nên dựa vào 4 yếu tố mặt bằng, nhân sự, quy mô và phân khúc để đưa ra mức phụ thu phù hợp.
Dịp Tết, chi phí nguyên vật liệu tăng cao, lương nhân công trả gấp 2-3 lần. Nếu không phụ thu, lượng khách như ngày thường sẽ khiến việc kinh doanh lỗ. Nếu số lượng tăng đột biến, quán ăn có thể hòa hoặc lãi ít, nhưng dễ gặp rủi ro về vận hành.
“Phụ thu là việc hàng quán nên làm, nhưng cần sự chuẩn bị để đảm bảo dịch vụ tốt nhất trong dịp Tết. Theo tôi, tùy thuộc vào từng loại dịch vụ, từng cửa hàng có mức phụ thu khác nhau. Mức tăng 20-50% khách hàng sẵn sàng chi trả và nhà hàng có lợi nhuận đủ tốt để phục vụ xuyên Tết”, ông Tùng nói.
Điều cốt lõi, các cửa hàng cần niêm yết giá chính xác cho từng loại mặt hàng và dịch vụ. Điều này nhằm minh bạch rõ việc tăng giá do phục vụ ngày Tết. Ngoài ra, dịch vụ cần được đảm bảo khi lượng khách khả năng cao tăng đột biến.
“Nhà hàng nên thu hẹp menu, chỉ phục vụ các món chính yếu và tạo combo đặc biệt. Điều này vừa giúp gia tăng doanh số và tránh việc khách hàng chọn nhiều món chế biến phức tạp, mà quán chưa chuẩn bị trước. Ngoài ra, các quán có thể lì xì, tặng quà cho khách để tạo may mắn ngày đầu năm mới”, ông Tùng nói.
Theo quy định tại Điều 12 Nghị định 109/2013/NĐ-CP (sửa đổi bởi Khoản 5 Điều 1 Nghị định 49/2016/NĐ-CP), việc phụ thu không được niêm yết cụ thể có thể xem là hành vi vi phạm quy định về công khai thông tin giá hàng hóa, dịch vụ.
Theo đó, các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vào dịp Tết sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng nếu không thực hiện niêm yết giá tại địa điểm niêm yết giá hoặc niêm yết giá không đúng gây nhầm lẫn cho khách hàng;
Mức phạt sẽ tăng tới 5.000.000 đồng nếu có hành vi bán với giá cao hơn so với mức giá được niêm yết, tối đa lên đến 30.000.000 đồng khi bán hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục bình ổn giá, Danh mục hạn chế kinh doanh hoặc Danh mục có điều kiện.
Khi vi phạm thì ngoài việc bị phạt tiền, cơ sở kinh doanh vi phạm cũng buộc phải trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn mức giá đã niêm yết.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách "gối đầu giường" cho người mê nội trợ. Bất kể là ẩm thực đường phố hay nhà hàng sang trọng, mỗi món ăn, mỗi phong cách nấu nướng đều có một câu chuyện riêng, những bí quyết không phải ai cũng biết.