![]() |
Sống dài hạn tại khách sạn đang dần trở thành phong cách sống mới của người trẻ Trung Quốc, những người ưu tiên sự linh hoạt, tiện nghi và tự do thay vì ràng buộc bởi hợp đồng thuê nhà truyền thống. Ảnh: Sixth Tone. |
Sau khi tốt nghiệp vào năm 2022, Hu Weiwei, một game thủ 24 tuổi sống tại Thiên Tân (Trung Quốc), đối mặt với loạt khó khăn phổ biến khi thuê nhà: phí đặt cọc và môi giới cao, trong khi chủ nhà tính khí thất thường. Mắc chứng rối loạn lo âu xã hội, cô càng cảm thấy áp lực trong việc giao tiếp.
Vì vậy, thay vì thuê căn hộ riêng với chi phí từ 2.000 đến 3.000 nhân dân tệ/tháng, Hu chọn sống dài hạn tại khách sạn với giá khoảng 2.500 nhân dân tệ, không cần đặt cọc, không phí môi giới và đã bao gồm các tiện ích.
"Không phải dọn dẹp, có điều hòa 24/7, gần siêu thị và ga tàu điện. Với người làm việc online như tôi, khách sạn là lựa chọn hoàn hảo", Hu nói với Sixth Tone.
Theo game thủ này, an ninh tại khách sạn được đảm bảo nhờ camera giám sát. Còn những bất tiện như ánh sáng yếu hay bàn thấp, cô tự cải thiện bằng cách mua đồ nội thất phù hợp.
Hu đã sống tại nhiều khách sạn ở Thượng Hải, Tô Châu và hiện tại là tỉnh Cát Lâm. Cô khẳng định sẽ tiếp tục lựa chọn hình thức này trong thời gian tới.
Theo nền tảng du lịch Qunar, Trung Quốc chứng kiến sự gia tăng nhu cầu lưu trú dài hạn tại khách sạn từ những người trẻ tuổi. Từ tháng 11/2024 đến tháng 1, lượng đặt phòng cho thời gian ở kéo dài hơn một tháng tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2019, chủ yếu ở nhóm khách 25-30 tuổi. Mức chi trung bình 2.700 nhân dân tệ/tháng, các địa phương ấm áp như Hải Nam, Vân Nam, Phúc Kiến được ưa chuộng.
Tang Miaomiao (22 tuổi) và bạn trai từng ở khách sạn suốt kỳ nghỉ đông tại Thanh Đảo. Cô đánh giá cao tính kinh tế và dịch vụ tại đây: "Nhân viên khách sạn còn làm bánh bao cho chúng tôi vào đêm giao thừa". Tuy nhiên, không gian khép kín và thiếu bếp nấu là những bất tiện mà cặp đôi phải thích nghi.
![]() ![]() ![]() ![]() |
Không gian và dịch vụ tại khách sạn Marriott ở Thượng Hải. Ảnh: JW Marriott Shanghai. |
Dữ liệu từ Jin Jiang Hotels China Region, chuỗi khách sạn toàn quốc có trụ sở chính tại Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, cho thấy số khách dưới 40 tuổi lưu trú trên một tháng tăng hơn 1,5 lần so với năm 2023. Nhu cầu chủ yếu đến từ freelancer, người làm việc từ xa và các chuyên gia trẻ.
"Chúng tôi đưa ra mức giá dài hạn gần bằng giá thuê căn hộ, nhưng loại bỏ các khoản chi như phí đặt cọc, phí dịch vụ. Phong cách sống 'đóng gói và di chuyển' đang trở thành xu hướng, đặc biệt với những người không muốn bị ràng buộc", đại diện khách sạn cho biết.
Sự chuyển dịch này khiến giá thuê nhà trung bình tại 50 thành phố lớn ở Trung Quốc giảm 3,25% trong năm 2024.
Wu Ben, Phó giáo sư tại Đại học Phúc Đán, cho biết mức giá cạnh tranh đã thu hút nhiều người trẻ lựa chọn ở khách sạn dài hạn thay vì nhà trọ. Bà cho biết: "Khách dài hạn thường ít phàn nàn, giúp khách sạn ổn định doanh thu và giảm rủi ro biến động thị trường".
Trên nền tảng Xiaohongshu (Tiểu Hồng Thư - ứng dụng được ví như Instagram của Trung Quốc), nhiều người trẻ chia sẻ lý do chọn sống tại khách sạn: toàn, tiện nghi và linh hoạt.
Casey Cheuk (40 tuổi), sống cùng chồng tại khách sạn Marriott ở Thượng Hải, cho biết lựa chọn này phù hợp với lối sống hiện đại. Dù tốn khoảng 10.000 nhân dân tệ/tháng, cô cho rằng tổng chi phí không chênh lệch nhiều so với căn hộ dịch vụ.
Đổi lại, thời gian đi làm hàng ngày của cô chỉ mất 20 phút và nhà hàng của khách sạn giúp cô không cần phải nấu ăn. Không gian này cũng đóng vai trò mở rộng cuộc sống nghề nghiệp của cô, cho phép cô tổ chức các cuộc họp khách hàng thông thường hoặc tụ tập với bạn bè. Cô gọi đây là lối "sống nhẹ", tức chỉ giữ những vật dụng cần thiết, có thể dễ dàng chuyển đổi nơi ở khi cần.
"Trước kia tôi thường mua sắm theo cảm hứng, giờ tôi chú trọng đến tính bền vững và giá trị thực của món đồ hơn", Casey nói.
Du lịch là để tận hưởng hay sống ảo?
Theo TS Đặng Hoàng Giang - tác giả cuốn sách Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường - việc chạy theo những gì được cho là đẹp theo tiêu chuẩn số đông đang phá vỡ sự nguyên sơ, gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái tự nhiên.
Mục Du lịch - Ẩm thực giới thiệu nội dung buổi chia sẻ của tác giả Đặng Hoàng Giang về quan điểm du lịch đang khiến con người quên đi việc tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên.
> Đọc tiếp: Hệ luỵ của du lịch 'sống ảo'